Kiên quyết xử lý lạm thu; thầy cô hối hả dọn trường sau bão lũ

GD&TĐ - Sở GD&ĐT Hà Nội phát hiện, xử lý gần 20 trường có khoản thu không đúng quy định đầu năm học 2017-2018; các thầy cô giáo nhiều tỉnh miền Trung, Tây Nguyên hối hả dọn trường sau cơn bão số 12; Trường ĐH Bách khoa (ĐHQG TP.HCM) trao bằng kiến trúc sư danh dự cho sinh viên đã mất; nhiều tấm gương nhà giáo, học sinh trong dạy học… là những thông tin giáo dục đáng chú ý tuần qua.

Thầy cô hối hả dọn trường sau bão lũ. Ảnh: vnexpress.net
Thầy cô hối hả dọn trường sau bão lũ. Ảnh: vnexpress.net

 Tiếp tục kiên quyết chấn chỉnh lạm thu

Tuần qua, nhiều báo chí đưa tin về việc Sở GD&ĐT Hà Nội phát hiện và xử lý gần 20 trường có những khoản thu không đúng quy định đầu năm học 2017-2018; trong đó phần lớn là trường mầm non, tiểu học, THCS. Những trường này đều được yêu cầu dừng thu và trả lại tiền cho phụ huynh.

Từ đầu năm học 2017-2018, Sở GD&ĐT Hà Nội đã thành lập 5 đoàn kiểm tra công tác chuẩn bị cho năm học mới, tuyển sinh, thu chi đầu năm học tại hơn 760 trường ở các cấp trên địa bàn.

Cùng với Hà Nội, nhiều Sở GD&ĐT đã tiếp tục ban hành các văn bản chấn chỉnh công tác thu chi; thành lập các đoàn kiểm tra công tác thu chi đầu năm học tại các nhà trường.

Thầy cô trường tiểu học Hành Tín Đông (Quảng Ngãi) cùng nhau dọn dẹp trường lớp - Ảnh: TRẦN MAI (tuoitre)
Thầy cô trường tiểu học Hành Tín Đông (Quảng Ngãi) cùng nhau dọn dẹp trường lớp - Ảnh: TRẦN MAI (tuoitre)

Thầy cô dọn trường sau lũ, Bộ GD&ĐT hỗ trợ miền Trung

Cơn bão số 12 (bão Damrey) đã đổ bộ vào nước ta từ Thừa Thiên Huế tới Bình Thuận và các tỉnh Tây Nguyên gây ra thiệt hại nặng nề về người và tài sản. Ngành Giáo dục các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên cũng gánh chịu tổn thất nặng nề từ cơn bão lịch sử này.

Báo Nhân dân đưa tin, tại hai tỉnh Quảng Ngãi và Thừa Thiên - Huế, cùng với sự giúp đỡ của các lực lượng, nhiều trường học đã huy động các thầy giáo, cô giáo khẩn trương khắc phục thiệt hại, vệ sinh trường, lớp học để học sinh sớm quay trở lại học tập.

Do ảnh hưởng nặng nề bởi lũ lụt, nhiều học sinh lâm vào hoàn cảnh khó khăn khi một số gia đình có tài sản bị lũ cuốn trôi. Các trường đã nắm bắt hoàn cảnh của từng em để có sự hỗ trợ kịp thời, không để học sinh phải nghỉ học giữa chừng.

Theo VTV, cán bộ, giáo viên tỉnh Khánh Hòa đã có nhiều nỗ lực đáng ghi nhận trong việc dọp dẹp trường lớp, tu bổ cơ sở vật chất, thiết bị dạy và học để học sinh đến trường sau bão.

Với cố gắng không mệt mỏi của các thầy cô phòng học đã sạch sẽ, gọn gàng, sách vở đã được hong khô; học sinh đã có thể đến trường sau cơn bão dữ. Nỗi lo không theo kịp chương trình đã được giải quyết bằng sự tự lực của cán bộ, giáo viên tỉnh này.

Bộ GD&ĐT phối hợp với Công đoàn Giáo dục Việt Nam tổ chức quyên góp ủng hộ các tỉnh miền Trung. Ảnh Minh Thu
Bộ GD&ĐT phối hợp với Công đoàn Giáo dục Việt Nam tổ chức quyên góp ủng hộ các tỉnh miền Trung. Ảnh Minh Thu

Trước thiệt hại nặng nề sau cơn bão số 12, chiều 9/11, Bộ GD&ĐT phối hợp với Công đoàn Giáo dục Việt Nam tổ chức quyên góp ủng hộ các tỉnh miền Trung.

