Cụ thể hướng dẫn gồm 6 phần: Mục đích, yêu cầu; Nội dung và cách thức thanh tra/kiểm tra; Thẩm quyền, tổ chức và hoạt động thanh tra/kiểm tra; Công tác phối hợp các hoạt động thanh tra/kiểm tra; Công tác tiếp nhận, giải quyết khiếu nại, tố cáo về thi; Trách nhiệm của người tham gia thanh tra/kiểm tra.
Trong đó nội dung và cách thức thanh tra/kiểm tra thi đã hướng dẫn các vấn đề: Về nội dung thanh tra/kiểm tra cụ thể về công tác chuẩn bị tổ chức thi; Công tác coi thi; Công tác chấm bài thi tự luận; Công tác chấm bài thi trắc nghiệm; Việc xử lý các bài thi vi phạm Quy chế thi và cập nhật điểm thi vào Hệ thống; Công tác phúc khảo bài thi tự luận; Công tác phúc khảo bài thi trắc nghiệm; Công tác xét công nhận tốt nghiệp THPT.
Trong thẩm quyền, tổ chức các hoạt động thanh tra/kiểm tra hướng dẫn kĩ về Thẩm quyền thanh tra/kiểm tra thi; Điều kiện, tiêu chuẩn người tham gia thanh tra/kiểm tra thi; Tổ chức và hoạt động thanh tra/kiểm tra; Tập huấn thanh tra/kiểm tra thi; Kinh phí và điều kiện bảo đảm khác; Chế độ báo cáo.
Một số vấn đề đáng chú ý như:
Trong công tác chuẩn bị tổ chức thi:
Về công tác tuyên truyền kỳ thi; việc phối hợp với các sở ban, ngành, đoàn thể, chính quyền địa phương để chuẩn bị các điều kiện cho Kỳ thi. Thực hiện kế hoạch dạy học, ôn tập, đánh giá xếp loại HS; tổ chức cho HS đăng ký dự thi; chuẩn bị hồ sơ thí sinh dự thi...
Đặc biệt, việc chuẩn bị hồ sơ thi; cơ sở vật chất, phương án, phương tiện, thiết bị bảo đảm an ninh, an toàn tại nơi in sao đề thi, bảo quản đề thi, bài thi được hướng dẫn cụ thể trong việc chuẩn bị cơ sở vật chất, thiết bị, địa điểm in sao đề thi, phiếu trả lời trắc nghiệm; cán bộ tham gia in sao đề thi; phương án bảo vệ và bảo đảm an toàn trong suốt thời gian sao theo quy chế (vòng 1, vòng 2, vòng 3)...
Bố trí khu vực thi, phòng thi, chỗ ngồi thí sinh, danh sách thí sinh các phòng thi; phòng chống cháy nổ, mưa bão, an ninh, giao thông, vệ sinh an toàn thực phẩm, y tế, điện nước và các tình huống bất thường khác.
Chuẩn bị cơ sở vật chất, thiết bị, phương tiện của đơn vị hoặc điểm thi: Túi đựng đề thi, tủ đựng bài thi, khóa và giấy niêm phong, dán túi niêm phong; các loại biên bản cho công tác coi thi; phòng chống cháy, nổ; điện thoại cố định loa ngoài (trường hợp điểm thi, nếu không thể bố trí được điện thoại cố định vì lý do bất khả kháng thì Chủ tịch HĐT quyết định bố trí điện thoại di động không có chức năng ghi hình, không có thẻ nhớ, không có chức năng kết nối mạng internet và được niêm phong khi không sử dụng) tại Phòng làm việc của điểm thi; camera an ninh giám sát ghi hình các hoạt động; danh sách cán bộ công an, bảo vệ, y tế, phục vụ.
Công tác coi: Chú ý về hướng dẫn việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ của các thành viên Ban coi thi, điểm thi và các ban của HĐT liên quan đến công tác coi thi:
Công khai lịch thi, niêm yết danh sách thí sinh trong phòng thi của từng buổi thi và trách nhiệm của thí sinh quy định tại Điều 14 quy chế thi.
Đăng ký chữ ký của cán bộ làm công tác coi thi; lưu giữ phương tiện thu phát thông tin của cá nhân, việc sử dụng thiết bị thông tin liên lạc của điểm thi; việc bốc thăm phân công cán bộ coi thi, cán bộ giám sát phòng thi; thành phần cán bộ coi thi trong phòng thi.
