Dự thảo Luật Nhà giáo: Tháo gỡ bất cập trong tuyển dụng, sử dụng

GD&TĐ - Một trong những điểm mới của dự thảo Luật Nhà giáo là quy định về tuyển dụng giáo viên. 

Cô - trò Trường THCS Ngô Sĩ Liên (Hoàn Kiếm, Hà Nội). Ảnh: NVCC
Cô - trò Trường THCS Ngô Sĩ Liên (Hoàn Kiếm, Hà Nội). Ảnh: NVCC

Theo đó, dự thảo luật đề xuất thẩm quyền tuyển dụng do cơ quan quản lý giáo dục chủ trì tuyển dụng hoặc phân cấp, ủy quyền. Ngoài ra, Bộ GD&ĐT cũng đề xuất một số điểm mới trong việc đặc cách, ưu tiên tuyển dụng nhà giáo.

Tháo gỡ bất cập

Từ thực tiễn địa phương, ông Trần Văn Thức - Giám đốc Sở GD&ĐT Thanh Hóa nhận thấy thực trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ, nhất là giáo viên tiểu học, THCS để thực hiện Chương trình GDPT 2018 ngày càng trầm trọng. Một trong những nguyên nhân cơ bản dẫn đến thực trạng này do các cơ quan quản lý giáo dục thiếu vai trò chủ trì nên không thể chủ động trong việc tuyển dụng, sử dụng giáo viên. Cụ thể, việc tuyển dụng nhà giáo trong các cơ sở giáo dục công lập hiện được thực hiện theo quy định chung về tuyển dụng viên chức.

Tuy nhiên, ông Trần Văn Thức cho rằng, quy định chung về tuyển dụng viên chức chưa phù hợp với hoạt động nghề nghiệp đặc thù của nhà giáo. “Ví dụ, việc làm bài thi về kiến thức chung chưa gắn liền với yêu cầu hoạt động nghề nghiệp của nhà giáo. Ngoài ra, điều kiện đăng ký dự thi chưa tính đến yếu tố đặc thù…”, ông Trần Văn Thức viện dẫn.

Cũng theo Giám đốc Sở GD&ĐT Thanh Hóa, việc phân cấp công tác tuyển dụng, sử dụng đội ngũ nhà giáo còn nhiều bất cập. Tại hầu hết địa phương, cơ quan chuyên môn là phòng GD&ĐT không phải đơn vị chủ trì, đầu mối về tuyển dụng giáo viên; do đó, không thể chủ động trong việc điều tiết số lượng, cơ cấu đội ngũ theo môn học, cấp học và không điều tiết được giáo viên thừa, thiếu giữa các đơn vị hành chính trên địa bàn.

“Hệ quả của vấn đề này được thể hiện rõ trong việc triển khai Chương trình GDPT 2018”, ông Trần Văn Thức trăn trở và cho biết, kết quả giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho thấy, địa phương không tuyển được giáo viên ở một số môn học nên chưa thể tổ chức dạy học. “Tôi đồng tình và thống nhất cao với việc dự thảo luật giao quyền chủ động cho ngành Giáo dục trong tuyển dụng, sử dụng nhà giáo”, ông Trần Văn Thức nêu quan điểm.

Theo dự thảo, Bộ GD&ĐT, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội là cơ quan chủ trì xây dựng chiến lược, đề án, kế hoạch phát triển, tổng biên chế đội ngũ nhà giáo thuộc thẩm quyền quản lý, trình cấp có thẩm quyền quyết định; điều phối biên chế nhà giáo trong các cơ sở giáo dục công lập theo số lượng được cơ quan thẩm quyền giao. Các cơ quan quản lý giáo dục hoặc cơ sở giáo dục chủ trì trong tuyển dụng nhà giáo. “Đây là quy định quan trọng, có thể tháo gỡ ngay những vấn đề khó khăn, nhất là thừa, thiếu giáo viên từ nhiều năm nay ở các địa phương”, ông Trần Văn Thức nhấn mạnh.

thao-go-bat-cap-trong-tuyen-dung-su-dung-2.jpg
Một lớp học của Trường Tiểu học Nghĩa Lợi (Nghĩa Hưng, Nam Định). Ảnh: NTCC.

“Chiêu mộ” nhân tài

Nhấn mạnh sự cần thiết phải ban hành Luật Nhà giáo, ông Tô Văn Tám (đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tum) phân tích, chúng ta cần đặt nhà giáo trong tổng thể đội ngũ viên chức và coi là viên chức đặc biệt trong hệ thống Nhà nước. Với cách tiếp cận như vậy, ông Tô Văn Tám nêu ý kiến: Thứ nhất, về tuyển dụng nhà giáo, dự thảo luật đã trao quyền tuyển dụng cho cơ quan quản lý giáo dục chủ trì tuyển dụng hoặc phân cấp, ủy quyền hoặc người đứng đầu cơ sở giáo dục thực hiện việc tuyển dụng.

