(GD&TĐ)-Bộ Giáo dục và Đào tạo trả lời chất vấn của các ĐBQH xung quanh vấn đề miễn giảm học phí cho HSSV.
Đồng chí Đàng Thị Mỹ Hương - Đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Thuận chất vấn:
Theo Nghị định số 49/2010/NĐ-CP ngày 14/5/2010 về việc Quy định về miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập và cơ chế thu, sử dụng học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân từ năm học 2010-2011 đến năm học 2014-2015; Thông tư liên tịch số 29/2010/TTLT-BGDĐT-BTC-BL ĐTBXH ngày 15 tháng 11 năm 2010 về việc hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 49/2010/NĐ-CP ngày 14 tháng 5 năm 2010 của Chính phủ quy định về miễn giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập và cơ chế thu, sử dụng học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân từ năm học 2010-2011 đến năm học 2014-2015.
Qua tiếp xúc cử tri, được cử tri phản ánh việc tổ chức thực hiện chính sách của Chính phủ theo Thông tư 29. Tại khoản 3, Điều 3 của Thông tư 29, cấp trực tiếp tiền hỗ trợ, miễn, giảm học phí cho các đối tượng được miễn, giảm học phí học chính quy ở các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học công lập, với quy định về trình tự, thủ tục và hồ sơ, đang được thực hiện rất bất cập, gây bất bình cho cử tri, đặc biệt những đối tượng được thụ hưởng chính sách theo Nghị định 49.
Khi sinh viên vào học, điều đầu tiên là các cơ sở giáo dục đào tạo yêu cầu sinh viên đóng học phí, các cơ sở giáo dục chưa thực sự quan tâm đến việc xác nhận sinh viên là người học của nhà trường như theo quy định của Thông tư, làm cho sinh viên cứ lên xuống xin xác nhận, làm chậm trễ thời gian hoàn tất hồ sơ, việc này càng gây khó hơn đối với đối tượng sinh viên ở vùng nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số có điều kiện đi lại khó khăn. Ở khoản này quy định quá nhiều loại giấy xác nhận cũng gây khó cho sinh viên (nghèo rồi còn phải pho to in ấn… phải chi trả nhiều chi phí); Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội yêu cầu các đối tượng được miễn giảm phải có biên lai đóng tiền học phí ở nhà trường thì mới chi trả chính sách. Việc này đã gây rất khó khăn cho gia đình sinh viên, là người dân nghèo, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn mới được nhà nước hỗ trợ cho chính sách ưu tiên này. Đã nghèo, khó khăn mà các cơ quan chức năng của nhà nước ra quy định phải đóng tiền học phí trước, mang biên lai về mới được chi trả thì rõ ràng làm khó cho dân. Trên thực tế, người dân đã đi vay nợ nóng (vay trong dân với lãi suất rất cao) để đóng tiền cho con học, nếu không nhà trường không cho học và người dân đã đang mắc nợ phải trả lãi hàng ngày, hàng tháng. Trong khi đó, Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội rất chậm chễ trong việc chi trả chính sách này vẫn chưa được chi trả cho sinh viên. Tại tỉnh Ninh Thuận, đã hơn một năm qua chính sách này vẫn chưa được chi trả cho sinh viên. Người dân rất bức xúc và đã có đơn thư khiếu nại gửi Đại biểu Quốc hội. Đại biểu Quốc hội đã có ý kiến với Phòng, với Sở Lao động, Thương binh và Xã hội và được các cơ quan chức năng này trả lời rằng: “Chính sách này chưa được cấp nên chưa chi trả” và thời gian qua, người dân đang phải trả lãi vay tiền đóng học phí cho con học.
Với quy định như đã nêu trên đã làm cho các đối tượng được hưởng chính sách rất buồn lòng, đã phản ánh nghe rất tâm tư, bức xúc.
Vậy xin hỏi Chính phủ, các Bộ liên tịch ra quy định như đã nêu trên có ý kiến thế nào với phản ánh tâm tư, bức xúc của người dân? Làm thế nào để người dân nghèo có tiền đóng học phí trước? Chính sách đã có hiệu lực một năm qua nhưng đến nay chưa có chi trả cho người dân như vậy có đúng không? Liệu thời gian tới có quy định thay đổi về hình thức thực hiện miễn giảm cải thiện hơn, mang lại thuận lợi cho người dân hơn không?
Bộ Giáo dục và Đào tạo trả lời như sau:
Trước đây, việc thu và sử dụng học phí ở các cơ sở giáo dục và đào tạo công lập thuộc hệ thống giáo dục quốc dân được thực hiện theo Quyết định số 70/1998/QĐ-TTg ngày 31 tháng 3 năm 1998 của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó việc thu, miễn, giảm học phí đối với học sinh, sinh viên được thực hiện tại cơ sở giáo dục và đào tạo. Học sinh, sinh viên thuộc diện chính sách học tại các trường công lập được thực hiện miễn giảm học phí tại trường; Học sinh, sinh viên học tại cơ sở giáo dục ngoài công lập thì không được miễn, giảm học phí. Như vậy, trường công lập càng có nhiều sinh viên thuộc diện chính sách miễn giảm thì càng khó khăn về tài chính và có sự không công bằng giữa học sinh, sinh viên học trường công lập và ngoài công lập.
