Nằm trong kế hoạch chấn chỉnh vấn đề tuyển sinh đại học, Bộ Giáo dục Mỹ thông báo mở cuộc điều tra về quyền công dân đối với các chính sách tuyển sinh “kế thừa” của Đại học Harvard, một trong những trường hàng đầu thế giới.
Hồi đầu tháng 7, Toà án Tối cao đã phán quyết rằng các chính sách có ý thức về chủng tộc mà Đại học Harvard áp dụng là vi hiến, tức là hành vi làm trái quy định của Hiến pháp.
Theo đó, các nhóm cộng đồng người da đen và Mỹ Latinh ở New England, Mỹ, đã đề đơn khiếu nại lên Toà án Tối cao Mỹ. Nhóm này phản ánh gần 70% ứng viên Harvard có quan hệ gia đình với các nhà tài trợ hoặc cựu sinh viên là người da trắng.
Những thí sinh trên có khả năng trúng tuyển cao hơn khoảng 7 lần so với các ứng viên khác, có thể chiếm gần 1/3 số sinh viên trong khoá. Ước tính, khoảng 28% sinh viên khóa 2019 tại ĐH Harvard được nhận theo diện chính sách trên. Từ đó, khái niệm chính sách tuyển sinh “kế thừa” ra đời.
Các nhóm đã đề nghị Bộ Giáo dục điều tra về chính sách tuyển sinh trên của Harvard vì nó không công bằng đối với các nhóm sinh viên khác, nhất là trong bối cảnh Harvard đang được nhận tài trợ của chính quyền liên bang.
Đáp lại kiến nghị trên, Bộ Giáo dục Mỹ thông báo họ đã tổ chức đoàn điều tra chính sách tuyển sinh của Harvard nhưng không tiết lộ thêm thông tin. Trong khi đó, thư ký báo chí Nhà Trắng Karine Jean-Pierre cho biết Tổng thống Joe Biden đã nhấn mạnh “quy trình tuyển sinh cũ sẽ cản trở khả năng xây dựng cộng đồng sinh viên đa dạng của nước Mỹ”.
Về phía Harvard, người phát ngôn thông tin nhà trường đã xem xét các chính sách tuyển sinh nhằm đảm bảo tuân thủ luật pháp sau phán quyết của toàn án. “Harvard vẫn tận tâm mở ra những cánh cửa cơ hội và tăng gấp đôi nỗ lực của chúng tôi nhằm khuyến khích sinh viên từ nhiều hoàn cảnh khác nhau đăng ký nhập học”, người phát ngôn của Harvard chia sẻ.
Trong những năm gần đây, một số cơ sở giáo dục đại học ở Mỹ như Cao đẳng Amherst (bang Massachusetts), ĐH Carnegie Mellon (bang Pennsylvania), Đại học Johns Hopkins (bang Maryland)... đã loại bỏ chính sách tuyển sinh “kế thừa”.
Bà Sarah Hinger, luật sư cấp cao thuộc Chương trình Tư pháp Chủng tộc, Liên đoàn Tự do Dân sự Mỹ, chia sẻ, dù không biết chi tiết cụ thể về chính sách của Harvard nhưng vấn đề chung của các trường đại học là việc tuyển sinh “kế thừa” tạo ra những lợi ích không tương đương, nghiêng cán cân về cho người da trắng và người giàu có.
Một nghiên cứu mới đây của các nhà khoa học Đại học Harvard và Đại học Brown, Mỹ, chỉ ra những sinh viên giàu có có khả năng trúng tuyển các trường hàng đầu cao gấp đôi so với những sinh viên thu nhập thấp, trung bình bằng điểm đầu vào.
Nghiên cứu đã khảo sát thu nhập gia đình và dữ liệu nhập học tại khối trường Ivy League hoặc một số đại học như Stanford, MIT, Duke, Chicago... và phát hiện chính sách tuyển sinh “kế thừa” là yếu tố lợi thế cho những ứng viên giàu có. Hai lợi thế còn lại cho các ứng viên giàu có là học bổng thể thao và chứng chỉ ngoại khóa.
Chính sách của Harvard cũng được áp dụng ở nhiều trường đại học Mỹ. Tuần trước, Đại học Wesleyan, bang Connecticut, đã tuyên bố chấm dứt chính sách ưu đãi khi nhập học cho ứng viên đến từ các gia đình có quan hệ lịch sử với trường. Chủ tịch ĐH Wesleyan, ông Michael Roth, cho biết “tình trạng kế thừa” đã xuất hiện lâu đời trong tuyển sinh của trường nhưng bây giờ sẽ bị loại bỏ hoàn toàn.