Hội nghị được tổ chức truyền hình trực tuyến tại 3 điểm cầu: Hà Nội, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh. Tại đầu cầu Hà Nội, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga – Chỉ huy Trưởng Ban chỉ huy quân sự Bộ GD&ĐT đã dự và phát biểu khai mạc hội nghị.
Thiếu tướng Nguyễn Duy Miên, Cục trưởng Cục Dân quân tự vệ (Bộ Quốc phòng), đại diện Bộ Công an, các Sở GD&ĐT, các TT GDQP-AN sinh viên các tỉnh phía Bắc cùng dự hội nghị.
GDQP-AN ngày càng được nâng cao chất lượng
Phát biểu khai mạc hội nghị, Thứ trưởng Bùi Văn Ga khẳng định: Trong thời gian qua, được sự quan tâm sâu sát của Đảng và Nhà nước, giáo dục và đào tạo nói chung, công tác GDQP-AN cho HSSV nói riêng đã có những chuyển biến mạnh mẽ, góp phần quan trọng trong việc thực hiện mục tiêu giáo dục toàn diện cho thế hệ trẻ.
Chất lượng GD&ĐT được nâng cao rõ rệt, góp phần xây dựng nguồn lực để thực hiện đồng thời 2 nhiệm vụ chiến lược: xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam Xã hội Chủ nghĩa.
Từ năm 1958 đến nay, trải qua các giai đoạn lịch sử, chương trình, hình thức và phương pháp tổ chức dạy học GDQP-AN cho HSSV đã có nhiều đổi mới cho phù hợp với tình hình.
Năm 2008, SGK môn học GDQP-AN chính thức được biên soạn và đưa vào giảng dạy ở cấp trung học phổ thông. Kế hoạch giảng dạy của môn học cũng đã được sắp xếp khoa học và hiệu quả hơn.
Từ chỗ triển khai học tập trung “tuần quân sự” lúc ban đầu, đến nay hầu hết các địa phương, các cơ sở giáo dục đã triển khai giảng dạy học môn GDQP-AN phân phối đều trong chương trình, đánh giá kết quả học tập đến từng học sinh như những môn học khác.
Tại các trường ĐH, CĐ chất lượng dạy và học GDQP-AN đã có những bước tiến đáng kể. Đội ngũ giảng viên từ chỗ yếu và thiếu, chủ yếu do sĩ quan biệt phái đảm nhiệm, đến nay đã có được đội ngũ nhà giáo chuyên ngành GDQP-AN đáp ứng được yêu cầu của môn học và đang từng bước được chuẩn hóa.
Kể từ năm 2013, chúng ta đã triển khai giao nhiệm vụ đào tạo giảng viên GDQP-AN cho một số trường sư phạm và trường quân sự để xây dựng đội ngũ giảng viên chuyên nghiệp cho các nhà trường, góp phần nâng cao hiệu quả GDQP-AN, đáp ứng đòi hỏi ngày càng cao của sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc.
Triển khai hiệu quả, đồng bộ Luật GDQP-AN
Các đại biểu tại đầu cầu Hà Nội theo dõi hội nghị qua màn hình lớn của cả 3 điểm cầu |
Với tầm quan trọng của công tác GDQP-AN trong tình hình mới, ngày 19 tháng 6 năm 2013, Quốc hội đã thông qua Luật Giáo dục quốc phòng và an ninh. Đây là văn kiện quan trọng khẳng định vị trí trọng yếu của môn học giáo dục quốc phòng và an ninh trong hệ thống giáo dục quốc dân.
Thứ trưởng Bùi Văn Ga nhấn mạnh: Thực hiện Quyết định số 253 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Tổ chức tuyên truyền Luật GDQP-AN” và Kế hoạch số 823 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT về tổ chức tuyên truyền, phổ biến, tập huấn Luật GDQP-AN năm 2014, Bộ GD&ĐT tổ chức Hội nghị tập huấn cho các lãnh đạo chủ chốt nhằm thống nhất nhận thức, nâng cao trách nhiệm tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả văn kiện Luật này.
Đồng thời, Thứ trưởng mong rằng qua hội nghị này, lãnh đạo các cơ sở giáo dục và đào tạo, các thầy cô giáo giảng dạy môn học GDQP-AN sẽ quán triệt sâu sắc hơn nội dung của Luật GDQP-AN và các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật nhằm tiếp tục nâng cao chất lượng giảng dạy môn GDQP-AN nói riêng và công tác GDQP-AN nói chung trong toàn ngành.
Hội nghị đã được Thiếu tướng Nguyễn Thiện Minh – Vụ trưởng Vụ GDQP (Bộ GD&ĐT) quán triệt, phổ biến về Luật GDQP-AN, Nghị định của Chính quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật GDQP-AN.
Đồng thời, Thiếu tướng cũng trình bày về Quyết định 607 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Đào tạo giáo viên, giảng viên GDQP-AN cho các trường THPT, TCCN, TCN và các cơ sở Giáo dục ĐH đến năm 2020.
Các đại biểu tại Hội nghị cũng đã nghe báo cáo viên của Bộ Quốc phòng phổ biến, cập nhật, phân tích về tình hình quân sự, quốc phòng thế giới, trong khu vực; tình hình biển đảo và công tác bảo vệ chủ quyền biển đảo của Việt Nam; Nghe Phó Cục trưởng Cục Kiểm ngư Việt Nam – TS Lê Hà giới thiệu về lực lượng kiểm ngư Việt Nam.