Hiện nay, việc thu và sử dụng học phí ở các cơ sở giáo dục và đào tạo thuộc hệ thống giáo dục quốc dân được thực hiện theo Nghị định số 49/2010/NĐ-CP ngày 14/5/2010 của Chính phủ và Thông tư liên tịch số 29/2010/TTLT-BGDĐT-BTC-BLĐTBXH ngày 15/11/2010 của liên Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Tài chính, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 49/2010/NĐ-CP. Theo đó, tất cả các đối tượng học sinh, sinh viên thuộc diện chính sách đều được miễn, giảm học phí; Nhà nước cấp trực tiếp tiền hỗ trợ miễn, giảm học phí cho gia đình các đối tượng được miễn, giảm, để sau đó các đối tượng này đóng học phí đầy đủ cho các nhà trường (cả công lập và ngoài công lập). Nhờ đó, đã giảm khó khăn về tài chính cho cơ sở giáo dục, đào tạo và thực hiện đầy đủ, công bằng chính sách cho học sinh, sinh viên thuộc đối tượng miễn, giảm.
Qua thực tiễn, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phát hiện một số bất hợp lí của trình tự, thủ tục và hồ sơ thực hiện miễn, giảm học phí theo quy định tại Thông tư liên tịch số 29/2010/TTLT-BGDĐT-BTC-BLĐTBXH như: Thủ tục xác nhận học sinh diện chính sách còn phức tạp; Học sinh phải đi lại nhiều lần, phải vay tiền đóng học phí trước cho trường mà đến nay vẫn chưa được Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội chi trả.
Để tìm giải pháp khắc phục tình trạng trên, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội tổ chức sơ kết 1 năm thực hiện Nghị định số 49/2010/NĐ-CP và Thông tư liên tịch số 29/2010/TTLT-BGDĐT-BTC-BLĐTBXH vào cuối năm 2011. Liên Bộ sẽ tiếp thu tất cả các ý kiến phản ánh của địa phương để cùng bàn bạc, thống nhất sửa đổi, bổ sung Thông tư theo hướng quy định cụ thể hơn về đối tượng được thụ hưởng chính sách, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh, sinh viên thuộc đối tượng được hưởng chính sách miễn, giảm học phí.
Về vấn đề Đại biểu phản ánh việc tỉnh Ninh Thuận chưa nhận được tiền để thực hiện chính sách miễn, giảm học phí cho học sinh, sinh viên nên chưa thực hiện chi trả học phí cho học sinh, sinh viên: Bộ Giáo dục và Đào tạo đã làm việc với Bộ Tài chính và được biết, đến thời điểm hiện nay Bộ Tài chính đã tạm cấp lần 1 khoản kinh phí 1.283 tỷ đồng cho các địa phương để thực hiện chính sách quy định tại Nghị định 49, trong đó tạm cấp cho tỉnh Ninh Thuận là 10,637 tỷ đồng.
Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ tiếp tục đôn đốc, phối hợp với Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố có báo cáo chính thức nhu cầu kinh phí để thực hiện chính sách cấp bù học phí theo quy định của Nghị định số 49/2010/NĐ-CP của Chính phủ, gửi về Bộ Tài chính để được cấp kinh phí chi trả học phí cho học sinh, sinh viên được đầy đủ và kịp thời.
Đồng chí Tôn Thị Ngọc Hạnh - Đại biểu Quốc hội tỉnh Đăk Nông chất vấn:
Việc thực hiện Nghị định 49/2010/NĐ-CP của Chính phủ về miễn học phí trên địa bàn tỉnh có nhiều phát sinh phức tạp vì học sinh học ở các trường dân lập không được miễn học phí. Đề nghị Chính phủ xem xét giải quyết cho các đối tượng nêu trên vì điều kiện của người dân ở các khu vực này đang hết sức khó khăn, bên cạnh đó các trường dân lập đều nằm trong hệ thống giáo dục Việt Nam, được nhà nước cho phép hoạt động …
Cũng theo quy định tại Nghị định 49/2010/NĐ-CP của Chính phủ, những đối tượng như trẻ em học mẫu giáo và học sinh, sinh viên có cha mẹ thường trú tại khu vực phường, thị trấn thuộc tỉnh vùng cao như tỉnh Đăk Nông, điều kiện gia đình đặc biệt khó khăn song không được hưởng chế độ này, đề nghị Chính phủ quan tâm xem xét cho các đối tượng được hưởng chế độ như các đối tượng ở xã vùng cao.
Kính mong Bộ Giáo dục và Đào tạo trả lời chất vấn cho đại biểu bằng văn bản.