Đánh số báo danh, gọi thí sinh vào phòng thi; các biên bản xác nhận tình trạng niêm yết túi đề thi, bài thi, túi đựng phiếu trả lời trắc nghiệm (TLTN), tình trạng sử dụng phiếu TLTN; việc phát, ký giấy thi, giấy nháp; các tài liêu, mẫu, biểu dùng tại điểm thi, phòng thi; việc thu, nộp, bảo quản đề thi còn dư; việc quan sát thí sinh trong phòng thi; việc thu bài thi tại phòng thi; việc niêm phong túi bài thi, giao nộp bài thi tại điểm thi.
Việc coi thi trắc nghiệm, lưu ý việc phát, ký TLTN; việc bốc thăm cách phát đề thi; việc niêm phong đề thi thừa; việc tổ chức coi thi bài thi tổ hợp; việc giám sát thí sinh di chuyển về phòng chờ, ngoài phòng thi; việc quản lý thí sinh tại phòng chờ và việc ra khỏi phòng thi, khu vực thi trước khi hết giờ.
Phòng bảo quản đề thi, bài thi tại điểm thi (có khóa, phòng, tủ, thùng chứa đề thi, bài thi; có camera giám sát ghi hình và công an trực bảo vệ 24/24h bên trong phòng); việc niêm phong, mở niêm phong tủ, thù chứa đề thi, bài thi; việc niêm phong và bàn giao ổ cứng dữ liệu camera…
Trong công tác chấm bài thi tự luận tập trung những nội dung như:
Tiếp nhận, ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn chấm bài thi tự luận; việc thành lập HĐT, Ban Chấm thi tự luận và các ban liên quan đến công tác chấm thi tự luận tại thời điểm thanh tra/kiểm tra; thanh tra, kiểm tra công tác chấm bài thi tự luận.
Việc bố trí khu vực làm phách, cơ sở vật chất, thiết bị, văn phòng phẩm để làm phách, hồ sơ, thành phần và phân công nhiệm vụ của Ban Làm phách bài thi tự luận; đối chiếu chữ ký mẫu và chữ ký trên túi bài thi; cách ly Ban Làm phách bài thi tự luận; thực hiện quy trình làm phách (một vòng/hai vòng); sử dụng phần mềm để gieo phách, in các mẫu biểu theo yêu cầu bảo mật; bảo mật phách, bàn giao phách; bảo quản và bàn giao đầu phách cho Trưởng Ban Thư ký HĐT (chỉ bàn giao sau khi đã chấm xong bài thi tự luận); bàn giao bài thi thi đã đánh phách cho Trưởng Ban thư ký HĐT; bảo đảm an ninh, an toàn bên ngoài khu vực làm phách
Bố trí khu vực chấm thi, phòng chấm thi, phòng chấm kiểm tra; phòng làm việc của Ban Chấm thi tự luận, phòng bảo quản bài thi; camera an ninh giám sát ghi hình tại phòng bảo quản bài thi, phòng chấm thi tự luận …
Về chấm bài thi tự luận:
Đăng ký mẫu chữ ký, đóng túi và niêm phong Danh sách mẫu chữ ký của cán bộ chấm thi (CBChT); việc bố trí CBChT chấm lần thứ nhất và chấm lần thứ hai ở 2 phòng chấm khác nhau.
Thực hiện chấm thi theo 2 vòng độc lập; thứ tự việc ghi điểm của cán bộ chấm 2, cán bộ chấm 1 và thư ký trên Phiếu ghi điểm; việc thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát của Trưởng môn chấm thi với các CBChT trong tổ chấm thi.
Thảo luận thống nhất điểm, điểm thống nhất của hai CBChT, việc quyết định điểm, ghi điểm của Trưởng môn chấm thi; việc xử lý các trường hợp bài thi phải chấm 3 lần; việc ghi biên bản kết luận kết quả ch ấm tập thể; việc ghi biên bản khớp phách ngẫu nhiên ít nhất 20% số bài thi tự luận, nguyên nhân và biện pháp khắc phục…
Hướng dẫn thanh tra, kiểm tra Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 hướng tới mục đích giúp cơ quan quản lý, tổ chức, cá nhân tham gia Kỳ thi thực hiện đúng Quy chế thi, các văn bản liên quan đến việc tổ chức Kỳ thi và chỉ đạo của Bộ GD&ĐT, góp phần bảo đảm cho Kỳ thi diễn ra an toàn, nghiêm túc, khách quan, chất lượng, đúng quy định.
Đồng thời kịp thời nắm bắt thông tin, phản ánh về Kỳ thi; phòng ngừa, phát hiện, xử lý hoặc kiến nghị xử lý sai phạm (nếu có);
Kiến nghị cơ quan có thẩm quyền hoàn thiện Quy chế thi, hướng dẫn tổ chức Kỳ thi và cơ chế, chính sách liên quan đến Kỳ thi trong những năm tiếp theo.
Chi tiết Hướng dẫn thanh tra, kiểm tra Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 xem TẠI ĐÂY