Nâng cao trách nhiệm Hội đồng Thẩm định SGK lớp 2 vòng 2

GD&TĐ -Tại Hà Nội, Bộ GD&ĐT vừa khai mạc Hội đồng thẩm định sách giáo khoa lớp 2 vòng 2 biên soạn theo CTGDPT 2018. Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ tham dự và phát biểu chỉ đạo.

Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ phát biểu khai mạc.
Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ phát biểu khai mạc.

Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ ghi nhận những nỗ lực cố gắng, nghiêm túc của Hội đồng thẩm định ở vòng 1, do đó các bản mẫu sách giáo khoa đã được sửa sang kĩ càng.

Bước vào vòng thẩm định 2 vô cùng quan trọng, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ đưa ra 5 yêu cầu đối với Hội đồng thẩm định sách giáo khoa lớp 2.

Trước hết, cần tập trung kĩ càng trong việc đánh giá để đưa ra những sản phẩm chất lượng cao. Quá trình thẩm định càng nghiêm túc bao nhiêu, uy tín của Hội đồng càng tốt bấy nhiêu và sản phẩm SGK sẽ được xã hội đánh giá ghi nhận, tác giả cũng trân trọng thành quả này. Hội đồng thẩm định cần xem lại tất cả những góp ý ở vòng 1 ra sao? Đã được sửa chữa chưa? Cần rà soát toàn bộ tổng thể cuốn sách sau sửa chữa bởi có thể sửa chỗ này lại làm mất đi cấu trúc của phẩn trước đó…

Thẩm định gắn với tinh giản chương trình. Những ngữ liệu, nội dung kiến thức đưa ra phải thiết thực với hoàn cảnh xã hội và các vùng miền.

Ngữ liệu, phương ngữ, ngôn ngữ sử dụng cần thân thiện phổ thông, dễ sử dụng… giúp cho HS nhanh chóng tiếp cận và mang tính giáo dục cao.

Hội đồng thẩm định cần kiên định với quyết định của mình. Nếu thấy đúng phải cương quyết bảo vệ, báo cáo lãnh đạo Bộ để thực hiện theo cái đúng. Sách có lỗi thì kiên quyết loại bỏ nhưng không vì thế làm giảm độ mở của sách.

Hội đồng Thẩm định cần tăng cường tính trách nhiệm cùng Bộ GD&ĐT trong việc giải trình các vấn đề với xã hội, cộng đồng... về sản phẩm. Gắn trách nhiệm, uy tín của lãnh đạo Bộ, Bộ GD&ĐT với Hội đồng trước cộng đồng, xã hội, nhân dân…

Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ cũng đặc biệt nhấn mạnh việc nâng cao hơn nữa trách nhiệm của Chủ tịch Hội đồng thẩm định trước hội đồng bởi đây là người dẫn dắt, định hướng trong quá trình thảo luận, thẩm định SGK…

Sau khi kết thúc thẩm định Vòng 2, Bộ GD&ĐT (Vụ Giáo dục Tiểu học) sẽ tiến hành chức năng quản lý nhà nước về việc bàn giao các biên bản của các Hội đồng đến các đơn vị đề nghị thẩm định và ban hành Quyết định phê duyệt danh mục SGK sử dụng trong cơ sở giáo dục phổ thông.

Thực hiện Quyết định số 2050/QĐ-BGDĐT ngày 23/7/2020 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT về việc thành lập Hội đồng quốc  gia thẩm định sách giáo khoa lớp 2, từ 18/8/2020 Bộ GD&ĐT đã tổ chức họp các Hội đồng để triển khai thẩm định vòng 1 sách giáo khoa lớp 2 đối với các bản mẫu được đề nghị thẩm định.

Ngày 3/9/2020, Bộ GD&ĐT đã ban hành Công văn số 3376/BGDĐT thông báo kết quả thẩm định vòng 1 và đề nghị các nhà xuất  bản phối hợp với các nhóm tác giả chỉnh sửa, hoàn thiện bản mẫu theo góp ý của Hội đồng.

Ngày 7/10/2020, Bộ GD&ĐT đã tiếp nhận các bản mẫu đã được đề nghị thẩm định vòng 2. Trên cơ sở đó, Bộ GD&ĐT tổ chức họp hội đồng bắt đầu từ ngày 15/10/2020 nhằm thẩm định vòng 2 sách giáo khoa lớp 2.

Các bản mẫu SGK lớp 2 được đề nghị thẩm định vòng 2 gồm: Môn Tiếng Việt (3 cuốn); Môn Toán (4 cuốn); Môn Đạo đức ( 3 cuốn); Môn Tự nhiên – Xã hội (3 cuốn); Môn Giáo dục Thể chất (3 cuốn); Môn Nghệ thuật (Âm nhạc) (3 cuốn); Môn Nghệ thuật (Mĩ thuật) (3 cuốn); Hoạt động trải nghiệm (3 cuốn); Môn Tiếng Anh (8 cuốn).

Từ ngày 16/10/2020, Hội đồng thẩm định lần lượt làm việc với từng bản mẫu SGK và tối đa 5 ngày/1 bản mẫu. Các thành viên Hội đồng thẩm định trình bày bản nhận xét của mình về từng bản mẫu SGK; Hội đồng thẩm định thảo luận, thống nhất ý kiến góp ý ghi vào từng trang của bản mẫu SGK; Hội đồng thẩm định bỏ phiếu đánh giá chất lượng từng bản mẫu SGK và hoàn thiện biên bản cuộc họp.

Chủ tịch Hội đồng thẩm định có thể mời đại diện tác giả của bản mẫu SGK đến để trao đổi hoặc tham vấn các ý kiến nhà khoa học độc lập nếu cần.

Đáng lưu ý, Chủ tịch Hội đồng thẩm định chủ trì thực hiện đầy đủ các nội dung và có thể điều chỉnh thời gian làm việc cho phù hợp và báo cáo BTC biết để theo dõi, giám sát, hỗ trợ thực hiện.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