Bộ Giáo dục và Đào tạo trả lời như sau:
Nghị định 49/2010/NĐ-CP ngày 14/5/2010 của Chính phủ quy định về miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập và cơ chế thu, sử dụng học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân từ năm học 2010-2011 đến năm học 2014-2015 (sau đây gọi là Nghị định 49) và Thông tư liên tịch số 29/2010/TTLT-BGDĐT-BTC-BLĐTBXH ngày 15/11/2011 của Liên tịch Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Tài chính, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 49/2010/NĐ-CP đã có quy định về cơ chế, phương thức cấp bù học phí cho đối tượng chính sách là học sinh mầm non, học sinh phổ thông học các trường ngoài công lập, cụ thể là: Nhà nước sẽ cấp bù học phí (theo mức học phí của các trường công lập trong vùng) cho học sinh là con của người có công với nước, các đối tượng chính sách học mẫu giáo và phổ thông ngoài công lập.
Về việc xem xét bổ sung đối tượng miễn học phí là trẻ em học mẫu giáo và học sinh, sinh viên có cha mẹ thường trú tại khu vực phường, thị trấn thuộc tỉnh vùng cao như tỉnh Đăk Nông: Theo quy định tại Nghị định số 49/2010/NĐ-CP, chỉ những trẻ em học mẫu giáo và học sinh, sinh viên có cha mẹ thường trú tại các xã vùng cao mới được miễn học phí, các đối tượng còn lại thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo nếu học mẫu giáo và phổ thông thì được miễn, giảm học phí. Học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, gia đình thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo khi đi học tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học được Nhà nước cho vay vốn để học theo Quyết định số 157/2007/QĐ-TTg ngày 27/9/2007 của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với học sinh, sinh viên.
Bộ Giáo dục và Đào tạo đang phối hợp cùng với Bộ Tài chính, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội nghiên cứu để sửa đổi, bổ sung Nghị định số 49/2010/NĐ-CP theo đúng tinh thần của Nghị quyết số 35/2009/QH12 ngày 19/6/2009 của Quốc hội khóa XII.
Đại biểu Siu Hương - Đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai chất vấn
Nghị định 49/2010/NĐ-CP ngày 14/5/2010 của Chính phủ quy định về miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập và cơ chế thu, sử dụng học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân từ năm học 2010-2011 đến năm học 2014-2015; Thông tư liên tịch 29/2010/TTLT-BGDĐT-BTC-BLĐTBXH của Liên Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Tài chính, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, là chủ trương, chính sách hợp lòng dân nhưng quá trình thực hiện nảy sinh nhiều bất cập; trong đó có việc quy định các thủ tục rườm rà, phức tạp, gây bức xúc trong các đối tượng được thụ hưởng. Đề nghị Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo và các Bộ liên quan có được biết việc này và có biện pháp gì để cải cách thủ tục hành chính theo hướng đơn giản nhưng chặt chẽ và thuận lợi cho nhân dân.
Trong Nghị định 49/2010/NĐ-CP nói trên có quy định chung cho đối tượng ở vùng cao không phân biệt giàu, nghèo nên xảy ra tình trạng miễn, giảm, hỗ trợ tràn lan (kể cả con em của những tỷ phú ở Đà Lạt, Buôn Ma Thuột, Pleiku,…) liệu có hợp lý. Đề nghị Thủ tướng Chính phủ, các Bộ liên quan có biết và việc khắc phục như thế nào?
Bộ Giáo dục và Đào tạo trả lời như sau:
Nghị định 49/2010/NĐ-CP ngày 14/5/2010 của Chính phủ quy định về miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập và cơ chế thu, sử dụng học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân từ năm học 2010-2011 đến năm học 2014-2015 (sau đây gọi là Nghị định 49) và Thông tư liên tịch số 29/2010/TTLT-BGDĐT-BTC-BLĐTBXH ngày 15/11/2011 của Liên tịch Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Tài chính, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 49/2010/NĐ-CP (sau đây gọi là Thông tư 29) đã thực hiện được hơn 1 năm, góp phần đổi mới cơ chế quản lý tài chính trong giáo dục và đào tạo, từng bước nâng cao chất lượng đào tạo trong các cơ sở giáo dục đào tạo. Tuy nhiên, sau hơn một năm thực hiện Nghị định 49 và Thông tư 29, theo phản ánh của các địa phương, kiến nghị của cử tri và chất vấn của các Đại biểu Quốc hội, Liên tịch Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Tài chính, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội nhận thấy Nghị định 49 và Thông tư 29 còn có nhiều bất cập như: quy định về đối tượng miễn, giảm học phí, về địa bàn, vùng miền miễn, giảm học phí, về phương thức, cơ chế cấp bù miễn, giảm học phí, về trình tự, thủ tục hồ sơ, xác nhận miễn, giảm học phí… còn gây nhiều khó khăn cho các đối tượng thụ hưởng chính sách.
Hiện nay, Liên Bộ Giáo dục và Đào tạo, Tài chính và Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đang phối hợp chuẩn bị tổ chức Hội thảo với một số tỉnh, thành phố và các cơ sở giáo dục đại diện cho các vùng miền trong cả nước để lấy ý kiến đóng góp sửa đổi, bổ sung Nghị định 49 và Thông tư liên tịch 29 theo đúng tinh thần của Nghị quyết số 35/2009/QH12 ngày 19/6/2009 của Quốc hội khóa XII.
Bộ GD&ĐT