Ngày 25/7, tại TPHCM, Bộ GD&ĐT tổ chức Hội thảo góp ý chương trình môn Lịch sử cấp THPT điều chỉnh theo yêu cầu tại Nghị quyết số 63/2022/QH15 của Quốc hội (Nghị quyết 63).
Tham dự hội thảo có Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ, Vụ trưởng Vụ GD Trung học Nguyễn Xuân Thành, các thành viên trong tổ biên soạn chương trình môn Lịch sử cấp THPT, đại diện Sở GD&ĐT và các thầy cô giáo dạy môn lịch sử cấp THPT từ Đà Nẵng đến Cà Mau.
Bảo đảm tính cơ bản, hệ thống cho giáo dục đại trà
Các đại biểu đề xuất thêm về một số khía cạnh trong việc điều chỉnh chương trình môn Lịch sử bậc THPT. Trong đó phần lớn ý kiến lưu ý về việc rút gọn chương trình từ 70 tiết xuống còn 52 tiết sao cho phù hợp với điều kiện học tập, logic với tiến trình phát triển của lịch sử thế giới và dân tộc....
Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ bày tỏ mục đích của hội thảo là mong muốn lắng nghe ý kiến của đại diện các sở GD&ĐT, các thầy cô dạy Lịch sử cấp THPT đóng góp ý kiến cho việc điều chỉnh chương trình môn Lịch sử cấp THPT từ môn học tự chọn 70 tiết sang môn học bắt buộc 52 tiết. Đồng thời, sau khi tiếp thu ý kiến các vùng miền, Bộ sẽ sớm hoàn thiện chương trình, ban hành thông tư điều chỉnh chương trình môn Lịch sử cấp THPT.
Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ phát biểu tại hội thảo. |
Theo Thứ trưởng, Chương trình Giáo dục phổ thông môn Lịch sử cấp THPT được biên soạn rất công phu, nghiêm túc, bảo đảm chất lượng. Trong quá trình tổ chức thực hiện, trên cơ sở lắng nghe ý kiến của các tầng lớp nhân dân, cử tri và thực hiện Nghị quyết số 63/2022/QH15 ngày 16/6/2022 của Quốc hội về môn Lịch sử, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã giao cho Ban phát triển Chương trình môn học Lịch sử cấp THPT trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018 thực hiện việc rà soát, điều chỉnh Chương trình môn Lịch sử.
Ban phát triển Chương trình đề xuất phương án Điều chỉnh môn Lịch sử là: Giữ nguyên phần lựa chọn là phần chuyên đề học tập Lịch sử 35 tiết/lớp/năm học của Chương trình Giáo dục phổ thông 2018. Chuyển môn Lịch sử trong nhóm khoa học xã hội thành phần Lịch sử bắt buộc với thời lượng 52 tiết/lớp/năm học (Phần Bắt buộc được lựa chọn từ các chủ đề, các nội dung cốt lõi của Chương trình môn Lịch sử 2018).
Trong đó, khi phát triển, điều chỉnh Chương trình môn Lịch sử bậc THPT, ban soạn thảo vận dụng một số nguyên tắc: Tuân thủ mục tiêu, quan điểm xây dựng chương trình của Chương trình Giáo dục phổ thông tổng thể 2018 và đặc điểm môn học Lịch sử; Không thay đổi cấu trúc chương trình đã ban hành, củng cố kiến thức phổ thông ở giai đoạn Giáo dục Cơ bản, giúp học sinh hiểu sâu hơn kiến thức cốt lõi qua các chủ đề nhằm phát triển phẩm chất, năng lực người học.
Các đại biểu tham gia hội thảo. |
Việc điều chỉnh phải dựa trên cơ sở chuyển từ môn học lựa chọn mang tính định hướng nghề nghiệp trở thành môn học bắt buộc cho tất cả các đối tượng học sinh đại trà với thời lượng 52 tiết/lớp/năm học (so với 70 tiết theo Chương trình môn Lịch sử 2018), với nguyên tắc tinh giản một số nội dung, mức độ yêu cầu cần đạt cho phù hợp với học sinh đại trà.
Bảo đảm tính cơ bản, hệ thống cho giáo dục đại trà, đồng thời bước đầu có quan tâm đến giáo dục định hướng nghề nghiệp cho học sinh cấp THPT. Các chủ đề, nội dung lựa chọn phải phù hợp với đặc điểm tâm lí lứa tuổi, nhận thức học sinh cấp THPT.
Coi trọng kiến thức Lịch sử dân tộc và Lịch sử cách mạng Việt Nam nhằm nâng cao giáo dục lòng yêu quê hương đất nước, tinh thần tự hào dân tộc, truyền thống lịch sử và văn hoá dân tộc. Đồng thời bảo đảm sự kết nối, hài hoà giữa kiến thức lịch sử thế giới, lịch sử khu vực Đông Nam Á, bảo đảm nội dung kiến thức lịch sử thế giới và khu vực là cơ sở để hiểu sâu sắc hơn lịch sử dân tộc.
Bên cạnh đó, chương trình Lịch sử phần bắt buộc phải bảo đảm tính khả thi, bảo đảm sự phù hợp, vừa sức đối với tất cả học sinh đại trà; Chú ý đến sự hài hòa tính logic, sự kết nối giữa nội dung các chủ đề phần Lịch sử bắt buộc (cơ bản, cốt lõi) với các chuyên đề theo định hướng nghề nghiệp có tính chuyên sâu...
