Đại diện lãnh đạo hai Bộ GD&ĐT và Tư pháp trong buổi làm việc tại Bộ GD&ĐT. Ảnh: gdtd.vn |
Những vấn đề được cả 2 bên cùng quan tâm tại buổi làm việc này là chương trình ban hành văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) trình Chính phủ; quy trình soạn thảo, thẩm định VBQPPL; việc phổ biến giáo dục pháp luật trong nhà trường; công tác pháp chế ngành GD&ĐT; vấn đề phối hợp giữa các lãnh đạo, Ban cán sự hai Bộ chỉ đạo các mảng việc trên...
Chia sẻ về một số vấn đề công tác pháp chế giáo dục, ông Chu Hồng Thanh, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ GD&ĐT) cho biết, công tác pháp chế ngành giáo dục được Bộ trưởng và lãnh đạo Bộ quan tâm và trở thành nguyên tắc pháp chế trong quản lý nhà nước về lĩnh vực giáo dục.
Cùng với Vụ Pháp chế Bộ GD&ĐT được thành lập năm 2003, trong 5 năm qua, tổ chức pháp chế và đội ngũ cán bộ làm công tác pháp chế tại các Sở GD&ĐT, các cơ sở giáo dục ĐH, trường TCCN, các đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp trong lĩnh vực giáo dục cũng được kiện toàn. Đến nay, Sở GD&ĐT đã thành lập được Phòng Pháp chế; 61 Sở GSD&ĐT thành lập được bộ phận Pháp chế thuộc Phòng Thanh tra. Các cơ sở giáo dục ĐH, trường TCCN, đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp trong ngành giáo dục cũng thực hiện việc cử cán bộ làm công tác pháp chế.
Bản báo cáo của ông Chu Hồng Thanh cũng nêu ra những kết quả trong xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật về giáo dục giai đoạn 2005-2009; kết quả thực hiện pháp luật trong các lĩnh vực quản lý nhà nước về giáo dục; phối hợp thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong lĩnh vực giáo dục; việc rà soát, kiểm tra và xử lý văn bản quy phạm pháp luật về giáo dục.
Về đề xuất và kiến nghị phối hợp với Bộ Tư pháp của Bộ GD&ĐT, trong rất nhiều nội dung, đáng chú ý là đề xuất phối hợp thực hiện 2 đề án trình Quốc hội sớm ban hành Luật phổ biến giáo dục pháp luật; tham mưu cho Chính phủ đề nghị UBTV Quốc hội trình Quốc hội xem xét thông qua Luật giáo dục ĐH và Luật nhà giáo trong chương trình Quốc hội khóa 13; kiến nghị Chính phủ sớm sửa đổi Nghị định 122/2004/NĐ-CP tạo điều kiện tăng cường công tác pháp chế theo hướng cần có chế độ chính sách cho công chức pháp chế...
Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Trần Quang Quý nhấn mạnh: Vấn đề xây dựng thể chế của Bộ GD&ĐT, đặc biệt là xây dựng luật và những văn bản quy phạm pháp luật là một trong những nhiệm vụ trọng tâm nhất của ngành. Thể chế này phải đi vào được trong cuộc sống của cán bộ giáo chức và toàn ngành cũng như đi vào cuộc sống nhân dân... Để làm được điều này, Bộ GD&ĐT cần có sự phối hợp chặt chẽ của Bộ Tư Pháp.
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Đức Chính khẳng định: Công tác pháp chế ngành giáo dục là cánh tay nối dài của Bộ Tư Pháp, vì vậy, Bộ Tư pháp sẽ có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với Bộ GD&ĐT trong vấn đề này.
Sự chia cắt trong quản lý nhà nước về giáo dục thể hiện ở 4 vấn đề nổi cộm là một trong những vấn đề bức xúc được ông Chu Hồng Thanh (Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Bộ GD&ĐT) đặc biệt nhấn mạnh trong buổi làm việc giữa Bộ Giáo dục và Bộ Tư Pháp. Bốn vấn đề được ông Thanh đưa ra là: Bất cập trong thực tiễn phân công của Chính phủ trong việc thực hiện quản lý nhà nước về giáo dục đối với giáo dục nghề nghiệp, cùng một thành phần của hệ thống giáo dục quốc dân nhưng lại do 2 cơ quan cùng thực hiện chức năng quản lý; sự chia cắt trong quản lý giáo dục ở việc thực hiện chế độ “chủ quản”, nhiều bộ ngành cùng quản lý giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp; vấn đề quản lý ĐH Quốc gia; trường của lực lực lượng vũ trang nhân dân. Để giải quyết những bất cập này, Bộ GD&ĐT kiến nghị với Chính phủ và các cơ quan của Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về giáo dục; thực hiện có hiệu quả sự phân công, phân cấp, phân quyền giữa Chính phủ với các Bộ, cơ quan ngang Bộ, UBND cấp tỉnh trong quản lý nhà nước về giáo dục; tăng cường giao quyền tự chủ cho cơ sở giáo dục ĐH; thực hiện xóa bỏ cơ chế bộ chủ quản; cần cơ sự thống nhất giữa Bộ Giáo dục và Bộ LĐ-TB&XH trong việc cấp phép cho các cơ sở nước ngoài thực heienj chương trình đào tạo ngoại ngữ, tin học và dạy nghề trong các cơ sở giáo dục của hệ thống giáo dục quốc dân, nếu còn giao cho Bộ LĐ-TB&XH quản lý nhà nước về dạy nghề thì cugnx như như “cơ quan chủ quản”, cơ quan quản lý nhà nước thống nhất vẫn là Bộ GD&ĐT... |
Hiếu Nguyễn