Ngay tại lễ phát động, Công đoàn Giáo dục Việt Nam, các cơ sở giáo dục, cán bộ, công chức, viên chức Bộ GD&ĐT đã quyên góp được trên 2,1 tỷ đồng. Đầu tuần tới, các đoàn công tác của Bộ GD&ĐT do lãnh đạo Bộ và lãnh đạo Công đoàn Giáo dục Việt Nam dẫn đầu sẽ tới các tỉnh chịu thiệt hại do bão số 12 để trao tận tay số tiền này.

Trao bằng kiến trúc sư danh dự cho nữ sinh mất vì ung thư

Đây cũng là thông tin được nhiều báo chí nhắc tới tuần qua. Theo đó, sáng 10/11, Trường ĐH Bách khoa (ĐHQG TP.HCM) trao bằng kiến trúc sư danh dự cho nữ sinh viên Nguyễn Dạ Trầm đã qua đời vì bệnh ung thư. Bà Cao Thị Thùy Trang, mẹ của Trầm, đã đến dự Lễ tốt nghiệp và nhận bằng tốt nghiệp kiến trúc sư của con từ GS.TS Vũ Đình Thành - hiệu trưởng nhà trường.

Đây là lần đầu tiên Trường ĐH Bách khoa (ĐHQG TP Hồ Chí Minh) trao bằng tốt nghiệp danh dự cho một sinh viên đã qua đời.

Những tấm gương giáo dục

Báo Pháp luật VN viết về lớp học tình thương của cô giáo khuyết Nguyễn Thanh Giang tật dưới chân thành Cổ Loa. Học trò của nhiều lứa tuổi nhưng đều bị thiểu năng, tật nguyền.

Bản thân bị dị tật ở chân từ khi mới 9 tháng tuổi, nhiều năm liền phải vật lộn với những con đau thể xác, Nguyễn Thanh Giang vẫn quyết tâm học và thi vào sư phạm. Không để những đứa trẻ thiếu may mắn không được học chữ, cô Giang tìm đọc tài liệu, tự mày mò tìm ra phương pháp dạy cho phù hợp với đối tượng thiểu năng, tàn tật. Hiện hơn chục học sinh dưới sự dìu dắt của cô Giang đang tiến bộ từng ngày và các em đều hạnh phúc vì được đi học.

Cô Nguyễn Thanh Giang
Cô Nguyễn Thanh Giang

khoahocphattrien.vn có bài viết về TS Nguyễn Việt Hưng - Viện Tiên tiến Khoa học và Công nghệ (AIST) - Đại học Bách khoa Hà Nội. Say mê, tận tụy tiến hành các công trình nghiên cứu, TS Hưng đã có 8 bài báo công bố trên các tạp chí ISI cùng nhiều bài trên các tạp chí uy tín khác. Đặc biệt, kết quả nghiên cứu mà anh thực hiện cùng các nhà khoa học ở Ba Lan, Israel và Bồ Đào Nha, được công bố trên Scientific Reports - một trong những tạp chí rất uy tín về vật lý và khoa học tự nhiên - vào cuối tháng 6/2017.

TS Nguyễn Việt Hưng
TS Nguyễn Việt Hưng

Ngoisao.net đưa hình ảnh xúc động về cô bé Thào Thị Gống (6 tuổi), người dân tộc ở vùng cao Sơn La hàng ngày đến trường dù đôi chân không còn nguyên vẹn. Gống bị bệnh, chân hoại tử nên phải tháo khớp đầu gối. Dù khuyết tật, gia đình đặc biệt khó khăn, Gống vẫn nỗ lực, phấn đấu vươn lên trong học tập. Tinh thần lạc quan, hiếu học của em khiến nhiều người mến phục.

Nguyễn Như Khôi được Tổng thống Trump tặng hoa.Ảnh: vietnamnet
Nguyễn Như Khôi được Tổng thống Trump tặng hoa.Ảnh: vietnamnet

Hình ảnh cậu bé được Tổng thống Trump tặng hoa cũng cũng xuất hiện nhiều trên các báo tuần qua. Cậu bé may mắn đó là Nguyễn Như Khôi, học sinh lớp 6A, trường THCS Chu Văn An, Hà Nội. Như Khôi là một trong những học sinh nổi bật của trường THCS Chu Văn An với nhiều thành tích học tập đáng nể như: Giải vàng môn Toán học quốc tế 2015, Giải nhất cuộc thi Hùng biện tiếng Anh 2015 cấp quốc gia, MC xuất sắc tại Festival thiếu nhi quốc tế 2016...

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