Đoàn Kinh tế Quốc phòng mở lớp xóa mù chữ cho bà con xã biên giới Nghệ An

GD&TĐ - Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 4 đã mở nhiều lớp xóa mù chữ với mục tiêu kép, vừa dạy học vừa nâng cao nhận thức cho bà con dân tộc thiểu số.

Trao giấy khen cho các học viên đạt kết quả tốt lớp học xóa mù chữ tại xã biên giới Tri Lễ, huyện Quế Phong, Nghệ An. Ảnh: NVCC
Trao giấy khen cho các học viên đạt kết quả tốt lớp học xóa mù chữ tại xã biên giới Tri Lễ, huyện Quế Phong, Nghệ An. Ảnh: NVCC

Nhiều giải pháp thu hút học viên đến lớp xóa mù chữ

Năm học 2022-2023, Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 4 đã phối hợp mở 2 lớp học xóa mù chữ tại xã Tri Lễ, huyện Quế Phong và 1 lớp tại xã Mường Típ, huyện Kỳ Sơn (tỉnh Nghệ An). Theo Thượng tá Nguyễn Như Hồng – Phó Chính ủy Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 4 cho biết, đây đều là các lớp học mở tại xã biên giới. Bà con sống biệt lập ở bản làng vùng sâu, vùng xa, nơi có nhiều người dân, đặc biệt là phụ nữ chưa từng được đến trường đi học, hoặc từng học biết chữ nhưng đã tái mù chữ.

Cán bộ Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 4 (đóng tại Nghệ An) động viên, khích lệ học viên tham gia các lớp học xóa mù chữ. Ảnh: NVCC

Cán bộ Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 4 (đóng tại Nghệ An) động viên, khích lệ học viên tham gia các lớp học xóa mù chữ. Ảnh: NVCC

Để vận động, tổ chức lớp học, Đoàn đã phối hợp với địa phương đến từng bản, khảo sát từng hộ gia đình để nắm được hoàn cảnh, đặc điểm từng học viên. Động viên gia đình tạo điều kiện để người thân được đến lớp học. Đồng thời, về phía Đoàn đã tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ cho giáo viên, tuyên truyền viên. Chuẩn bị đầy đủ tài liệu dạy học cũng như cơ sở vật chất liên quan đến tổ chức lớp học như: bàn ghế, loa đài, điện chiếu sáng, bảng viết…

Tuy nhiên, các lớp học xóa mù chữ cho bà con dân tộc thiểu số ở vùng cao, biên giới có những khó khăn mang tính chất đặc thù. Đó là thời tiết khắc nghiệt, đường đi lại khó khăn, hiểm trở. Các lớp học chủ yếu tổ chức vào ban đêm vì ban ngày học viên còn đi làm nương rẫy, sau ngày lao động vất vả ảnh hưởng không nhỏ đến thời gian, chất lượng học tập.

Học viên của lớp chủ yếu là nữ, độ tuổi chênh lệch lớn, một số học viên tiếp nhận tiếng phổ thông chậm, khả năng tiếp thu đồng đồng đều.

Các lớp học xóa mù chữ chủ yếu được tổ chức vào buổi đêm, khi học viên đi làm trên nương rẫy trở về. Ảnh: NVCC

Các lớp học xóa mù chữ chủ yếu được tổ chức vào buổi đêm, khi học viên đi làm trên nương rẫy trở về. Ảnh: NVCC

Với đặc thù đó, giáo viên các lớp học đã sáng tạo nhiều giải pháp để thu hút học viên tham gia. Trong quá trình học tập, ngoài dạy chữ, còn tổ chức giao lưu văn hóa, văn nghệ mang đặc sắc truyền thống địa phương. Tổ chức các ngày kỷ niệm 8/3 hay 20/10, ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11… Từ đó tạo không khí vui tươi, tâm lý háo hức, chờ đợi đến lớp cho học viên.

Lớp học được tổ chức linh hoạt, nhưng công tác dạy học được thực hiện nghiêm túc, đúng giờ, xây dựng thời khóa biểu khoa học. Việc kiểm tra đánh giá chất lượng cũng chặt chẽ, đúng thực chất. Đội ngũ giáo viên, tuyên truyền viên của Đoàn còn cùng với cấp ủy chính quyền, nhà trường đồng hành với gia đình học viên. Luôn chia sẻ gánh vác một phần công việc để các chị, các mẹ yên tâm đi học. Nhờ vậy, các lớp học dù ở vùng biên giới nhưng sỹ số luôn được duy trì, kể cả những hôm thời tiết xấu như mưa, lạnh. Cuối khóa học, hầu hết học viên đã được tốt nghiệp, biết đọc, biết viết cơ bản và ứng dụng vào trong cuộc sống hàng ngày.

