Bộ GD&ĐT trả lời:
Thời gian qua, Bộ GD&ĐT đã triển khai nhiều giải pháp nâng cao chất lượng GD hướng nghiệp và đinh hướng phân
luồng HS trong GD phổ thông. Đến nay công tác phân luồng đã đạt kết quả bước đầu, số HS tốt nghiệp THCS không tiếp tục học lên THPT hiện chiếm trên 30%. Tuy nhiên, tỉ lệ HS sau THCS đi học nghề còn ít, số HS tham gia ngay vào thị trường lao động chưa qua đào tạo còn cao.
Để tăng cường công tác phân luồng hướng nghiệp cho HS phổ thông, Bộ GD&ĐT đã và đang triển khai một số giải pháp sau:
Thứ nhất, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Hỗ trợ HS, SV khởi nghiệp đến năm 2025. Đây là giải pháp quan trọng nhằm cụ thể hóa chủ trương phân luồng cho đào tạo nghề nghiệp và thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp của HS, SV, cũng như trang bị các kiến thức, kĩ năng khởi nghiệp cho HS, SV trong thời gian học tập tại các nhà trường.
Thứ hai, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Đề án GD hướng nghiệp và định hướng phân luồng HS trong GD phổ thông giai đoạn 2018 - 2025. Đề án đề ra 7 nhóm giải pháp: (i) Nâng cao nhận thức về GD hướng nghiệp và đinh hướng phân luồng HS phổ thông; (ii) Đổi mới nội dung, phương pháp, hình thức GD hướng nghiệp trong trường phổ thông; (iii) Phát triển đội ngũ giáo viên kiêm nhiệm làm nhiệm vụ tư vấn, hướng nghiệp trong các trường trung học; (iv) Tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học gắn với giáo dục hướng nghiệp trong GD phổ thông; (v) Bổ sung, hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật về GD hướng nghiệp và định hướng phân luồng HS phổ thông; (vi) Huy động nguồn lực xã hội trong và ngoài nước tham gia GD hướng nghiệp, định hướng phân luồng HS phổ thông; (vii) Tăng cường quản lý đối với GD hướng nghiệp, định hướng phân luồng HS phổ thông.
Bộ GD&ĐT đang xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp của Đề án nhằm tạo bước đột phá về chất lượng GD hướng nghiệp trong GD phổ thông, góp phần chuyển biến mạnh mẽ công tác phân luồng HS sau THCS và THPT vào học các trình độ GD nghề nghiệp phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và địa phương, đáp ứng nhu cầu nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực quốc gia, hội nhập khu vực và quốc tế.
(còn nữa)