Bộ đội biên phòng phối hợp xóa mù chữ cho đồng bào dân tộc vùng biên giới

GD&TĐ - Bộ đội biên phòng phối hợp với ngành giáo dục, địa phương tổ chức và duy trì nhiều lớp học xóa mù chữ cho đồng bào dân tộc thiểu số vùng biên.

Bộ đội biên phòng phối hợp tổ chức khai giảng lớp học xóa mù chữ cho đồng bào dân tộc thiểu số ở xã biên giới Na Ngoi, huyện Kỳ Sơn, Nghệ An. Ảnh: PGD
Bộ đội biên phòng phối hợp tổ chức khai giảng lớp học xóa mù chữ cho đồng bào dân tộc thiểu số ở xã biên giới Na Ngoi, huyện Kỳ Sơn, Nghệ An. Ảnh: PGD

Mục tiêu giải quyết cơ bản tình trạng mù chữ vùng biên giới

Những năm qua, mặc dù đã được Đảng, Nhà nước và các địa phương đã quan tâm đầu tư nhiều mặt, song khu vực biên giới, nhất là vùng dân tộc thiểu số và miền núi vẫn là địa bàn khó khăn, chậm phát triển hơn so với các vùng, miền khác. Đặc biệt, công tác giáo dục còn nhiều khó khăn, bất cập như: Hệ thống trường lớp chưa được xây dựng kiên cố; các gia đình khó khăn về kinh tế nên không cho trẻ em trong độ tuổi đến trường đúng quy định, nhiều em phải bỏ học giữa chừng; số người mù chữ, tái mù chữ vẫn còn...

Tại hội thảo Thực trạng và giải pháp nâng cao chất lượng công tác xóa mù chữ cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2023-2030, Thiếu tướng Văn Ngọc Quế - Phó Chủ nhiệm chính trị Bộ đội biên phòng chia sẻ về công tác phối hợp xóa mù chữ (XMC) ở khu vực biên giới.

Văn Ngọc Quế - Phó Chủ nhiệm chính trị Bộ đội biên phòng chia sẻ về công tác phối hợp xóa mù chữ ở khu vực biên giới. Ảnh: Hồ Lài

Văn Ngọc Quế - Phó Chủ nhiệm chính trị Bộ đội biên phòng chia sẻ về công tác phối hợp xóa mù chữ ở khu vực biên giới. Ảnh: Hồ Lài

Theo Thiếu tướng Văn Ngọc Quế, từ năm 2011, Bộ GD&ĐT và Bộ Tư lệnh biên phòng đã ký kết Chương trình phối hợp đẩy mạnh công tác chống mù chữ, củng cố kết quả phổ cập giáo dục (PCGD) tiểu học và phát triển Trung tâm học tập cộng đồng khu vực biên giới, hải đảo (giai đoạn 2011-2015), với mục tiêu giải quyết cơ bản tình trạng người mù chữ, tái mù chữ, học sinh bỏ học, thất học ở khu vực biên giới, hải đảo nhằm duy trì và củng cố kết quả chống mù chữ, PCGD tiểu học.

Năm 2018, hai Cơ quan tiếp tục ký Chương trình phối hợp về “Đẩy mạnh công tác xây dựng xã hội học tập” ở địa bàn biên giới, hải đảo (giai đoạn 2018-2025). Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng chỉ đạo các đơn vị Bộ đội biên phòng chủ động, tích cực phối hợp với ngành giáo dục địa phương tổ chức các hoạt động hỗ trợ công tác giáo dục, như: Mở các lớp học XMC, PCGD tiểu học cho đồng bào các dân tộc; vận động các nguồn lực xây, sửa trường lớp, hỗ trợ các cháu sách giáo khoa, đồ dùng học tập; tuyên truyền, vận động các gia đình đưa trẻ trong độ tuổi đến trường; các em bỏ học quay trở lại trường...

Công tác XMC được tiến hành với nhiều hình thức, phương pháp đa dạng, phong phú, phù hợp với phong tục, tập quán và tình hình thực tế tại địa bàn, như: thành lập tổ, đội Tuyên truyền văn hóa của Bộ đội biên phòng xây dựng nhiều tiết mục văn nghệ sinh động, hấp dẫn dựa vào nét văn hóa dân gian của từng vùng để nói về cái lợi, cái hại của việc biết đọc, biết viết, giao nhiệm vụ cho các tổ, đội công tác Biên phòng, đảng viên phụ trách hộ gia đình phối hợp chặt chẽ với các trường học phổ thông, các cấp hội Khuyến học, Đoàn thanh niên địa phương; thông qua các già làng, trưởng bản, cán bộ các ban, ngành, các chức sắc tôn giáo, người có uy tín trong các dòng họ...

Học viên các lớp xóa mù chữ ở vùng biên giới chủ yếu là phụ nữ, ở nhiều độ tuổi khác nhau. Ảnh: PGD

Học viên các lớp xóa mù chữ ở vùng biên giới chủ yếu là phụ nữ, ở nhiều độ tuổi khác nhau. Ảnh: PGD

Bộ đội biên phòng và các thầy cô giáo đến từng hộ ở các thôn bản, buôn, ấp xa xôi hẻo lánh để tuyên truyền vận động phong trào XMC, chống thất học, bỏ học trong học sinh ở các độ tuổi. Kiên trì từng bước làm cho đồng bào thay đổi nếp nghĩ: Lo làm phải đi đôi với lo học; học chữ, học nghề để làm tốt hơn, giỏi hơn; xóa bỏ các quan niệm lạc hậu như trọng nam khinh nữ, phụ nữ chỉ cần biết sinh con, dệt vải, đi nương, không cần biết chữ.

Nhiều đơn vị Bộ đội biên phòng đã tổ chức bếp ăn tình thương hỗ trợ con em đồng bào dân tộc thiểu số nhà ở xa để tiện cho việc học tập, cử cán bộ trực tiếp đưa, đón các cháu học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, tạo điều kiện để các cháu được đến trường.

Hiện nay các đơn vị Bộ đội biên phòng đã phối hợp với ngành giáo dục và địa phương tiếp tục duy trì trên 30 lớp học XMC, lớp học tình thương với trên 700 học viên là đồng bào dân tộc khu vực biên giới, biển đảo tham gia; vận động hơn 6.000 học sinh bỏ học trở lại trường. Phối hợp với các nhà trường trên địa bàn tổ chức các hoạt động tăng cường Tiếng Việt cho trẻ em trước khi vào lớp 1, như: Tổ chức các trò chơi, tham quan các di tích lịch sử, tiết học vùng biên… Tiêu biểu như một số đơn vị Bộ đội biên phòng tỉnh Nghệ An, Sơn La, Quảng Trị, Quảng Nam, Gia Lai, Long An, Bình Phước, Cà Mau…

Kết quả trên đã góp phần cùng với địa phương tạo điều kiện cho mọi người dân đều có cơ hội, bình đẳng trong học tập; đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực ở khu vực biên giới, biển đảo. Phát huy truyền thống hiếu học của dân tộc, khơi dậy tinh thần tự học, nhu cầu HTSĐ của đồng bào các dân tộc ở khu vực biên giới, biển đảo; tạo chuyển biến cơ bản trong công tác XMC, tái mù chữ và xây dựng XHHT.

Kinh nghiệm duy trì, nâng cao chất lượng công tác xóa mù chữ

Thiếu tá Văn Ngọc Quế cho hay, qua quá trình triển khai thực hiện chương trình phối hợp XMC và phổ cập giáo dục tiểu học, Bộ đội biên phòng rút ra một số kinh nghiệm. Thứ nhất, phải nhận thức đúng đắn và trách nhiệm cao đối với đồng bào các dân tộc ở biên giới, hải đảo. Nhiệm vụ XMC ở địa bàn biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số là một công việc khó khăn, phức tạp và lâu dài. Đó không chỉ là nhiệm vụ riêng của ngành giáo dục mà trách nhiệm của các cấp, các ngành, các lực lượng đứng chân trên địa bàn.

