Bộ GD&ĐT yêu cầu không tổ chức các sân chơi trí tuệ quy mô lớn là hợp lý

GD&TĐ - Đây là nhận định của ông Nguyễn Trí Dũng – Trưởng Phòng Giáo dục Tiểu học (Sở GD&ĐT Hà Nội) trong cuộc trao đổi với phóng viên báo Giáo dục & Thời đại xung quanh việc thực hiện Chỉ thị chấn chỉnh dạy thêm, học thêm của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT.

Em vui đến trường
Em vui đến trường

- Hà Nội tiếp nhận và triển khai Chỉ thị chấn chỉnh dạy thêm, học thêm của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT như thế nào, thưa ông?

Bộ GD&ĐT yêu cầu không tổ chức các sân chơi trí tuệ quy mô lớn là hợp lý ảnh 1Ông Nguyễn Trí Dũng 

Vấn đề dạy thêm, học thêm đã được Bộ GD&ĐT chỉ đạo từ nhiều năm nay đã đi vào trong quy định, hoạt động của tất cả các nhà trường trên địa bàn. 

Thành phố cũng đã có những chỉ đạo lâu nay và Sở GD&ĐT Hà Nội cũng đã có những bước triển khai cụ thể, theo sát những chỉ đạo của cấp trên.

Ngay từ đầu năm học 2014 – 2015, Sở cũng đã có những công văn của cả ngành, mỗi cấp học đều có những văn bản để chỉ đạo trực tiếp, quán triệt đến từng cán bộ quản lý, từng giáo viên tại mỗi cơ sở. Do vậy, việc tổ chức triển khai các văn bản chỉ đạo của Bộ GD&ĐT rất thông suốt và hiệu quả.

- Ở cương vị người phụ trách cấp Tiểu học, ông đánh giá thế nào về thực trạng dạy thêm, học thêm trên địa bàn Hà Nội?

Có thể đâu đó còn tình trạng dạy, học thêm ngoài nhà trường. Nhưng thực sự là những khách quan khó tránh do nhu cầu chính đáng của phụ huynh học sinh.

Hà Nội khẳng định không có dạy thêm, học thêm trong trường học. Không có bất kỳ sự tổ chức nào để dạy thêm học thêm từ các nhà trường.

Mỗi trường đều có quy định rất rõ ràng, cụ thể về công tác bồi dưỡng cho học sinh giỏi và học sinh còn hạn chế về mặt nào đó. Việc bồi dưỡng này nằm trong kế hoạch của nhà trường hàng năm và nhà trường không được phép thu bất kỳ một khoản lệ phí nào. Đây là trách nhiệm của thầy cô giáo và nằm trong sự quản lý của các nhà trường.

- Ông có thể cho biết cách phát hiện và chế tài xử lý vi phạm dạy thêm - học thêm tại Hà Nội?

Ở cấp quản lý của Sở GD&ĐT, chúng tôi phát hiện các vi phạm quy định chủ yếu do đơn thư tố cáo từ phía người dân hoặc phụ huynh học sinh. Trong trường hợp này, chúng tôi xử lý nhanh bằng cách kịp thời kiểm tra tại trường đó hoặc thông qua kênh thông tin nhanh của các Phòng GD&ĐT quận, huyện hoặc yêu cầu các nhà trường trực tiếp báo cáo.

Trường hợp cần thiết, Sở GD&ĐT sẽ thành lập đoàn để về tận nơi nắm bắt tình hình, kiểm tra và xử lý nghiêm các sai phạm của cá nhâ, đơn vị.

Tuy nhiên, trên thực tế, lần theo các đơn thư tố cáo chỉ có hiện tượng bồi dưỡng, phụ đạo cho con cháu trong nhà và theo nhu cầu của một số học sinh trên khối phố.

