Bộ GD&ĐT tuyển sinh 1.200 tiến sĩ theo đề án 911

GD&TĐ - Bộ GD&ĐT vừa có thông báo tuyển sinh đào tạo tiến sĩ theo Đề án 911 cho năm 2014.

Bộ GD&ĐT tuyển sinh 1.200 tiến sĩ theo đề án 911

Theo đó, Bộ GD&ĐT chủ trương gửi đi đào tạo ở tất cả các nước tiên tiến trên thế giới và tại những cơ sở đào tạo nước ngoài đã ký kết thỏa thuận hợp tác với Bộ GD&ĐT với 1.200 chỉ tiêu dự kiến được phân bổ như sau:

Anh (50), Ôx-trây-li-a (50), Niu Di-lân (30), Hoa Kỳ (125), Nga (95), Trung Quốc (150), Pháp (190), Đức (190), Nhật Bản (130), Xin-ga-po (40), Hàn Quốc (70), Ca-na-đa (40), các nước khác (40).

 Ngành đào tạo

Các ngành học theo nhu cầu đào tạo giảng viên của các trường và nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội đất nước, ưu tiên đào tạo các ngành khoa học kỹ thuật, công nghệ, khoa học tự nhiên, nông nghiệp và một số ngành khoa học xã hội và nhân văn.

Dự kiến số lượng người cử đi đào tạo theo các nhóm ngành của Đề án 911 năm 2014 như sau:

Đối tượng dự tuyển

Giảng viên biên chế, giảng viên hợp đồng làm việc xác định thời hạn hoặc không xác định thời hạn của các đại học, học viện là cơ sở đào tạo đại học, trường đại học và cao đẳng không bao gồm trường cao đẳng nghề.

Sinh viên tốt nghiệp đại học, học viên tốt nghiệp thạc sĩ trong vòng 12 tháng tính đến ngày dự tuyển, có nguyện vọng và cam kết đi học để về làm giảng viên đại học, cao đẳng.

Điều kiện chung: Có phẩm chất đạo đức tốt, đủ sức khỏe để học tập ở nước ngoài, cam kết trở về nước phục vụ tại cơ sở đào tạo đã cử đi học; Không quá 45 tuổi tính theo năm đăng ký dự tuyển;

Đăng ký ngành học phù hợp với ngành đã tốt nghiệp đại học, thạc sĩ; Có công văn cử dự tuyển của trường nơi ứng viên công tác hoặc trường ký hợp đồng cam kết tuyển dụng làm giảng viên sau khi tốt nghiệp;Có đủ trình độ ngoại ngữ theo quy định...

 

Điều kiện cụ thể: Với giảng viên biên chế, giảng viên hợp đồng làm việc xác định thời hạn hoặc không xác định thời hạn của các đại học, học viện là cơ sở đào tạo đại học, trường đại học và cao đẳng không bao gồm trường cao đẳng nghề phải có bằng tốt nghiệp đại học, thạc sĩ;

Sinh viên tốt nghiệp đại học, học viên tốt nghiệp thạc sĩ trong vòng 12 tháng tính đến ngày dự tuyển, có nguyện vọng và cam kết đi học để về làm giảng viên đại học, cao đẳng phải có kết quả học đại học đạt loại giỏi trở lên đối với trường hợp mới tốt nghiệp đại học;

Kết quả đại học đạt loại giỏi đồng thời kết quả học thạc sĩ đạt 8,0 trở lên (theo thang điểm 10 hoặc tương đương) đối với trường hợp mới tốt nghiệp thạc sĩ; được một trường ký hợp đồng cam kết tuyển dụng làm giảng viên đại học, cao đẳng sau khi tốt nghiệp và được bố/mẹ hoặc người bảo lãnh có cam kết thực hiện trách nhiệm và nghĩa vụ với trường cử dự tuyển quy định.

