Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn và Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh chủ trì phiên họp. Cùng dự có các Thứ trưởng: Phạm Ngọc Thưởng, Hoàng Minh Sơn, Nguyễn Thị Kim Chi; các Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội: Nguyễn Thị Mai Hoa, Tạ Văn Hạ, Đinh Công Sỹ; các ủy viên thường trực, uỷ viên chuyên trách, ủy viên, chuyên viên của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội; thành viên Ban soạn thảo, Tổ biên tập dự án Luật Nhà giáo.
Tích cực hoàn thiện dự thảo Luật Nhà giáo và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật
Báo cáo việc rà soát, tiếp thu ý kiến của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội đối với dự thảo Luật Nhà giáo sau các phiên họp trong tháng 12/2024, đại diện thường trực Ban soạn thảo, ông Vũ Minh Đức, Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục cho biết:
Ngày 6/12/2024, Bộ GD&ĐT có báo cáo gửi Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Nhà giáo. Ngày 12/12/2024, Tổng Thư ký Quốc hội có báo cáo tổng hợp ý kiến các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ và tại hội trường về dự án Luật Nhà giáo.
Sau các phiên làm việc giữa cơ quan thẩm tra và cơ quan soạn thảo, hiện nay, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội đã dự thảo Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Nhà giáo và tiếp tục hoàn thiện sau khi lãnh đạo hai cơ quan thống nhất một số nội dung còn ý kiến khác nhau trong quá trình rà soát, chỉnh lý dự thảo Luật Nhà giáo.
Căn cứ hồ sơ dự án Luật Nhà giáo đã trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8 và kết quả các phiên họp rà soát, Bộ GD&ĐT đang tiếp tục hoàn thiện dự thảo các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Nhà giáo.
Trong đó, số lượng nghị định hướng dẫn dự kiến bao gồm: Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Nhà giáo; Nghị định hướng dẫn về chính sách tiền lương, phụ cấp, hỗ trợ đối với nhà giáo; Nghị định hướng dẫn việc áp dụng Luật Nhà giáo đối với nhà giáo trong trường của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, lực lượng vũ trang nhân dân.
Số lượng Thông tư hướng dẫn dự kiến khoảng 15 Thông tư, bao gồm 3 nhóm: Thông tư của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT ban hành quy tắc ứng xử của nhà giáo; Thông tư của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT quy định chế độ làm việc của nhà giáo các cấp học, trình độ đào tạo; Thông tư của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT quy định về chuẩn nghề nghiệp nhà giáo các cấp học, trình độ đào tạo.
Tại phiên họp, ông Vũ Minh Đức cũng báo cáo kết quả đề xuất chỉnh lý dự thảo Luật Nhà giáo đến ngày 10/1, căn cứ kết quả làm việc qua các phiên và rà soát, thống nhất bước đầu giữa cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra.
Theo đó, về cấu trúc, dự thảo Luật Nhà giáo đề xuất chỉnh lý gồm 9 Chương, 47 Điều (giảm 3 Điều so với dự thảo 5 trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8). Đồng thời, tại chương VI (về đào tạo, bồi dưỡng và hợp tác quốc tế đối với nhà giáo), đề xuất không tách mục, quy định trực tiếp các Điều (bỏ tên mục).
Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục đồng thời báo cáo cụ thể một số vấn đề cơ quan thẩm tra đề xuất tiếp tục rà soát, liên quan đến các thuật ngữ và một số chính sách cụ thể (như: vị trí, vai trò của nhà giáo; quyền của nhà giáo; hoạt động nghề nghiệp của nhà giáo; chuẩn nghề nghiệp nhà giáo; tuyển dụng, tiếp nhận, thu hút đối với nhà giáo; chính sách tiền lương, hỗ trợ nhà giáo; chế độ nghỉ hưu đối với nhà giáo; chế độ nghỉ hưu ở tuổi cao hơn đối với nhà giáo; quản lý nhà nước về nhà giáo).
Theo kế hoạch, tháng 1/2025 tập trung hoàn thiện Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Nhà giáo cùng các hồ sơ kèm theo phục vụ phiên họp tháng 2/2025 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Tháng 2-3/2025: Tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tiếp tục rà soát, chỉnh lý dự thảo Luật Nhà giáo và các hồ sơ kèm theo để hoàn thiện hồ sơ dự án Luật Nhà giáo. Trong trường hợp cần thiết, Ủy ban Văn hóa Giáo dục có văn bản gửi Chính phủ đề nghị cho ý kiến, Bộ GD&ĐT chủ trì chuẩn bị hồ sơ trình Chính phủ để xin ý kiến các Thành viên Chính phủ.
Tháng 4/2025: Hoàn thiện hồ sơ trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 9.
Thống nhất những nội dung quan trọng
Tại phiên họp, các ý kiến tập trung thảo luận, cho ý kiến đối với dự thảo Báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV và dự kiến chỉnh lý dự thảo Luật Nhà giáo.
Một số vấn đề cụ thể được tập trung trao đổi liên quan đến: đối tượng áp dụng; điều động nhà giáo; tuổi nghỉ hưu cao hơn đối với nhà giáo; quyền của nhà giáo; tuyển dụng, sử dụng nhà giáo; bình đẳng giữa hệ thống giáo dục công lập và dân lập, tư thục; nhà giáo tham gia điều hành doanh nghiệp do cơ sở giáo dục thành lập từ kết quả nghiên cứu khoa học theo quy định…
Đặt ra nhiều vấn đề mang tính phản biện nhằm hoàn thiện dự thảo Luật Nhà giáo, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh nhận định, phiên họp đã đi được đến các thống nhất quan trọng về một số vấn đề lớn, vấn đề thuộc về nguyên tắc. Ông Nguyễn Đắc Vinh đồng thời bày tỏ cảm ơn sự phối hợp chặt chẽ của Bộ GD&ĐT, góp phần giúp Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội đạt được nhiều kết quả tích cực trong năm vừa qua.
Phát biểu tại phiên họp, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn chia sẻ: Những vấn đề cần cho nhà giáo, điều cần làm để phát triển đội ngũ dù đã rõ ràng, cụ thể. Nhưng từ mong muốn giải quyết vấn đề, vướng mắc đó trở thành điều khoản, nội dung Luật - là cả một câu chuyện đầy thách thức.
Đến nay, việc xây dựng Luật nhà giáo, từ tư duy chính sách, cách thể hiện, thuyết phục xã hội… đều đã đi được một phần quan trọng. Đạt được điều này có sự hỗ trợ, chung tay của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, đặc biệt là đồng chí Chủ nhiệm và các đồng chí lãnh đạo Ủy ban.
Cũng nhận định phiên họp đã thống nhất được một số nội dung quan trọng, Bộ trưởng đồng thời thông tin về các nhiệm vụ lập pháp của Bộ GD&ĐT trong năm 2025 như: rà soát, đánh giá Luật Giáo dục; xây dựng Luật Học tập suốt đời; tiến hành sửa đổi Luật Giáo dục nghề nghiệp sau khi nhận mảng giáo dục nghề nghiệp… Từ đó, Bộ trưởng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phối hợp giữa Bộ GD&ĐT và Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội trong thời gian tới.