Góp ý, nghiên cứu điều chỉnh Chương trình môn Lịch sử cấp Trung học phổ thông

GD&TĐ - Ngày 19/7 tại Hà Nội, Bộ GD&ĐT đã tổ chức Hội thảo góp ý Chương trình môn lịch sử cấp Trung học phổ thông điều chỉnh theo yêu cầu tại Nghị quyết số 63/2022/QH15 của Quốc hội.

Góp ý, nghiên cứu điều chỉnh Chương trình môn Lịch sử cấp Trung học phổ thông

Dự và phát biểu tại Hội thảo có Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ.

Cùng dự có lãnh đạo Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GD&ĐT); lãnh đạo một số Sở GD&ĐT, chuyên viên phụ trách môn Lịch sử (Sở GD&ĐT), giáo viên môn Lịch sử các trường THPT… khu vực phía Bắc (từ Thừa Thiên Huế trở ra)

Chương trình lịch sử phần bắt buộc 52 tiết/lớp/năm

Trong Chương trình Giáo dục phổ thông Tổng thể ban hành kèm Thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT ngày 26/12/2018 của Bộ GD&ĐT nêu rõ “Phát triển chương trình giáo dục phổ thông là hoạt động thường xuyên, bao gồm các khâu đánh giá, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện chương trình trong quá trình thực hiện”.

Chương trình Giáo dục phổ thông môn Lịch sử cấp THPT được biên soạn công phu, nghiêm túc, bảo đảm chất lượng. Trong quá trình tổ chức thực hiện, trên cơ sở lắng nghe ý kiến của các tầng lớp nhân dân, cử tri (về việc môn Lịch sử là môn tất cả học sinh được học ở cấp THPT) và thực hiện Nghị quyết số 63/2022/QH15 ngày 16/6/2022 của Quốc hội về môn Lịch sử, Bộ GD&ĐT đã giao cho Ban phát triển Chương trình môn học Lịch sử cấp THPT trong Chương trình giáo dục phổ thông (CT GDPT) 2018 thực hiện việc rà soát, điều chỉnh Chương trình môn Lịch sử.

Ban phát triển Chương trình đã đề xuất phương án Điều chỉnh môn Lịch sử đó là: Giữ nguyên phần lựa chọn là phần chuyên đề học tập Lịch sử 35 tiết/lớp/năm học của CT GDPT 2018. Chuyên môn Lịch sử trong nhóm khoa học xã hội thành phần Lịch sử bắt buộc với thời lượng 52 tiết/lớp/năm học (Phần bắt buộc được lựa chọn từ các chủ đề, các nội dung cốt lõi của Chương trình môn Lịch sử 2018).

PGS.TS Nguyêm Đình Vỳ, Trưởng Ban phát triển Chương trình môn học Lịch sử cấp THPT trong CT GDPT 2018 cũng cho biết những điều chỉnh Chương trình mô Lịch sử phần bắt buộc được dựa trên 8 nguyên tắc chính:

Đó là tuân thủ mục tiêu, quan điểm xây dựng chương trình của Chương trình Giáo dục phổ thông tổng thể 2018 và đặc điểm môn Lịch sử;

Không thay đổi cấu trúc chương trình đã ban hành, củng cố kiến thức phổ thông ở giai đoạn Giáo dục Cơ bản, giúp học sinh hiểu sâu hơn kiến thức cốt lõi qua các chủ đề nhằm phát triển phẩm chất, năng lực người học.

Việc điều chỉnh phải dựa trên cơ sở chuyển từ môn học lựa chọn mang tính định hương nghề nghiệp trở thành môn học bắt buộc cho tất cả các đối tượng học sinh đại trà với thời lượng 52 tiết/lớp/năm học (so với 70 tiết theo Chương trình môn Lịch sử 2018), với nguyên tắc tinh giản một số nội dung, mức độ yêu cầu cần đạt cho phù hợp với học sinh đại trà.

Hội thảo nhận được sự quan tâm, và đóng góp ý kiến từ nhiều đại biểu.

Hội thảo nhận được sự quan tâm, và đóng góp ý kiến từ nhiều đại biểu.

