Bối cảnh thực hiện chương trình lớp 1 năm học 2020-2021
Năm học 2020-2021 là năm học toàn ngành Giáo dục thực hiện nhiệm vụ kép với mục tiêu: vừa tích cực thực hiện các giải pháp phòng chống dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp; các địa phương căn cứ các hướng dẫn của Bộ GD&ĐT xây dựng kế hoạch dạy học bảo đảm hoàn thành Chương trình giáo dục phổ thông cấp tiểu học phù hợp với diễn biến tình hình dịch bệnh xảy ra tại các địa phương; tăng cường các hình thức dạy học phù hợp theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT.
Đây cũng là năm học đầu tiên ngành Giáo dục triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với lớp 1; thực hiện các nội dung theo Nghị quyết số 88/2014/QH13 của Quốc hội, Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông bảo đảm chất lượng, hiệu quả, đúng lộ trình.
Tuy nhiên, do tình dịch bệnh Covid-19 nên HS trước khi vào lớp 1 ở nhà khá dài (khoảng 6 tháng, từ tháng 2 đến hết tháng 8); do đó, các em hầu như không được học chương trình mầm non cho trẻ 5 tuổi, không được học nhận biết các mặt chữ, hướng dẫn các hoạt động làm quen học tập và chuẩn bị tâm lý, tinh thần cho các em trước khi vào lớp 1 (trong chương trình mầm non có nội dung này).
Mặt khác, theo khung thời gian năm học 2020-2021, tất cả đều thực hiện tổ chức dạy học chính thức sau khai giảng 5/9/2020, không có thời gian làm quen nền nếp, tâm lí cho HS lớp 1. Các năm học trước có 2 tuần bắt đầu tựu trường từ 15/8/2020 để HS và giáo viên tổ chức làm quen tạo tâm thế sẵn sàng cho HS lớp 1 - điều này rất khó khăn cho các nhà trường tiểu học và giáo viên lớp 1.
Về phía giáo viên dạy lớp 1, do tình hình dịch bệnh Covid-19 nên việc triển khai tập huấn có gián đoạn và ảnh hưởng khá nhiều đến tiến độ, chất lượng, hạn chế thời gian, ít được tương tác, thực hành về nghiệp vụ trước khi dạy học theo chương trình mới. Các chương trình tập huấn chủ yếu thông qua trực tuyến, được thực hành trên môi trường mạng, ít được tương tác với đồng nghiệp và các giảng viên được giao nhiệm vụ thực hiện chương trình tập huấn.
Về chương trình và SGK mới, đặc biệt là năm đầu tiên triển khai thực hiện, Chương trình không tăng về lượng kiến thức, chỉ quy định chuẩn đầu ra, yêu cầu cần đạt vào cuối năm học. SGK không biên soạn theo bài, theo tiết có sẵn như trước đây mà biên soạn theo chủ đề, mạch kiến thức. Giao cho giáo viên, nhà trường nghiên cứu chương trình, SGK, đặc điểm của HS tại trường của mình để xây dựng kế hoạch dạy học cụ thể, phù hợp với đối tượng. Vì vậy, cùng một chủ đề trong SGK nhưng tùy vào đối tượng HS mà trường này có thể dạy 2 tiết, nhưng trường khác có thể dạy 3,4 tiết cho phù hợp đối tượng. Tốc độ thực hiện chương trình nhanh hay chậm từng giai đoạn có thể khác nhau giữa các trường, miễn là không vượt quá tổng thời gian cho môn học đó trong một năm. Trong quá trình thực hiện, giáo viên nhà trường điều chỉnh cho phù hợp (đây là điểm mới, giao quyền và trách nhiệm cho giáo viên, nhà trường nhiều hơn) nên giáo viên, nhà trường nhiều nơi chưa mạnh dạn thực hiện mà vẫn thực hiện theo cách cũ.
Về phía gia đình và xã hội: Phụ huynh chưa được cung cấp thông tin đầy đủ về chương trình (vì hạn chế thời gian nên các nhà trường có hạn chế trong việc trao đổi với phụ huynh); thường so sánh chương trình cũ và mới và đưa ra những nhận định, đánh giá chưa thật phù hợp và đầy đủ, gây áp lực cho con và cho giáo viên, nhà trường…
Từ những khó khăn khách quan nêu trên, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ cho biết, các cấp ủy chính quyền các địa phương, ngành Giáo dục, từng thầy cô giáo, đặc biệt là các cô giáo lớp 1 đã và đang cố gắng khắc phục khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ, và hiện nay công việc giảng dạy đã bước đầu ổn định và đi vào nền nếp, rất cần sự động viên, chia sẻ và thấu hiểu của các lực lượng xã hội để các cô giáo thầy giáo yên tâm công tác và tiếp tục cống hiến.