Trường hợp đối tượng dự tuyển có bằng tốt nghiệp đại học, chưa qua đào tạo thạc sĩ nhưng được cơ sở đào tạo nước ngoài tiếp nhận học thẳng chương trình tiến sĩ (không phải qua đào tạo thạc sĩ) sẽ được xem xét trên cơ sở văn bản tiếp nhận cụ thể của cơ sở đào tạo nước ngoài;

 Những ứng viên đã được Bộ GD&ĐT cử đi học đại học, thạc sĩ theo các chương trình học bổng Hiệp định hoặc Ngân sách nhà nước phải có ít nhất 2 năm công tác kể từ khi về nước đến thời điểm ban hành Thông báo này mới được phép đăng ký dự tuyển đi học tiến sĩ theo Đề án 911;

 Trường hợp đối tượng được cử đi học đại học, thạc sĩ ở nước ngoài bằng học bổng ngân sách Nhà nước hoặc diện Hiệp định nhưng không hoàn thành khóa học, vi phạm quy định của người được hưởng học bổng ngân sách Nhà nước, phải bồi hoàn kinh phí đào tạo và những trường hợp đã hoàn thành khóa học nhưng không báo cáo tốt nghiệp với Bộ Giáo dục và Đào tạo thì không được dự tuyển theo Đề án này.

 Điều kiện về ngoại ngữ

Ứng viên cần có một trong các chứng chỉ, văn bằng sau:

Có chứng chỉ trình độ ngoại ngữ quốc tế tương đương trình độ B2 trở lên theo Khung tham khảo Châu Âu chung về ngoại ngữ do một cơ quan khảo thí quốc tế có thẩm quyền cấp trong thời hạn 02 năm tính đến thời điểm dự tuyển theo Thông báo này, phù hợp với yêu cầu tiếp nhận đào tạo tiến sĩ của nước và cơ sở đào tạo dự kiến sẽ đi học. Thông tin về Khung tham khảo Châu Âu chung về ngoại ngữ dành cho ứng viên đi học nước ngoài đính kèm tại Phụ lục 1 của Thông báo này;

Có bằng tốt nghiệp đại học hoặc thạc sĩ ở nước ngoài, nay trở lại nước đó học tập hoặc ngôn ngữ đã sử dụng trong học tập ở nước ngoài phù hợp với ngôn ngữ sẽ sử dụng để theo học chương trình đào tạo tiến sĩ.

Thời hạn nộp hồ sơ: Trước ngày 31/7/2014 (tính theo dấu bưu điện chuyển hồ sơ đến Cục Đào tạo với nước ngoài) để dự tuyển Đợt 1 và trước ngày 30/9/2014 để dự tuyển Đợt 2.

Dự kiến kết quả phê duyệt trúng tuyển sẽ được thông báo cho các trường và ứng viên dự tuyển trong tháng 9/2014 (Đợt 1) và tháng 11/2014 (Đợt 2). Kết quả trúng tuyển có hiệu lực để làm thủ tục nhận học bổng đi học trước ngày 31/12/2015.

Ứng viên chỉ được phép đi học và được cấp kinh phí liên quan sau khi có Quyết định cử đi học của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT.

 Quyền lợi và nghĩa vụ của người trúng tuyển

Người trúng tuyển phải cam kết hoàn thành chương trình đào tạo và phải trở về phục vụ tại trường cử đi học gấp 3 lần thời gian đào tạo.

Cá nhân nào vi phạm cam kết sẽ phải bồi hoàn toàn bộ chi phí đào tạo theo quy định tại Nghị định 143/2013/NĐ-CP ngày 24/10/2013 của Thủ tướng Chính phủ quy định về bồi hoàn học bổng và chi phí đào tạo.

 Ứng viên trúng tuyển khi nộp hồ sơ làm thủ tục đi học chính thức tại nước ngoài sẽ phải nộp học phí 1 lần cho Nhà nước theo quy định: 13 triệu đồng/NCS/khóa học: Đối với NCS học 1 năm. 26 triệu đồng/NCS/khóa học: Đối với NCS học 2 năm. 39 triệu đồng/NCS/khóa học: Đối với NCS học 3 năm. 52 triệu đồng/NCS/khóa học: Đối với NCS học 4 năm.

Ứng viên nộp tiền học phí một lần sau khi nhận giấy triệu tập đi học nước ngoài để hoàn thiện thủ tục cấp Quyết định của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cử đi học nước ngoài.

Trong thời gian học tại nước ngoài, ứng viên trúng tuyển sẽ được cấp học bổng bao gồm học phí (tối đa 15.000USD/năm) và các loại phí bắt buộc liên quan đến chương trình học tập (nếu có), sinh hoạt phí, bảo hiểm y tế, phí đi đường, lệ phí làm hộ chiếu, visa, vé máy bay quốc tế một lượt đi và về theo quy định hiện hành của Nhà nước.

Thời gian được cấp học bổng thực hiện trên cơ sở văn bản thông báo đồng ý tiếp nhận của cơ sở đào tạo ở nước ngoài nhưng không vượt quá 4 năm cho cả khóa học.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