Thống nhất với quan điểm điều chỉnh
Tại hội thảo, tất cả đại biểu phát biểu đều thể hiện sự thống nhất về chủ trương, quan điểm khi phát triển, điều chỉnh Chương trình môn Lịch sử bậc THPT của ban soạn thảo.
Bên cạnh đó các đại biểu cũng đóng góp ý kiến, góc nhìn về một số khía cạnh trong việc điều chỉnh chương trình môn Lịch sử bậc THPT. Trong đó phần lớn ý kiến lưu ý về việc rút gọn chương trình từ 70 tiết xuống còn 52 tiết sao cho phù hợp với điều kiện học tập, logic với tiến trình phát triển của lịch sử thế giới và dân tộc....
Đại biểu biểu phát biểu góp ý tại Hội thảo. |
Đối với chương trình môn Lịch sử lớp 10, nhiều chủ đề giảm bớt được đưa ra bàn thảo: “Lịch sử và sử học”, “Vai trò của Sử học”, “Một số nền văn minh thế giới cổ - trung đại”, “Các cuộc cách mạng công nghiệp trong Lịch sử thế giới”, “Một số nền văn minh trên đất nước Việt Nam (trước năm 1858)”...
Đối với chương trình môn Lịch sử lớp 11, các đại biểu bàn luận xoay quanh việc các chủ đề: “Làng xã Việt Nam trong lịch sử”, “Cách mạng tư sản và sự phát triển của chủ nghĩa tư bản”, “Sự hình thành và phát triển của chủ nghĩa xã hội”, “Một số cuộc cải cách lớn trong lịch sử Việt Nam trước năm 1858”...
Đối với chương trình môn Lịch sử lớp 12, các đại biểu bàn luận xoay quanh việc các chủ đề: “Quá trình phát triển kinh tế – xã hội của nước Mỹ từ năm 1945 đến nay”, “Lịch sử quan hệ đối ngoại Việt Nam”...
Cô Nguyễn Thị Thanh Trúc (GV Trường THPT Gò Quao, huyện Gò Quao, tỉnh Kiên Giang) phát biểu tại hội thảo. |
Cụ thể, thống nhất với 8 nguyên tắc điều chỉnh chương trình và 3 phương pháp thực hiện điều chỉnh chương trình, cô Nguyễn Thị Thanh Trúc (giáo viên Trường THPT Gò Quao, huyện Gò Quao, tỉnh Kiên Giang) nêu ý kiến: “Phần đặc điểm môn học" trong chương trình điều chỉnh có cả 2 phần bắt buộc và lựa chọn.
Thầy Trịnh Văn Sơn (GV Trường THPT Đốc Binh Kiều, tỉnh Đồng Tháp) đề xuất: “Điều chỉnh bổ sung phần lớp 10 ở chủ đề định hướng nghề nghiệp giảm từ 11% giảm xuống còn 9%, còn chủ đề “Một số nền văn minh trên đất nước Việt Nam” (trước năm 1858) từ 23% tăng lên thành 25%.
Ở phần lớp 11, tỷ lệ % thời lượng dành cho chủ đề Lịch sử thế giới và Đông Nam Á là 32% hơi nhiều, trong khi chủ đề Lịch sử Việt Nam là 38% thì hơi ít. Do đó, cần điều chỉnh tỷ lệ % thời lượng dành cho chủ đề Lịch sử thế giới và Đông Nam Á từ 32% giảm còn 30%, còn chủ đề Lịch sử Việt Nam từ 38% tăng lên 40%. Đồng thời, tỷ lệ thời lượng bài Cách mạng tư sản và sự phát triển của chủ nghĩa tư bản giảm từ 12% xuống còn 10%....”.
Đề xuất cần làm rõ nội dung chương trình bắt buộc trong giáo dục định hướng nghề nghiệp. Khối 10: chủ đề "Một số nền văn minh thế giới thời kỳ Cổ - Trung đại" - đề xuất cần bổ sung các cơ sở hình thành các nền văn minh. Sau đó tập trung nghiên cứu, tìm hiểu các thành tựu văn minh Phương Đông và phương Tây, nhằm đảm bảo tính logic của chương trình.
Ở khối 11, chủ đề "Lịch sử bảo vệ chủ quyền, các quyền và lợi ích hợp pháp của Việt Nam ở Biển Đông. Đề xuất cần thay đổi tầm quan trọng trong chiến lược của Biển Đông - tuyến giao thông biển huyết mạch và là tuyến đường hàng không hải quốc tế quan trọng. Đề xuất chuyển về chương trình lớp 12.
Ở khối 12, chủ đề "Thế giới trong và sau Chiến tranh lạnh". Đề xuất nên giữ lại nội dung về Mĩ, Tây Âu, Nhật Bản nhằm giúp học sinh có cách nhìn và học hỏi kinh nghiệm về kinh tế, khoa học, kĩ thuật của các nước...”.
Về thực hiện chương trình: Đề xuất cần có Hướng dẫn thực hiện giống như Công văn 4040 của năm học 2021-2022
Ở chủ đề “Các cuộc cách mạng công nghiệp trong Lịch sử thế giới”, nhiều đại biểu đề xuất nên giữ lại dạy cả 4 cuộc cách mạng công nghiệp của thế giới. Thầy Phan Trọng Sơn (GV Trường THPT Lê Lợi, tỉnh Phú Yên) chia sẻ: “Thống nhất với dự thảo điều chỉnh chương trình, đồng thời ủng hộ việc đưa vào giảng dạy đầy đủ 4 cuộc các mạng công nghiệp của thế giới. Bên cạnh đó cần sắp xếp mạch nội dung một số chủ đề theo trình tự sao cho logic với sự phát triển...”.