Tham dự và chủ trì hội nghị có Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc, đại diện lãnh đạo, người làm công tác pháp chế, đại diện các phòng chuyên môn của Sở GD&ĐT của 27 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khu vực phía Nam.
Phát biểu khai mạc, PGS.TS Nguyễn Văn Phúc - Thứ trưởng Bộ GD&ĐT khẳng định: Công tác pháp chế có vai trò rất quan trọng trong sự phát triển của ngành. Mặc dù Nghị định số 55/2011/NĐ-CP không quy định cụ thể tổ chức pháp chế đối với các cơ sở giáo dục đại học. Tuy nhiên, căn cứ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ GD&ĐT và dựa trên tình hình thực tế các cơ sở giáo dục đại học được giao quyền tự chủ ngày càng rộng rãi, ngày 24/7/2014, được sự ủng hộ của Bộ Tư pháp, Bộ GD&ĐT có Công văn số 3878/BGDĐT-PC hướng dẫn tổ chức làm công tác pháp chế trong các cơ sở giáo dục đại học.
“Tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa là yêu cầu quan trọng để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước. Trong những năm gần đây, công tác pháp chế nói chung và công pháp chế của ngành giáo dục nói riêng đã có nhiều chuyển biến tích cực. Hệ thống pháp chế ngành giáo dục từ Bộ đến các sở giáo dục và đào tạo, các cơ sở giáo dục đại học đã thực hiện tốt chức năng tham mưu cho lãnh đạo đơn vị trong công tác soạn thảo văn bản, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật.
Lãnh đạo Bộ GD&ĐT luôn coi nhiệm vụ xây dựng văn bản quy phạm pháp luật là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của các đơn vị thuộc Bộ. Chất lượng, hiệu quả, tính khả thi của các quy định do Bộ ban hành hoặc tham mưu ban hành phụ thuộc rất nhiều vào sự đóng góp của các sở giáo dục và đào tạo, các cơ sở giáo dục, trong đó có đội ngũ làm công tác pháp chế…
Vì vậy, tôi hy vọng rằng, thông qua Hội nghị tập huấn này, các học viên được cung cấp và trang bị một số thông tin cơ bản, mới nhất về kiến thức, kỹ năng công tác pháp chế. Tôi cũng tin tưởng rằng các chuyên đề do các báo cáo viên của Bộ GD&ĐT, Bộ Tư pháp trình bày sẽ cung cấp cho các đồng chí học viên nhiều thông tin hữu ích, giúp cho các đồng chí có thể tham khảo, ứng dụng ngay trong công tác sau khi kết thúc lớp tập huấn”- Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc nói.
Với mục đích bồi dưỡng, nâng cao hơn nữa chất lượng công tác pháp chế, công tác phổ biến giáo dục pháp luật, năng lực, nghiệp vụ, kỹ năng công tác pháp chế và cung cấp những văn bản quan trọng liên quan trực tiếp đến ngành, Hội nghị tập trung vào 6 nhóm vấn đề chính để tập huấn, gồm: 1. Kỹ năng xây dựng pháp luật; 2. Những điểm mới của Luật Giáo dục năm 2019, Nghị định 84/2020/NĐ-CP; 3. Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; theo dõi tình hình thi hành pháp luật và các công tác pháp chế khác; 4. Phổ biến, quán triệt Luật Giáo dục đại học; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giáo dục đại học; Nghị định 99/2019/NĐ-CP; Xây dựng các văn bản nội bộ trong các cơ sở giáo dục đại học, trường cao đẳng sư phạm. 5. Các vấn đề liên quan đến Hội đồng trường. 6. Công tác pháp chế và các vấn đề pháp lý liên quan đến lĩnh vực giáo dục.
Phát biểu với vai trò là đơn vị tổ chức hội nghị, PGS.TS Trần Hoàng Hải- Quyền Hiệu trưởng trường Đại học Luật TPHCM cho biết; việc tổ chức hội nghị chuyên đề về công tác pháp chế tại Trường Đại học Luật TP.HCM – cơ sở đào tạo pháp luật lớn nhất phía Nam vừa thuận lợi cho các đại biểu có thể khai tác hệ thống thư viện và kho tài liệu pháp luật của Nhà trường, để chuẩn bị cho Hội nghị Nhà trường đã trang bị và tăng cường hệ thống internet để các đại biểu có thể dễ dàng truy cập vào hệ thống của Nhà trường.
Thông qua Hội nghị tập huấn này, các học viên được cung cấp và trang bị một số thông tin cơ bản, thông tin mới nhất, cập nhật nhất về kiến thức, kỹ năng công tác pháp chế và có thể tham khảo, ứng dụng ngay trong công tác sau khi kết thúc lớp tập huấn.