Bảo đảm tính cơ bản, hệ thống cho giáo dục đại trà, đồng thời bước đầu có quan tâm đến giáo dục định hướng nghề nghiệp cho học sinh cấp THPT.

Các chủ đề, nội dung lựa chọn phải phù hợp với đặc điểm tâm lí lứa tuổi, nhận thức học sinh cấp THPT.

Coi trọng kiến thức Lịch sử dân tộc và Lịch sử cách mạng Việt Nam nhằm nâng cao giáo dục lòng yêu quê hương đất nước, tinh thần tự hào dân tộc, truyền thống lịch sử và văn hóa dân tộc…

Chương trình Lịch sử Phần bắt buộc phải đảm bảo tính khả thi, bảo đảm sự phù hợp, vừa sức đối với tất cả học sinh đại trà.

Chú ý đến sự hài hòa, tính logic, sự kết nối giữa nội dung các chủ đề phần Lịch sử bắt buộc (cơ bản, cốt lõi) với các chuyên đề theo định hướng nghề nghiệp có tính chuyên sâu.

Điều chỉnh phù hợp và khoa học

Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ cho rằng việc xây dựng lại chương trình, thiết kế thành môn bắt buộc ở môn Lịch sử là nền tảng, cơ bản cho đại trà học sinh. Yêu cầu cần đặt ra là xây dựng phẩm chất nền tảng cho tất cả học sinh, không phải định hướng nghề nghiệp nên đây cũng là thách thức cho những người thiết kế chương trình, chuyển từ 70 tiết thành 52 tiết.

Mặt khác, việc điều chỉnh Chương trình Lịch sử phần bắt buộc với cấp THPT đã giảm những kiến thức hàn lâm, tăng tính truyền thống để học sinh thêm yêu quê hương, đất nước, truyền thống cách mạng Việt Nam. Đảm bảo được cấu trúc, tinh thần định hướng nghề nghiệp không thay đổi. Học sinh có phẩn lựa chọn để định hướng nghề nghiệp tốt nhất…

Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ khẳng định, những ý kiến đóng góp, kiến nghị của đội ngũ cán bộ quản lý, chuyên viên, giáo viên vào cấu trúc, nội dung trong hội thảo rất cần thiết cho quá trình triển khai đảm bảo tính sư phạm, khả thi, khoa học. Càng nhiều ý kiến đóng góp có chất lượng càng giúp cho quá trình triển khai tốt hơn.

Đồng thời lưu ý việc điều chỉnh không phải là xây mới mà thực chất điều chỉnh giữa phần bắt buộc và lựa chọn. Do đó mong muốn ý kiến đóng góp xem đã đáp ứng được kiến thức cơ bản, nền tảng cho tất cả đối tượng học sinh hay chưa; 8 nguyên tắc điều chỉnh Chương trình môn Lịch sử phần bắt buộc cấp THPT có phù hợp; cách giải quyết (việc giảm chủ đề) hợp lý không; nội dung nêu đã đảm bảo tính khoa học chưa; tính sư phạm có đảm bảo yêu cầu hay không...

Nhiều ý kiến tích cực ghi nhận sự điều chỉnh chương trình môn Lịch sử phần bắt buộc cấp THPT.

Nhiều ý kiến tích cực ghi nhận sự điều chỉnh chương trình môn Lịch sử phần bắt buộc cấp THPT.

Tại hội thảo, ông Nguyễn Minh Thuận, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Lào Cai cho biết, ngay sau khi có văn bản, kế hoạch của Bộ, Sở đã chỉ đạo các bộ phận chuyên môn, giáo viên cốt cán triển khai tập huấn, nhà trường, giáo viên đã thực hiện đúng chỉ đạo, công bố tổ hợp các môn lựa chọn khi tuyển sinh lớp 10 đến phụ huynh và học sinh; thành lập tổ tư vấn… Đến nay Lào Cai đã sẵn sàng, chủ động triển khai CT GDPT 2018 đối với lớp 10, toàn ngành giáo dục ủng hộ và thống nhất quan điểm của Bộ nêu ra.

