Theo chương trình công tác năm 2023, Bộ GD&ĐT được giao chủ trì soạn thảo 15 đề án gồm 7 Nghị định của Chính phủ, 6 quyết định của Thủ tướng Chính phủ, 1 Nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội và 1 đề nghị xây dựng luật.
Trong quý II, Bộ GD&ĐT phải hoàn thành 6 văn bản bao gồm 4 Nghị định của Chính phủ, 2 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Ngoài ra trong Quý II, Bộ GD&ĐT phải trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thêm 4 văn bản khác.
Theo báo cáo của Vụ trưởng Pháp chế Mai Thị Anh, văn bản quy phạm pháp luật do Bộ GD&ĐT ban hành tuân thủ các quy định của pháp luật, kịp thời giải quyết các vướng mắc phát sinh trong quá trình điều hành của Bộ.
Nội dung các văn bản phù hợp với các văn bản cấp trên và các văn bản quy phạm pháp luật do các Bộ, ngành liên quan ban hành. Thể thức, kỹ thuật trình bày văn bản quy phạm pháp luật thực hiện theo quy định.
Cùng với đó, lãnh đạo Bộ GD&ĐT luôn quan tâm, tích cực chỉ đạo công tác soạn thảo văn bản. Thủ trưởng các đơn vị đã tập trung nguồn lực cho việc triển khai thực hiện công tác soạn thảo văn bản. Công tác phối hợp giữa đơn vị chủ trì soạn thảo với các đơn vị của cơ quan thẩm định đã được quan tâm, góp phần đẩy nhanh tiến độ văn bản.
Tuy nhiên đến nay vẫn còn một số văn bản đang chậm, chưa đảm bảo thời hạn được giao. Một số văn bản có nội dung phức tạp, tác động đến nhiều đối tượng. Vì vậy cần có thời gian khảo sát, nghiên cứu, tổ chức lấy ý kiến đối tượng chịu sự tác động của văn bản hoặc cần sự thống nhất với các cơ quan, đơn vị.
Để đẩy nhanh tiến độ soạn thảo các văn bản trong Quý III, Vụ pháp chế đề nghị thủ trưởng các đơn vị trực tiếp chỉ đạo công tác soạn thảo văn bản và chịu trách nhiệm về chất lượng và thời gian trình dự án, dự thảo.
Khi soạn thảo văn bản, đơn vị chủ trì cần bám sát tiến độ xây dựng văn bản, chủ động phối hợp, đôn đốc các đơn vị, cơ quan liên quan đảm bảo thời gian góp ý, thẩm định văn bản.
Chủ động, thường xuyên rà soát các văn bản quy phạm pháp luật, điều chỉnh những văn bản thuộc chức năng nhiệm vụ quản lý nhà nước của đơn vị, kịp thời phát hiện những quy định mâu thuẫn, chồng chéo, không còn phù hợp để tham mưu lãnh đạo Bộ.
Tại Hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận một số nội dung như: Báo cáo tình hình soạn thảo văn bản Quý II và dự kiến Quý III của các đơn vị; trao đổi, thảo luận những kinh nghiệm, cách làm hay để tăng cường hơn nữa hiệu quả và tính thực chất của công tác pháp chế của Bộ GD&ĐT.
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác pháp chế. Đồng thời, chỉ đạo Vụ Pháp chế tiếp tục tổng hợp các vấn đề được nêu ra trong Hội nghị, rà soát cụ thể từng đầu việc để trong thời gian tới tiếp tục cải tiến công tác, đẩy nhanh tiến độ xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật.