Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Không trì hoãn lộ trình thi THPT quốc gia trên máy tính

GD&TĐ - Dự thảo phương án tổ chức thi, xét công nhận tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ sau năm 2020; Thanh tra Chính phủ quyết định thanh tra một số vấn đề “nóng”của giáo dục; Thay đổi đơn vị quản lý cung cấp phôi văn bằng, chứng chỉ… là những vấn đề giáo dục được dư luận quan tâm.

Dự thảo phương án tổ chức thi, xét công nhận tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ sau năm 2020 của Bộ GD&ĐT nhận được sự ủng hộ. (Ảnh minh họa)
Dự thảo phương án tổ chức thi, xét công nhận tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ sau năm 2020 của Bộ GD&ĐT nhận được sự ủng hộ. (Ảnh minh họa)

Kỳ thi THPT quốc gia và những thay đổi sau năm 2020

Tại phiên họp Hội đồng Quốc gia giáo dục và Phát triển nhân lực, sáng 25/9, do Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì, dự thảo phương án tổ chức thi, xét công nhận tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ sau năm 2020 của Bộ GD&ĐT nhận được sự ủng hộ.

Theo đó, giai đoạn 2021-2025 cơ bản giữ ổn định như Kỳ thi THPT quốc gia năm 2019, thực hiện một số điều chỉnh cho phù hợp với thực tế phương thức tổ chức thi và đặc biệt là phương thức tổ chức thi trên máy tính.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì phiên họp Hội đồng Quốc gia giáo dục và Phát triển nhân lực, sáng 25/9.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì phiên họp Hội đồng Quốc gia giáo dục và Phát triển nhân lực, sáng 25/9.
Ngoài hạ tầng, phần mềm, hệ thống vận hành phải tính toán, tránh khâu quản lý vận hành không thống nhất, trục trặc. Cần đặc biệt quan tâm đến năng lực tổ chức thực hiện thi, bởi máy móc không thể thay thế con người; không quá nhấn mạnh vai trò của máy móc mà nhẹ về phần chuẩn bị, đặc biệt đội ngũ cán bộ khảo thí.

Dù công nghệ tốt, nhưng quản lý không tốt có thể lại là kẽ hở cho tiêu cực. Do đó, cần quan tâm chuẩn bị cả đội ngũ khảo thí.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ

Tại phiên họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu Bộ GD&ĐT phải bảo đảm tiến độ chuẩn hoá, cập nhật, mở rộng ngân hàng đề thi, không trì hoãn lộ trình tổ chức thi trên máy tính.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết sẽ tiếp thu và chỉnh sửa để hoàn thiện đề xuất phương án thi sau 2020. Phương án này được tính toán cẩn trọng, cân nhắc kỹ lưỡng, có căn cứ chắc chắn và lộ trình phù hợp với tình hình thực tế của đất nước.

Bộ GD&ĐT sẽ tăng cường về số lượng và đảm bảo chất lượng cho ngân hàng câu hỏi chuẩn hóa tối đa. Giai đoạn đầu sẽ thi trên giấy và trên máy tính nhưng từng bước sẽ tăng dần thi trên máy tính để tiệm cận xu hướng thế giới. Theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, hạ tầng kỹ thuật, phầm mềm không phải điều quá khó trong tổ chức thi trên máy tính. Tuy nhiên, hệ thống vận hành cần được tính toán kỹ lưỡng để tránh các vấn đề có thể xảy ra.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ phát biểu tại phiên họp.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ phát biểu tại phiên họp.

“Không máy móc nào thay thế được con người, máy tính tốt, phần mềm tốt nhưng đội ngũ cán bộ không được chuẩn bị tốt, tâm thế tốt, kỹ thuật tốt thì vẫn có thể dẫn đến những sai sót, sự cố đáng tiếc. Năng lực tổ chức thi của các cán bộ là điều chúng tôi đặc biệt quan tâm và tới đây sẽ tăng cường chất lượng đội ngũ khảo thí” - Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh.

Để thực hiện thi trên máy cần trước hết là ngân hàng câu hỏi chuẩn hóa phải tăng cả về số lượng và chất lượng.

Phát biểu kết luận phiên họp, Phó Thủ tướng cho rằng kỳ thi trong 5 năm qua có những ưu thế như: Đánh giá kết quả học tập của học sinh khách quan, trung thực hơn; cơ hội vào học đại học, cao đẳng của thí sinh mở rộng hơn, phù hợp với nguyện vọng hơn; học sinh bớt học tủ, học lệch, bớt lò luyện thi; giảm đáng kể áp lực cho học sinh, gia đình học sinh và xã hội; việc thi trắc nghiệm gắn với đổi mới phương pháp dạy học.