Tiếp thu góp ý về SGK trên tinh thần cầu thị, trách nhiệm
Ngay từ đầu năm học, Bộ GD&ĐT đã tiến hành các đoàn kiểm tra, khảo sát, nắm tình hình triển khai chương trình ở một số địa phương. Qua đó cho thấy, các nhà trường đã xây dựng kế hoạch thực hiện chương trình lớp 1 phù hợp với điều kiện thực tiễn của trường; giáo viên dạy lớp 1 đã bước đầu áp dụng được các phương pháp, kỹ thuật dạy học theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực HS; nền nếp dạy học đã bước đầu ổn định, tạo được sự chủ động, tự tin trong học tập cho HS lớp 1 đối với hầu hết các môn học, hoạt động giáo dục theo chương trình, SGK mới.
Trước ý kiến về chương trình môn Tiếng Việt theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 nặng so với Chương trình 2006, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ cho biết: Bộ GD&ĐT khi xây dựng chương trình đã đặc biệt chú ý để thực hiện việc giảm tải trong chương trình để tăng tính trải nghiệm thực hành, vì vậy các nội dung và giải pháp thể hiện trong chương trình đều đã được tổ chức thực nghiệm, lấy ý kiến phản biện của các nhà khoa học, các nhà quản lý và rộng rãi trong các tầng lớp nhân dân.
Cụ thể đối với môn Tiếng Việt cấp Tiểu học, tổng số tiết học môn Tiếng Việt cho cả cấp tiểu học trong chương trình năm 2000 và chương trình năm 2018 không thay đổi.
Tuy nhiên, số tiết cho lớp 1 và lớp 2 trong chương trình 2018 có tăng (2 tiết/tuần cho lớp 1 và 1 tiết/tuần cho lớp 2) so với chương trình 2000; ngược lại số tiết cho lớp 3, 4, 5 trong chương trình 2018 lại giảm.
Việc tăng số tiết cho lớp 1 và 2 (các lớp đầu cấp tiểu học) nhằm giúp HS phát triển kĩ năng đọc, viết, nói và nghe tiếng Việt, nhờ đó có được công cụ để học tốt các môn học khác.
Như vậy, về nội dung kiến thức, chương trình 2018 có phần giảm nhẹ hơn so với chương trình năm 2000, tăng tiết đối với lớp 1, lớp 2 là để giảm tải, chứ không phải tăng tải, giúp các em HS học đủ 29 chữ cái và khoảng 140 vần mới biết đọc, biết viết. Để hoàn thành nhiệm vụ này, trước đây chương trình năm 2000 chỉ được thực hiện trong phạm vi 350 tiết một năm, tính trung bình 10 tiết 1 tuần; còn chương trình năm 2018 được thực hiện đến 420 tiết một năm, tăng thêm 2 tiết để giáo viên, HS dạy học đỡ vất vả hơn. Bộ GD&ĐT đã tăng cường truyền thông, xây dựng các video gửi về các địa phương, trường học để giáo viên, phụ huynh hiểu rõ về thực hiện đổi mới chương trình và SGK.
Trước phản ánh về việc SGK môn Tiếng Việt lớp 1 của bộ sách Cánh Diều có một số nội dung chưa phù hợp, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ cho biết: Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đã yêu cầu Hội đồng quốc gia thẩm định SGK môn Tiếng Việt lớp 1 (Hội đồng thẩm định) rà soát, báo cáo trước ngày 17/10/2020 (Công văn số 4090/BGD&ĐT-GDTH ngày 09/10/2020).
Thực hiện yêu cầu của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, Hội đồng thẩm định đã tổ chức rà soát, làm việc với tác giả SGK môn Tiếng Việt lớp 1 của bộ sách Cánh Diều. Trên tinh thần cầu thị, trách nhiệm, Hội đồng thẩm định và tác giả đã thống nhất tiếp thu tối đa các ý kiến góp ý để chỉnh sửa SGK cho phù hợp hơn.
Bộ GD&ĐT đã yêu cầu nhà xuất bản và tác giả xây dựng phương án chỉnh sửa, hiệu đính, gửi Hội đồng thẩm định để thẩm định, báo cáo Bộ trưởng Bộ GD&ĐT xem xét phê duyệt nội dung chỉnh sửa trước ngày 15/11/2020.
Một số giải pháp sẽ triển khai thực hiện
Theo Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ, để tiếp tục triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 hiệu quả, đúng quy định, Bộ GD&ĐT đã ban hành Công văn số 3977/BGD&ĐT-GDTH. Trong công văn nay, Bộ GD&ĐT chỉ đạo các nhà trường xây dựng kế hoạch giáo dục thực hiện chương trình lớp 1 theo hướng phân bổ hợp lý về nội dung và thời lượng dạy học giữa các môn học, hoạt động giáo dục để không gây quá tải, đáp ứng yêu cầu triển khai thực hiện chương trình mới được xây dựng theo hướng mở; giúp HS hoàn thành nhiệm vụ học tập ngay tại lớp học, không giao thêm bài tập về nhà cho HS. Thời khóa biểu cần bảo đảm tỷ lệ hợp lý giữa các môn học và hoạt động giáo dục, phân bổ hợp lý về thời lượng, thời điểm trong ngày học và tuần học phù hợp với tâm sinh lý lứa tuổi HS tiểu học, đặc biệt là HS lớp 1.
Chỉ đạo các nhà trường tiếp tục thực hiện đổi mới phương pháp dạy học phù hợp với yêu cầu phát triển phẩm chất, năng lực người học; tổ chức sinh hoạt chuyên môn theo hướng dẫn tại Công văn số 1315/BGD&ĐT-GDTH ngày 16/4/2020 về hướng dẫn sinh hoạt chuyên môn thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông cấp tiểu học; tăng cường trao đổi thông tin để cha mẹ HS nắm được yêu cầu đổi mới của chương trình và đồng hành cùng nhà trường thực hiện hiệu quả chương trình.
Tăng cường dự giờ, thăm lớp, hỗ trợ thường xuyên cho giáo viên trong quá trình triển khai thực hiện chương trình; chủ động phối hợp với các nhà xuất bản, cơ sở đào tạo giáo viên trong công tác bồi dưỡng, hỗ trợ chuyên môn cho giáo viên một cách phù hợp. Trong quá trình triển khai thực hiện, yêu cầu các Sở GD&ĐT tăng cường nắm bắt thông tin phản ánh từ các nhà trường, giáo viên và phụ huynh HS để trao đổi, cung cấp thông tin, giải đáp kịp thời và tổng hợp các ý kiến phản ánh về Bộ GD&ĐT theo quy định.
Để xử lý kịp thời, hiệu quả các khó khăn khi sử dụng SGK trong giảng dạy và có phương án khắc phục khi phát hiện lỗi trong SGK, Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo các nhà xuất bản, các tác giả viết SGK thực hiện các giải pháp linh hoạt, đa dạng để kịp thời hỗ trợ địa phương và giáo viên khắc phục những khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện chương trình.
Chỉ đạo các Sở GD&ĐT yêu cầu các nhà trường hướng dẫn, hỗ trợ giáo viên chủ động lựa chọn ngữ liệu khác phù hợp (nếu cần thiết) để tổ chức dạy học cho HS căn cứ vào yêu cầu của ngữ liệu được quy định trong Chương trình Ngữ văn, căn cứ vào trình độ HS, căn cứ vào mục tiêu của hoạt động dạy học đúng theo quy định của chương trình và các văn bản hướng dẫn của Bộ GD&ĐT.
Qua thực tế thực hiện việc thẩm định SGK lớp 1 thực hiện theo các quy định tại Thông tư số 33/2017/TT-BGD&ĐT ban hành quy định tiêu chuẩn, quy trình biên soạn, chỉnh sửa SGK; tiêu chuẩn tổ chức, cá nhân biên soạn SGK; tổ chức và hoạt động của Hội đồng quốc gia thẩm định SGK và những vướng mắc cần được bổ sung hoàn thiện, Bộ GD&ĐT đã ban hành Thông tư số 23/2020/TT-BGD&ĐT về việc sửa đổi, bổ sung một số Điều quy định tiêu chuẩn, quy trình biên soạn, chỉnh sửa SGK; tiêu chuẩn tổ chức, cá nhân biên soạn SGK; tổ chức và hoạt động của Hội đồng quốc gia thẩm định SGK theo Thông tư số 33/2017/TT để khắc phục một số vướng mắc liên quan đến thẩm định SGK lớp 2, lớp 6.