Cán bộ Phòng GD&ĐT huyện Kỳ Sơn, Nghệ An phối hợp trong kiểm tra, động viên học viên các lớp học xóa mù chữ trên địa bàn. Ảnh: PGD

Cán bộ Phòng GD&ĐT huyện Kỳ Sơn, Nghệ An phối hợp trong kiểm tra, động viên học viên các lớp học xóa mù chữ trên địa bàn. Ảnh: PGD

Thứ 2, trong lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện phải xác định rõ mục tiêu, nhiệm vụ và được cụ thể hóa thành chương trình, kế hoạch hàng năm và phân công trách nhiệm cụ thể, chặt chẽ ở từng cấp. Đặc biệt phải coi trọng công tác kiểm tra, giám sát và sơ tổng kết rút kinh nghiệm; biểu dương, động viên khen thưởng kịp thời những tập thể, cá nhân có thành tích cao trong công tác xóa mù chữ để nhân rộng kinh nghiệm hay, cách làm hiệu quả.

Thứ 3, thường xuyên làm tốt công tác tuyên truyền, vận động để đồng bào thấy rõ lợi ích của việc nâng cao dân trí, tích cực tham gia học tập, XMC, công tác tuyên truyền phải được tiến hành với nhiều hình thức kiên trì của các ngành, các đoàn thể, làm cho việc học tập trở thành nhu cầu đối với Nhân dân, để họ thấy rõ nếu không có trình độ văn hóa thì không có điều kiện phát triển kinh tế, xây dựng đời sống văn hóa mới.

Nhận thức của đồng bào dân tộc thiểu số có nhiều chuyển biến tốt, tích cực tham gia lớp học xóa mù chữ. Ảnh: PGD

Nhận thức của đồng bào dân tộc thiểu số có nhiều chuyển biến tốt, tích cực tham gia lớp học xóa mù chữ. Ảnh: PGD

Thứ tư, phải căn cứ vào tình hình thực tế ở từng địa bàn để có hình thức tổ chức lớp học cho phù hợp; thường xuyên cải tiến nội dung, phương pháp và cách thức tổ chức; đa dạng các loại hình học tập như: lồng ghép các các chương trình phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội tạo điều kiện thuận lợi và môi trường giáo dục để củng cố và duy trì kết quả.

Thứ năm, thường xuyên chú trọng bồi dưỡng kiến thức và kinh nghiệm cho đội ngũ giáo viên và cán bộ, chiến sỹ Bộ đội biên phòng tham gia XMC, PCGD tiểu học và tham gia ban quản lý TTHTCĐ để không ngừng nâng cao trình độ đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Có chính sách ưu đãi khuyến khích động viên đội ngũ làm công tác XMC ở địa bàn khó khăn.

Trước thực trạng nhiều con em đồng bào các dân tộc thiểu số có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, không đủ điều kiện để theo học, phải bỏ học giữa chừng, Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng triển khai nhiều các hoạt động nhằm hỗ trợ, giúp đỡ các em học sinh có điều kiện thuận lợi để đến trường, như: Chương trình “Nâng bước em tới trường - Con nuôi đồn Biên phòng” (triển khai từ năm 2016) hằng năm hỗ trợ hơn 3.000 cháu (trong đó có khoảng gần 200 cháu ở khu vực biên giới nước Bạn Lào, Campuchia), với mức 500 nghìn đồng/tháng đến khi học hết lớp 12; các đồn Biên phòng trực tiếp nhận nuôi gần 400 cháu tại đồn. Đến nay, tổng kinh phí cho Chương trình khoảng gần 100 tỷ đồng, từ nguồn vận động cán bộ, chiến sĩ Bộ đội biên phòng trực tiếp ủng hộ và một số tổ chức, cá nhân hỗ trợ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