Về xây dựng phương án thi cho giai đoạn sau năm 2020, phương án hiện nay cơ bản là tốt, nên tiếp tục, nhưng có cải tiến cần thiết để phù hợp với lộ trình tự chủ đại học, đổi mới dạy học ở phổ thông, đổi mới công tác dạy nghề, phân luồng và xa hơn nữa là đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông. Đổi mới theo hướng tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, phù hợp với xu thế để làm giảm sự can thiệp không cần thiết của con người.

Với việc thi trên máy tính, “Tinh thần là tạo điều kiện tối đa cho các cháu không có chuyện các cháu chưa quen với máy tính lại phải thi máy tính hoặc hay dùng loại máy tính này nhưng thi trên loại máy tính khác” - Phó Thủ tướng lưu ý.

Ảnh minh họa.
 Ảnh minh họa.

Thanh tra một số vấn đề “nóng” của ngành GD

Trong tuần qua, Phó tổng Thanh tra Chính phủ Trần Ngọc Liêm vừa ký quyết định thanh tra chuyên đề công tác quản lý nhà nước về giáo dục, đào tạo.

Theo đó, Thanh tra Chính phủ sẽ tiến hành thanh tra công tác quản lý nhà nước về sách giáo khoa, quản lý, triển khai, thực hiện một số dự án đầu tư cho giáo dục và đào tạo của Bộ GD&ĐT; đội ngũ nhà giáo, hệ thống các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo, biên chế sự nghiệp thuộc lĩnh vực giáo dục và đào tạo…

Thanh tra Chính phủ cũng thanh tra việc thực hiện công khai đối với cơ sở giáo dục tại 5 Bộ (Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Bộ Tài chính, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tài nguyên - môi trường, Bộ Thông tin - truyền thông) và UBND 12 tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Gia Lai, Kon Tum, Bình Định, Tiền Giang, Long An, Đồng Tháp, Kiên Giang, Cà Mau.

Thời kỳ thanh tra từ năm 2014 đến hết năm 2018, khi cần thiết có thể xem xét trước hoặc sau thời kỳ trên. Thời hạn thanh tra 80 ngày làm việc thực tế.

Đoàn thanh tra gồm 14 thành viên do ông Phan Thăng Long - thanh tra viên cao cấp, phó vụ trưởng Vụ III, Thanh tra Chính phủ - làm trưởng đoàn và ông Trần Quốc Dũng cùng ông Ngô Đình Long, thanh tra viên chính (thuộc Vụ III), làm phó đoàn.

Vụ Giám sát, thẩm định và xử lý sau thanh tra được giao nhiệm vụ giúp tổng thanh tra giám sát cuộc thanh tra.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa 

Thay đổi đơn vị quản lý cung cấp phôi văn bằng, chứng chỉ

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ đã ký quyết định chuyển đổi đơn vị thực hiện nhiệm vụ quản lý cung cấp phôi văn bằng, chứng chỉ.

Theo đó, chuyển giao nhiệm vụ quản lý cung cấp phôi văn bằng, chứng chỉ từ Văn phòng về Cục Quản lý chất lượng. Việc này có hiệu lực ngay từ ngày ký (20/9).

Theo Quyết định này, chuyển giao nhiệm vụ quản lý cung cấp phôi văn bằng, chứng chỉ nêu tại khoản 2, điều 4, quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các đơn vị giúp Bộ trưởng thực hiện chức năng quản lý nhà nước thuộc Bộ GD&ĐT ban hành kèm theo Quyết định số 2077/CĐ-BGDĐT ngày 19/6/2017 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT từ Văn phòng về Cục Quản lý chất lượng.

Chánh Văn phòng, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ và Thủ trưởng các đơn vị liên quan thuộc Bộ GD&ĐT chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

Việc thay đổi đơn vị quản lý cấp phôi bằng nhằm tránh tối đa tình trạng thiếu kết nối trong các đơn vị trực thuộc Bộ, dẫn đến sai sót trong khâu kiểm soát văn bằng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

MIT miễn học phí cho sinh viên đến từ gia đình thu nhập thấp.

MIT miễn học phí cho sinh viên

GD&TĐ - Từ học kỳ mùa Thu năm 2025, Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), sẽ miễn học phí cho sinh viên thuộc gia đình có thu nhập dưới 200 nghìn USD.

Người bệnh nhập viện trong tình trạng đau tức ngực dữ dội, khó thở. Ảnh: BVCC

Nhồi máu cơ tim sau tập thể hình

GD&TĐ - Các bác sĩ Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E đã cứu sống một nam thanh niên (32 tuổi) nhập viện do nhồi máu cơ tim cấp.

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.