Công bố 2 dự thảo luật quan trọng, thành tích cao nhất của Việt nam tham dự IMSO 2017

GD&TĐ -  Bộ GD&ĐT công bố xin ý kiến rộng rãi dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục, dự thảo Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Giáo dục ĐH. Thành tích học sinh Việt Nam tham dự IMSO, những tấm gương nhà giáo hết mình vì học trò là những sự kiện giáo dục được quan tâm tuần vừa qua.

Công bố 2 dự thảo luật quan trọng, thành tích cao nhất của Việt nam tham dự IMSO 2017

2 hành lang pháp lý quan trọng về giáo dục

Trong dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giáo dục, có 4 nội dung cơ bản được sửa đổi, bổ sung, gồm: Sửa đổi, bổ sung hệ thống giáo dục quốc dân theo hướng mở, linh hoạt, liên thông giữa các cấp học và trình độ đào tạo;

Sửa đổi, bổ sung quy định về GDPT, GDTX để đẩy mạnh phân luồng sau THCS, định hướng nghề nghiệp ở THPT; xây dựng xã hội học tập và học tập suốt đời;

Bổ sung một số quy định thể chế các chính sách của Đảng và phù hợp với các quy định hiện hành và giao thẩm quyền ban hành các quy chế, quy định liên quan đến hoạt động nhà trường cho phù hợp với Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015. Và cuối cùng là sửa đổi các quy định, điều về kỹ thuật.

Tại dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục ĐH, các nội dung đề xuất sửa đổi gồm 36 điều, tập trung vào 4 chính sách cơ bản là: Mở rộng phạm vi và nâng cao hiệu quả của tự chủ GDĐH; nâng cao năng lực quản trị của các cơ sở GDĐH; đổi mới quản lý đào tạo để đảm bảo chất lượng, hiệu quả và tiệm cận với các chuẩn quốc tế; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với GDĐH.

Một số nội dung còn có ý kiến khác nhau cũng được nêu ra trong 2 dự thảo Luật để xin ý kiến Chính phủ

Nhiều chuyên gia, các nhà quản lý giáo dục đã bày tỏ sự thống nhất với những nội dung cần sửa đổi, bổ sung trong 2 dự thảo luật; có ý kiến nhận định những điều chỉnh rất rõ ràng, phù hợp với xu thế hiện nay và tạo sự đồng bộ trong phát triển giáo dục;phù hợp và cần thiết để thực hiện đổi mới cản bản, toàn diện GD&ĐT.

Đặc biệt liên quan đến nhà giáo và người học, như đề xuất lương của nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp; nâng chuẩn trình độ đào tạo của giáo viên tiểu học từ trung cấp lên cao đẳng; miễn học phí cho học sinh THCS trường công lập ở dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục nhận được nhiều ý kiến đồng thuận.

3 nội dung này được GS Đào Trọng Thi, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục - Thanh niên - Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội đánh giá là có ý nghĩa rất sâu sắc, là thay đổi mang tính cách mạng trong chính sách giáo dục nếu thực hiện được.

Đoàn Việt Nam tham dự IMSO
 Đoàn Việt Nam tham dự IMSO

12 huy chương tại IMSO, những câu chuyện đẹp về nhà giáo

Cả 12/12 thành viên của đoàn học sinh Việt Nam tham dự Olympic Toán và Khoa học quốc tế (IMSO) 2017 tại Singapore đều giành huy chương. Trong đó, môn Toán có 2 huy chương Vàng, 3 huy chương Bạc, một huy chương Đồng; môn Khoa học có một huy chương Vàng và 5 huy chương Bạc. Đây là lần đầu tiên sau nhiều năm tham gia IMSO, đoàn Việt Nam có học sinh đoạt huy chương Vàng ở môn Khoa học.

IMSO năm nay diễn ra từ ngày 20-24/11, thu hút sự tham gia của các thí sinh đến từ 22 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Cùng với tin vui về thành tích học sinh Việt Nam tham gia IMSO, tuần qua, nhiều tấm gương nhà giáo nỗ lực sáng tạo, hết mình vì học trò tiếp tục được báo chí khai thác.

Báo Hà Tĩnh chia sẻ câu chuyện về thầy giáo Phan Đình Thành (Trường THPT Lý Tự Trọng (Thạch Hà, Hà Tĩnh). Vật lộn với bạo bệnh sau 3 năm sống thực vật vì bệnh cảm biến chứng kéo dài, thầy Thành với nghị lực phi thường đã vượt qua bạo bệnh, định kiến để không chỉ trở thành nhà giáo giỏi mà còn là một nhà sáng chế không chuyên.

Năm học 2006 – 2007, thầy đạt giải nhì hội thi Sáng tạo KHKT toàn tỉnh Hà Tĩnh lần thứ IV với sản phẩm bộ thí nghiệm phản xạ, khúc xạ tán sắc ánh sáng. Không lâu sau, thầy giành giải nhất tại hội thi Sáng tạo KHKT cấp tỉnh lần thứ VI năm học 2010 - 2011 với sản phẩm thí nghiệm dao động điều hòa và chuyển động tròn đều…

Báo Giáo dục và Thời đại đưa tin câu chuyện đẹp tại Trường THPT Đakrông (huyện Đakrông tỉnh Quảng Trị). Các thầy cô trong trường đã quyên góp kinh phí, cùng với việc kêu gọi sự ủng hộ của một số tổ chức, cá nhân để mua xe đạp cho học sinh “mượn” để đến trường.

Những học sinh được nhà trường cho mượn xe đạp chủ yếu là con em đồng bào dân tộc Vân Kiều, Pa Cô có hoàn cảnh khó khăn. Hiện, trường đang cho hơn 50 học sinh ở cách xa trường từ 5-10km mượn xe.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