Việc trao quyền như vậy nhằm tạo cơ sở cho cơ quan quản lý giáo dục, cơ sở giáo dục tuyển dụng nhà giáo đáp ứng yêu cầu thực tiễn và yêu cầu của ngành Giáo dục; đồng thời chủ động trong điều phối biên chế nhà giáo của ngành.

Góp ý về đối tượng được đặc cách ưu tiên trong tuyển dụng nhà giáo, bà Châu Quỳnh Dao (đoàn ĐBQH tỉnh Kiên Giang) nhìn nhận, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách để thu hút học sinh vào ngành sư phạm; trong đó có Nghị định số 116/2020/NĐ-CP của Chính phủ: Quy định về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm. Chính sách này đã phát huy hiệu quả và tạo hiệu ứng tích cực trong xã hội.

Tuy nhiên, bà Châu Quỳnh Dao nhận thấy, chính sách đào tạo giáo viên theo địa chỉ thực tế còn khó khăn. Tính đến đầu năm 2023, có khoảng 17,4% sinh viên học theo diện này. Theo quy định, chính quyền địa phương chịu trách nhiệm bố trí vị trí việc làm phù hợp với chuyên ngành đào tạo, song thực tế những sinh viên được đào tạo theo diện này vẫn trải qua kỳ thi tuyển cạnh tranh, có khi không bằng và không cạnh tranh được với thí sinh tự do.

Điều này vô hình trung làm cho ý nghĩa của chính sách không được trọn vẹn. Do đó, ĐBQH đoàn Kiên Giang tán thành khoản 3 Điều 16, dự thảo Luật Nhà giáo: “Người tốt nghiệp ngành đào tạo giáo viên theo chế độ cử tuyển hoặc đặt hàng giữa địa phương và cơ sở đào tạo thì được tuyển dụng đặc cách”.

Ngoài ra, để tạo nguồn giáo viên thực sự có chất lượng, bà Châu Quỳnh Dao kiến nghị, bổ sung chính sách thu hút nhà giáo dành cho học sinh phổ thông có thành tích học tập đạt học sinh giỏi quốc gia, quốc tế. Đây là những học sinh xuất sắc trong nhà trường được tuyển thẳng vào ngành sư phạm nên cần quy định rõ, bổ sung.

Bên cạnh một số điểm mới trong đặc cách, ưu tiên tuyển dụng nhà giáo, đại biểu Quốc hội Châu Quỳnh Dao tán thành với đề xuất của Bộ GD&ĐT về 4 trường hợp được đặc cách, ưu tiên trong tuyển dụng nhà giáo, bao gồm: Thứ nhất, người có trình độ cao, người có tài năng, sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ, người có năng khiếu đặc biệt trong các lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, thể dục thể thao, các ngành nghề truyền thống phù hợp với nghề dạy học.

Thứ hai, người tình nguyện làm việc ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn theo quy định của Chính phủ thuộc đối tượng được ưu tiên trong tuyển dụng. Thứ ba, người tốt nghiệp ngành đào tạo giáo viên theo chế độ cử tuyển hoặc theo đặt hàng giữa địa phương với cơ sở đào tạo. Thứ tư, người đã có thời gian hợp đồng lao động làm nhà giáo trong cơ sở giáo dục từ 2 năm trở lên.

“Với những đề xuất trên, ngoài ưu tiên lựa chọn người xuất sắc làm nhà giáo, đội ngũ giáo viên hợp đồng cũng có nhiều cơ hội để được tuyển dụng, vào biên chế trong ngành”, bà Châu Quỳnh Dao ghi nhận.

Liên quan đến quy định về các trường hợp đặc cách, ưu tiên người có trình độ cao, tài năng, ông Tô Văn Tám cho rằng, cần giải thích rõ thế nào là người có trình độ cao, người có tài năng để dễ thực hiện khi tuyển dụng và như thế cũng đảm bảo tính khả thi của quy định này.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Việc thiếu ngủ có thể khiến trẻ mệt mỏi. Ảnh minh họa: INT

Duy trì giấc ngủ đều đặn

GD&TĐ - Tết là thời điểm cha mẹ và trẻ tham gia nhiều hoạt động, tiệc tùng. Đây cũng là lúc trẻ được nghỉ học với tâm trạng phấn khích, háo hức.