Bà Mai Anh, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế cho biết, trong năm 2020, về cơ bản, văn bản quy phạm pháp luật do Bộ GD&ĐT ban hành tuân thủ các quy định của pháp luật, kịp thời giải quyết các vướng mắc phát sinh trong quá trình điều hành của Bộ. Công tác xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Bộ GD&ĐT đã dần dần được nâng cao cả về chất lượng và số lượng.
Nội dung các văn bản quy phạm pháp luật bảo đảm sự thống nhất trong hệ thống pháp luật; được thẩm định trước khi ban hành, tác động tích cực đến sự ổn định phát triển của ngành Giáo dục.
Số lượng văn bản quy phạm pháp luật được ban hành đã đi vào cuộc sống, giải quyết bước đầu một số bức xúc của xã hội, được nhân dân ủng hộ, đồng tình. Công tác phối hợp của các đơn vị trong Bộ ngày càng tốt hơn, trách nhiệm của người đứng đầu ngày càng được nâng cao.
Công tác rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật của Bộ GD&ĐT được lãnh đạo Bộ quan tâm chỉ đạo nhằm kịp thời phát hiện những quy định trái pháp luật, mâu thuẫn, chồng chéo, hết hiệu lực hoặc không còn phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội để sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc bãi bỏ. Vì vậy, chất lượng và tiến độ rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật ngày càng nâng cao, tác động tích cực đến công tác xây dựng kế hoạch soạn thảo văn bản hằng năm của Bộ GD&ĐT.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đã ban hành Kế hoạch kiểm tra, xử lý văn bản quy phạm pháp luật hằng năm. Công tác kiểm tra, xử lý văn bản quy phạm pháp luật có tác động tích cực đối với công tác soạn thảo, ban hành văn bản nói chung và văn bản quy phạm pháp luật nói riêng của Bộ GD&ĐT. Các đơn vị chủ trì soạn thảo đã chú ý hơn tới sự cần thiết ban hành văn bản, sự phù hợp của văn bản với các văn bản của cấp trên, tính đồng bộ, thống nhất với các văn bản cùng cấp, tính chuẩn xác của thể thức và kỹ thuật trình bày văn bản.
Bộ cũng đã bố trí kinh phí hoạt động kiểm tra, xử lý, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật theo quy định tại Thông tư liên tịch số 122/2011/TTLT-BTC-BTP. Các đơn vị đã có sự quan tâm đến công tác kiểm tra, xử lý văn bản quy phạm pháp luật và có sự phối hợp với Vụ Pháp chế trong công tác này.
Về công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, đã tham mưu kịp thời cho lãnh đạo Bộ chỉ đạo tổ chức thực hiện các hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật trong ngành có trọng tâm, trọng điểm...
Tại hội nghị, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đánh giá cao nỗ lực của các Thứ trưởng và các đơn vị trong công tác pháp chế. Theo đó, năm 2020, dù chịu ảnh hưởng của dịch bệnh, ngành Giáo dục có nhiều biến động, số lượng nhiệm vụ nhiều, nhưng Bộ GD&ĐT đã ban hành được số lượng văn bản lớn. Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng đưa ra những vấn đề cần rút kinh nghiệm để làm tốt hơn; trong đó có nội dung liên quan đến tiến độ, quy trình xây dựng văn bản; công tác thống kê, kiểm soát tiến độ thực hiện văn bản…
Bộ trưởng khẳng định quan điểm chỉ đạo: pháp chế là công tác số 1, công tác chính của lãnh đạo Bộ GD&ĐT, lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ và phải được ưu tiên hàng đầu; cần tập trung thời gian, công sức, trí tuệ, nguồn lực để thực hiện tốt công tác này. Từ đó, bảo đảm môi trường pháp lý về giáo dục thông thoáng, chặt chẽ, thuận lợi cho người dân, giảm các thủ tục hành chính rườm rà; thực thi hiệu quả trong quá trình triển khai; giảm thiểu nhỏ nhất chồng chéo; hạn chế các “khoảng mờ”, tuyệt đối không có “điểm đen”.
“Nhận thức về công tác pháp chế phải liên tục, thường xuyên” - lưu ý điều này, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đồng thời nhấn mạnh trách nhiệm của các lãnh đạo Bộ được phân công phụ trách đơn vị và người đứng đầu các đơn vị trong công tác này. Việc rà soát, đề xuất, kiểm tra thực hiện là nhiệm vụ của từng đơn vị, từng Thứ trưởng phụ trách. Vụ Pháp chế là đầu mối có trách nhiệm thẩm tra các đề xuất và thẩm tra các văn bản trình, bảo đảm đúng chức năng nhiệm vụ.
Cùng với đó, phải nghiêm túc về tiến độ và chất lượng; nghiêm túc thực hiện đúng quy trình; có chế tài xử lý nghiêm người thực hiện không nghiêm túc; đồng thời ghi nhận, biểu dương kịp thời các đơn vị, cá nhân làm tốt.