Một trong những khó khăn khi xây dựng chế tài xử lý các sai phạm quy định dạy thêm, học thêm là: Nếu chỉ đạo qua văn bản phải tuân thủ các thể thức và khi văn bản đến nơi thì “hiện trường” đã không còn hoặc nếu lập đoàn kiểm tra cũng phải trải qua quy trình nghiêm túc và tránh vấp phải những vấn đề về luật.

- Hà Nội có những giải pháp nào để thực hiện tốt nhất những nội dung chỉ đạo chấn chỉnh tình trạng dạy thêm - học thêm bậc tiểu học của Bộ GD&ĐT

Giải pháp cần thiết và cốt yếu nhất là đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân nhận thức được rằng, việc cho con cháu mình đi học thêm ngoài chương trình hoặc học trước chương trình hay học thêm ở mức độ nâng cao theo ý muốn của người lớn là điều không cần thiết.

Hà Nội dạy 2 buổi/ngày đã đạt tới gần 90% và như vậy hầu hết học sinh Hà Nội đã được học đầy đủ và bảo đảm yêu cầu về kiến thức kỹ năng do Bộ GD&ĐT quy định.

Đừng ốp các cháu phải học thêm. Điều này nằm ở nhận thức và trách nhiệm của các bậc phụ huynh, của xã hội chứ không của riêng ai.

Phía ngành GD Hà Nội cũng quán triệt rất chặt chẽ, kiên quyết đối với lực lượng giáo viên có tham gia vào việc dạy thêm.

Việc cho bài tập về nhà cho học sinh học 2 buổi/ngày cũng đã được đưa vào hướng dẫn nhiệm vụ năm học. Hà Nội cũng đã cấm các trường tuyệt đối không cho bài tập về nhà với đối tượng học sinh này và khuyến khích các trường có điều kiện cơ sở vật chất yêu cầu học sinh để sách vở tại lớp. Thời gian ở nhà dành cho các cháu vui chơi tự do theo sở thích để bảo đảm về sức khỏe và tâm lý.

Tuy nhiên, vấn đề là trên thực tế vẫn có những phụ huynh yêu cầu giáo viên giao bài tập về nhà để dễ quản lý con trong thời gian không đến lớp. Điều này có thể dẫn tới tình huống vì nể phụ huynh mà giáo viên có thể nhắc các con làm bài tập trong sách tham khảo nào đó…

Về việc Bộ GD&ĐT yêu cầu không tổ chức các sân chơi trí tuệ quy mô lớn là hoàn toàn bình thường và hợp lý. Chúng tôi hiểu rằng, chỉ đạo của Bộ là không đầu tư kiểu “mũi nhọn” hay bồi dưỡng “gà nòi” nhưng vẫn tạo điều kiện để các con có những hoạt động tập thể bổ ích, hướng đến đại trà để mọi học sinh đều được rèn luyện và trau dồi thêm kỹ năng sống và những kiến thức giao tiếp, kiến thức xã hội cơ bản.

Khuyến khích các cháu tham gia hoạt động tập thể, đồng thời quản lý chặt chẽ, không lồng ghép việc dạy văn hóa vào các sân chơi để thu tiền của học sinh là điều quy định hướng tới.

Tôi nhấn mạnh rằng, mọi văn bản chỉ đạo của Bộ GD&ĐT đều đã qua nghiên cứu rất kỹ càng, đã phân tích và cân nhắc thiệt, hơn. Vấn đề là các đơn vị cơ sở cần lĩnh hội và hiểu đúng tinh thần chỉ đạo, vận dụng sao cho phù hợp để tránh được áp lực cho học sinh và phụ huynh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Trách nhiệm của cha mẹ là truyền đạt cho con khái niệm về sự kiên nhẫn. (Ảnh: ITN).

Vì sao bố mẹ nên dạy con tính kiên nhẫn?

GD&TĐ - Ngay cả việc học về tính kiên nhẫn cũng cần một lượng thời gian đáng kể. Bạn cần chuẩn bị sẵn kiến ​​thức cơ bản trước khi dạy con về tính kiên nhẫn.