Đánh giá về điều chỉnh chương trình môn Lịch sử phần bắt buộc, ông Thuận cho rằng so với tư tưởng của chương trình môn Lịch sử đã ban hành tại thông tư 32 thì sự thay đổi không nhiều và đảm bảo yêu cầu Nghị quyết 63; số lượng tiết, nội dung tinh giản được Ban phát triển chương trình đưa ra phù hợp với yêu cầu chung của học sinh. Việc bố trí giáo viên khi Lịch sử trở thành môn học bắt buộc cũng không khó khăn bởi số tiết tăng không nhiều so với chương trình cũ. Cơ sở vật chất để triển khai không có nhiều thay đổi nên vẫn đáp ứng đủ…

Lãnh đạo Sở GD&ĐT Lào Cai đưa ra kiến nghị: Bộ sớm có kế hoạch, đảm bảo cân bằng và thống nhất với các môn học khác. Cần sớm triển khai tập huấn giáo viên trên toàn quốc trong thời gian tới để thống nhất chương trình, những điều chỉnh; đặc biệt cần giúp giáo viên hiểu sâu sự điều chỉnh ra sao, nhằm mục đích gì, đổi mới phương thức giáo dục môn Lịch sử… từ đó giúp học sinh thích học.

Ông Nguyễn Văn Tuế, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Quảng Ninh bày tỏ: Ban phát triển chương trình môn Lịch sử cấp THPT trong CT GDPT 2018 hầu hết là những người đã qua nhiều vị trí công tác, chuyên sâu Lịch sử, đặc biệt với nguyên tắc không thay đổi cấu trúc chương trinh… nên rất tin tưởng vào tính khả thi của chương trình. Bên cạnh đó, những ý kiến lo ngại khi thay đổi từ lựa chọn sang bắt buộc, việc chuẩn bị cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên… cũng không đáng lo vì chương trình thay đổi sẽ có sự điều chỉnh và tăng thêm về biên chế giáo viên cũng như cơ sở vật chất…

Dưới góc nhìn của mình, cô giáo Trần Thị Thoan, Trường THPT Chuyên Cao Bằng (Cao Bằng) đánh giá cao và nhất trí với những tinh giản của chương trình, không những thế còn ưu tiên hơn cho Lịch sử Việt Nam, phần cắt giảm cả chủ đề và nội dung thuận lợi cho giáo viên khi xây dựng bài giảng.

Đồng thời cô Thoan đưa ra góp ý: Với chủ đề lịch sử định hướng nghề nghiệp so với học sinh đại trà thì kiến thức hàn lâm thời lượng còn nhiều (5,7 tiết). Và đặt ra câu hỏi: Học sinh THCS mới bước vào THPT kiến thức nặng như vậy liệu có ảnh hưởng tới yêu thích môn Lịch sử. Cô Thoan đề nghị có sự điều chỉnh hoặc bỏ phần này. Cần giữ lại phần khái quát lịch sử văn minh thế giới bởi khi dạy đi từ khái quát đến cụ thể, học sinh sẽ dễ nhớ hơn…

Hội thảo đã nhận được ý kiến đóng góp sôi nổi của cán bộ quản lý, giáo viên, chuyên viên… các tỉnh phía Bắc về nội dung, chương trình; cũng như đồng thuận cao về 8 nguyên tắc điều chỉnh Chương trình môn Lịch sử phần bắt buộc. Cùng đó nêu lên mong muốn trong việc tập huấn giáo viên; đưa ra hướng dẫn triển khai chung. Các nhà khoa học chuyên ngành Lịch sử cũng đánh giá cao những điều chỉnh và khẳng định đây là cơ hội tốt để đổi mới trong dạy học Lịch sử.

Sau khi tiếp thu ý kiến đóng góp điều chỉnh chương trình môn Lịch sử phần bắt buộc qua hội thảo toàn quốc, Ban phát triển Chương trình môn Lịch sử cấp THPT trong CT GDPT 2018 sẽ nghiên cứu và có những điều chỉnh phù hợp nhất.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Binh sĩ NATO trong một cuộc tập trận tại Estonia.

Trung tâm mới của NATO

GD&TĐ - Bulgaria chuẩn bị xây dựng một khu phức hợp cơ sở vật chất để làm nơi đóng quân cho một lữ đoàn NATO đa quốc gia gồm 3.000 quân nhân.