Bộ GD&ĐT tăng cường vai trò quản lý, định hướng sách tham khảo trong nhà trường

Bộ GD&ĐT tăng cường vai trò quản lý, định hướng sách tham khảo trong nhà trường

(GD&TĐ)-Chiều (14/3), Bộ GD&ĐT đã có buổi gặp mặt các cơ quan báo chí trao đổi về sách tham khảo, vấn đề đang được dư luận rất quan tâm. Những chia sẻ từ lãnh đạo các Vụ của Bộ trong cuộc gặp mặt cho thấy Bộ GD&ĐT sẽ có động thái quyết liệt hơn, mạnh mẽ hơn nhằm làm “sạch” thị trường sách giáo dục.

Lãnh đạo các cơ quan Bộ GD&ĐT trao đổi với báo chí chiều 14/3 về vấn đề sách tham khảo. Ảnh: gdtd.vn
Lãnh đạo các cơ quan Bộ GD&ĐT trao đổi với báo chí chiều 14/3 về vấn đề sách tham khảo. Ảnh: gdtd.vn

Với sách đưa vào nhà trường, Bộ GD&ĐT phải có quan điểm

Vai trò, định hướng khuyến cáo người học sử dụng sách tham khảo được đại diện lãnh đạo các Vụ của Bộ GD&ĐT nhấn mạnh.

“Với sách đưa vào nhà trường, Bộ GD&ĐT phải có quan điểm, không thể bỏ mặc người dân được” – đó là khẳng định của Vụ trưởng Vụ Giáo dục thường xuyên Nguyễn Công Hinh. Nêu quan điểm về vai trò định hướng trong việc lựa chọn sách tham khảo trong nhà trường, ông Hinh cho biết, Bộ GD&ĐT đã từng có danh mục các sách tham khảo được đưa vào thư viện nhà trường, nhưng vì việc này có nhiều tác động khác nhau nên mấy năm gần đây Bộ không đưa ra nữa, hiện nay nên tính toán lại có nên đưa nữa hay không?

Theo quan điểm riêng của ông Hinh, hiện tồn tại Hội đồng bộ môn, đối với sách tham khảo ở các bộ môn, nếu được các thành viên hội đồng bộ môn đề xuất, đề nghị Bộ GD&ĐT tổ chức thẩm định thấy đảm bảo chất lượng, có thể công bố những sách đó rộng rãi. Đó là một giải pháp để định hướng cho phụ huynh và cha mẹ học sinh lựa chọn... Nhưng ông Hinh cũng lưu ý, cần phải có quy định rất chặt chẽ quy trình này nếu không sẽ nảy sinh tiêu cực.

“Sách đưa vào nhà trường là sách giáo khoa, kèm theo đó là sách bài tập dành cho học sinh, đối với giáo viên có sách giáo viên, những sách đó là sách chính thống đã được Bộ GD&ĐT tổ chức thẩm định và giao cho một nhà xuất bản tổ chức, biên soạn, in và phát hành. Học sinh đến trường học chỉ cần sách giáo khoa, sách bài tập là đủ, còn sách tham khảo, những ai có nhu cầu thì mua, tự nguyện. Khi sử dụng sách tham khảo, phụ huynh và học sinh nên lưu ý chọn sách có chất lượng. Nếu phát hiện sách chất lượng kém, có sai sót, yếu  kém về nội dung, một là đưa lên các phương tiện thông tin truyền thông để cảnh báo để nhiều người biết, hai là kiến nghị tới cơ quan quản lý nhà nước. Quan điểm rõ ràng của Bộ GD&ĐT là định hướng cho học sinh sử dụng sách giáo dục phù hợp, hiệu quả và không trùng lắp, vô bổ, tốn kém. Bộ có yêu cầu chế tài các trường hợp nhà trường, giáo viên vì lợi ích cá nhân mà bắt học sinh mua sách tham khảo” – ông Hinh nhấn mạnh.

Tăng cường trách nhiệm các cơ quan quản lý

Thời điểm năm 2008, khi thị trường sách tham khảo bắt đầu sôi động, gây lúng túng cho phụ huynh, học sinh, nhà trường, Bộ GD&ĐT đã kịp thời ra công văn số 6631/BGDĐT-GDTrH về việc sử dụng sách giáo khoa (SGK) phổ thông và tài liệu giảng dạy, học tập.

Theo ông Phạm Ngọc Định - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học, Bộ GD&ĐT đã kiểm tra rà soát lại công văn này và thấy rằng, đến nay về cơ bản các nội dung còn phù hợp và sẽ tiếp tục áp dụng. Tuy nhiên, để phù hợp hơn nữa với tình hình hiện nay và ngăn chặn một số sách có thể có “sạn” đưa vào nhà trường, Bộ GD&ĐT chủ trương một số công việc sẽ làm tiếp theo.

Đó là, cùng với việc làm tốt công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức cho học sinh, phụ huynh, giáo viên, cán bộ quản lý về việc sử dụng sách tham khảo, Bộ GD&ĐT dự kiến sẽ ban hành tiếp công văn sau công văn 6631 về việc hướng dẫn sử dụng sách tham khảo trong nhà trường, tập trung vào tăng cường trách nhiệm các bộ phận quản lý giáo dục như giáo viên bộ môn và chủ nhiệm, hiệu trưởng, trưởng phòng giáo dục, giám đốc sở GD&ĐT... Các khâu quản lý trên làm thế nào để không bắt học sinh phải mua tài liệu tham khảo. Ví dụ, giáo viên, phòng GD&ĐT không giới thiệu, không bán hộ, không phát hành tài liệu, sách tham khảo... Bên cạnh đó, Bộ cũng dự kiến sẽ xây dựng thông tư liên tịch để tăng cường trách nhiệm xuất bản sách tham khảo về giáo dục của các nhà xuất bản...

Nêu quan điểm cá nhân, ông Nguyễn Công Hinh cho rằng, để tránh đưa vào nhà trường sách chất lượng kém, trước hết phải đặt vấn đề quyền, trách nhiệm của cơ quan xuất bản, phải tôn trọng Luật xuất bản. Ngoài ra, về phía người sử dụng như học sinh, phụ huynh cũng cần có nhận thức nhất định về sử dụng sách nói chung, trong đó có sách tham khảo. Tiếp đó là trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước mà trước hết là cơ quan quản lý xuất bản – cục thể là Cục xuất bản của Bộ Thông tin – Truyền thông. Với ngành giáo dục, trách nhiệm của ngành là quản lý những sách vào trong nhà trường.

Còn theo ông Vũ Đình Chuẩn – Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, ngành giáo dục đã có động thái quản lý sách tham khảo trong nhà trường và đã có kết quả cụ thể.

Động thái của ngành giáo dục với việc xuất bản sách tham khảo giáo dục hiện nay thể hiện những quyết tâm thực hiện đồng loạt các biện pháp, giải pháp nhằm hướng tới các mục tiêu giáo dục mà Kết luận của Hội nghị BCH Trung ương Đảng lần thứ 6 khóa XI đề ra.

Hiếu Nguyễn 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