Bố dùng dao lam cắt rốn khiến con bị uốn ván sơ sinh

GD&TĐ - Sản phụ sinh con tại nhà. Chồng đã đỡ đẻ cho vợ và dùng dao lam cắt rốn cho con. Ngoài ra, trong thời gian mang thai, sản phụ không tiêm vaccine phòng bệnh nên đứa trẻ đã bị uốn ván sơ sinh.

Bố dùng dao lam cắt rốn khiến con bị uốn ván sơ sinh
Ngày 4/8, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Đắk Lắk cho biết, vừa phát hiện một bé sơ sinh ở xã Ea Kiết (huyện Cư M’gar, Đắk Lắk) bị uốn ván do người nhà dùng dao lam cắt rốn. Hiện bệnh nhi vẫn phải thở máy và theo dõi tại BV.
Trước đó, bé được chuyển đến BV Đa khoa Tây Nguyên trong tình trạng co giật nhiều, sốt cao. Qua thăm khám, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhi bị uốn ván rốn, ủ bệnh 6 ngày.
Gia đình cho biết, khi sinh tại nhà, chồng đã đỡ đẻ cho vợ và cắt rốn bằng dao lam. Ngoài ra, trong thời gian mang thai, mẹ cháu bé không tiêm vaccine phòng uốn ván.
Theo thống kê của trung tâm, trong năm 2017, toàn tỉnh ghi nhận 8 trường hợp bị uốn ván, trong đó 5 bệnh nhi tử vong.
tim-phng-un-vn-cho-ph-n-mang-thai-ti-trung-tm-y-t-d-phng-tnh.JPG

Khi mang thai, bà bầu cần tiêm vaccine phòng bệnh uốn ván sơ sinh

Cách đây ít ngày, một bệnh nhi tại Lạng Sơn cũng đã tử vong do bị uốn ván.

Theo hồ sơ bệnh án, bệnh nhi được chuyển đến BV từ Trung tâm Y tế huyện Đình Lập (Lạng Sơn) trong tình trạng sốt, co giật toàn thân, môi tím, cứng hàm.
Gia đình cho biết, thai phụ sinh tại nhà. Sau khi sinh, người nhà tự cắt cuống rốn bằng kéo chưa được vô khuẩn cho trẻ. Mẹ của bé trong các lần mang thai không tiêm phòng uốn ván và đều tự sinh tại nhà, không đến cơ sở y tế.
Sau khi thăm khám, các bác sĩ xác định bệnh nhi bị nhiễm trùng uốn ván sơ sinh nên tiến hành điều trị. Tuy nhiên, do nhiễm trùng nặng, thể trạng bé yếu nên đã không qua khỏi.
Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), bệnh uốn ván (tetanus) là một nhiễm khuẩn nguy hiểm, gây ra bởi ngoại độc tố (tetanus exotoxin) của vi khuẩn uốn ván phát triển tại vết thương trong điều kiện yếm khí.
Khi bị uốn ván, bệnh nhân có các biểu hiện: Co cứng cơ nhai và các cơ ở mặt; co cứng cơ gáy, cơ lưng, cơ bụng; cong ưỡn người ra sau, thẳng cứng cả người như tấm ván, cong người sang một bên, gập người ra phía trước. Đối với những trẻ bị uốn ván sơ sinh sẽ có biểu hiện quấy khóc, bỏ bú, miệng chúm chím, trẻ đói nhưng không bú được nên càng khóc. Sau đó trẻ có những cơn co giật và co cứng, uốn cong người, đầu ngả ra sau, hay tay khép chặt kèm theo sốt, rối loạn tiêu hóa.
Để phòng bệnh uốn ván, phụ nữ chuẩn bị mang thai hoặc đang mang thai cần tiêm vaccine để phòng bệnh uốn ván sơ sinh cho con. Từ 2 tháng tuổi, trẻ được tiêm những vaccine cộng hợp trong đó có chứa kháng nguyên bảo vệ trẻ phòng bệnh uốn ván. Trẻ 2 tháng tuổi bắt đầu tiêm mũi đầu, 2 mũi sau tiêm cách nhau 1 tháng và chích mũi nhắc khi trẻ được 15-18 tháng tuổi. Đối với trẻ em trên 15 tuổi và người lớn cũng cần chích nhắc vì kháng thể uốn ván qua lứa tuổi này sẽ không còn khả năng ngừa được bệnh.
Theo Phunuvietnam.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