Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ trao đổi với các chuyên gia giáo dục Vương quốc Anh tại buổi đón tiếp. |
Theo Bản ghi nhớ hợp tác này, Chính phủ Anh và Chính phủ Việt Nam sẽ đẩy mạnh hợp tác giáo dục trong các lĩnh vực: giáo dục đại học, đào tạo tiếng Anh, Công nghệ giáo dục trong nhà trường, trường quốc tế và giáo dục mầm non.
Cụ thể, Chính phủ Anh sẽ hỗ trợ các cơ sở giáo dục đại học Anh mở rộng hợp tác với các đối tác Việt Nam để thực hiện các chương trình liên kết đại học và sau đại học trên cơ sở các nguyên tắc học thuật do hai bên tham gia quy định.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ phát biểu tại buổi làm việc. |
Các bên tham gia sẽ hợp tác chặt chẽ thông qua đối thoại chiến lược thường xuyên nhằm nâng cao chuẩn tiếng Anh tại Việt Nam. Các sáng kiến mà phía Anh có thể hợp tác về đào tạo Anh ngữ bao gồm nâng cao trình độ Anh ngữ của giáo viên tiếng Anh người Việt Nam, hỗ trợ việc giảng dạy tiếng Anh nhằm đạt các kết quả tốt nhất cho người học, cũng như hợp tác phát triển chương trình tiếng Anh.
Các bên cũng sẽ phối hợp chặt chẽ hỗ trợ Chính phủ Việt Nam để xây dựng các chính sách công nghệ giáo dục; ứng dụng công nghệ giải quyết những khó khăn và thách thức trong việc dạy và học tại các trường phổ thông Việt Nam. Chính phủ Anh sẽ triển khai cam kết thông qua Bộ Giáo dục Anh, các cơ quan quản lý hành chính có thẩm quyền của Xcốt-len, xứ Wales và Bắc Ai-len cũng như các doanh nghiệp, tập đoàn công nghiệp và các bên liên quan khác về lĩnh vực công nghệ giáo dục.
Ông Ed Vaizey - Đặc phái viên thương mại của Thủ tướng Anh làm việc với Bộ Giáo dục và Đào tạo trong chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam. |
Chính phủ Anh sẽ làm việc với các trường tư thục và nhà đầu tư Vương quốc Anh hợp tác với các đối tác của Việt Nam trong việc thành lập trường phổ thông dạy chương trình của Anh tại Việt Nam theo quy định của luật pháp Việt Nam. Đồng thời, phối hợp với các nhà cung cấp giáo dục mầm non Anh sẽ chia sẻ kinh nghiệm về chính sách giáo dục mầm non, chương trình đào tạo giáo viên mầm non.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ tặng đoàn làm việc Vương quốc Anh bức tranh phong cảnh đặc trưng của Việt Nam. |
Cũng theo Bản ghi nhớ, các bên sẽ thành lập cơ quan giám sát đánh giá tiến độ các hoạt động trong khuôn khổ Bản ghi nhớ. Cơ quan Giám sát sẽ chỉ định nhóm công tác bao gồm các thành viên từ các tổ chức liên quan xây dựng khung chương trình tham vấn, hợp tác và thúc đẩy Bản ghi nhớ. Cơ quan giám sát này sẽ do Bộ Thương mại quốc tế Anh và Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam điều hành.
Trước đó, vào tháng 1/2019, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ đã có chuyến thăm và làm việc tại Vương quốc Anh. Đến nay, 30 văn bản hợp tác đã ký kết trong chuyến đi này giữa các cơ sở giáo dục, doanh nghiệp Việt Nam và các đối tác Anh đều được triển khai hiệu quả. Như đã tổ chức thành công triển lãm BESS 2019 tại Việt Nam vào tháng 3/2019 và chuẩn bị triển khai BESS 2020 vào tháng 3 năm sau.
Đề án Ngoại ngữ quốc gia đang triển khai các hoạt động hợp tác chặt chẽ với Hội đồng Anh, Pearson và Cambridge, liên kết đào tạo tại các cơ sở giáo dục và giáo dục đại học với đối tác Anh; mạng lưới UK-HEP nay đã mở rộng 50 thành viên so với 20 thành viên vào cuối năm 2018…
Đoàn công tác của 2 nước chụp ảnh sau buổi làm việc. |
Đặc biệt, việc xây dựng Kế hoạch hành động trong khuôn khổ Thỏa thuận hợp tác với Chính phủ xứ Wales được ký kết vào tháng 1/2019 đang được thúc đẩy nhanh. Từ năm 2020, xứ Wales sẽ dành 20 suất học bổng cho sinh viên Việt Nam vào chương trình học bổng Chevening của Chính phủ Anh.
Theo thống kê của Cục Hợp tác quốc tế (Bộ GD&ĐT), hiện tại có khoảng gần 13.000 lưu học sinh Việt Nam đang học tại Vương quốc Anh, trong đó hơn 95% là đi học theo diện tự túc kinh phí; hiện cũng có khoảng 60 chương trình liên kết đào tạo do 23 trường Đại học, Cao đẳng Vương quốc Anh phối hợp với 29 cơ sở giáo dục trong nước triển khai tại Việt Nam.