Hiệu quả kép từ lớp học xóa mù chữ

Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 4 đóng quân trên địa bàn 8 xã biên giới thuộc 2 huyện Kỳ Sơn và Quế Phong (Nghệ An). Đoàn có chức năng huấn luyện, làm công tác dân vận, xây dựng cơ sở chính trị địa bàn. Đồng thời thực hiện các dự án kinh tế - quốc phòng, xây dựng các mô hình phát triển kinh tế để nhân dân học tập và làm theo từng bước giúp dân xóa đói giảm nghèo.

Trong quá trình xây dựng khu kinh tế - quốc phòng ở Kỳ Sơn – Quế Phong, thông qua công tác nắm địa bàn, chỉ huy Đoàn nhận thấy tỷ lệ nhân dân chưa được đi học, hay đi học nhưng sau thời gian dài không tiếp cận đến con chữ lại tái mù chữ còn nhiều. Xác định đây là nguyên nhân quan trọng dẫn đến nhận thức không đúng đắn các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, dễ bị kẻ xấu lợi dụng, xúi giục lôi kéo làm những việc trái pháp luật. Việc không biết chữ cũng là nguyên nhân không tiếp thu được kiến thức khoa học kỹ thuật dẫn đến năng suất lao động, trồng trọt, chăn nuôi không cao. Đời sống nhân dân chậm phát triển, xóa đói giảm nghèo không bền vững.

Các lớp xóa mù chữ vừa dạy văn hóa, tiếng nói, chữ quốc ngữ vừa nâng cao nhận thức, lồng ghép kiến thức canh tác, sản xuất cho bà con. Ảnh: NVCC

Các lớp xóa mù chữ vừa dạy văn hóa, tiếng nói, chữ quốc ngữ vừa nâng cao nhận thức, lồng ghép kiến thức canh tác, sản xuất cho bà con. Ảnh: NVCC

Thượng tá Nguyễn Như Hồng cho hay, từ thực trạng trên, hàng năm, Đoàn đã phối hợp với cấp ủy chính quyền địa phương, Phòng GD&ĐT các huyện, các trường tiểu học mở lớp xóa mù chữ, chống tái mù chữ. Trong quá trình thực hiện Đoàn đã làm tốt công tác tuyên truyền, vận động người dân tham gia học tập, lồng ghép linh hoạt giữa việc dạy chữ với công tác phổ biến kiến thức. Qua đó làm chuyển biến cơ bản nhận thức và kỹ năng canh tác, chăn nuôi của học viên sau mỗi buổi học. Góp phần cùng cấp ủy, chính quyền địa phương đẩy nhanh công tác xóa đói giảm nghèo, người dân vững tin theo Đảng.

Tuy nhiên, quá trình tổ chức các lớp học xóa mù chữ vẫn còn một số hạn chế như việc quan tâm đầu tư về kinh phí, tài liệu riêng cho học xóa mù chữ còn bất cập, có nội dung chưa sát với thực tế. Đội ngũ giáo viên tuyên truyền viên chủ yếu là kiêm nhiệm nên kinh nghiệm trong đứng lớp dạy học chưa phong phú.

Trong thời gian tới, Đoàn sẽ tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra đôn đốc, đồng hành với các lớp học. Động viên chia sẻ với học viên trong quá trình học tập. Bên cạnh đó phối hợp với cấp ủy chính quyền địa phương, các trường học, ban quản lý các bản để quản lý học viên tốt hơn. Tích cực tuyên truyền gia đình học viên tạo điều kiện tốt nhất để học viên tham gia lớp học đầy đủ, có thời gian ôn luyện ở nhà, không nghỉ học hoặc bỏ lớp giữa chừng. Tiếp tục bồi dưỡng cho đội ngũ giáo viên, tuyên truyền viên, thực hiện dạy học 2 chiều – học viên học kiến thức, tiếng nói, chữ quốc ngữ còn giáo viên tìm hiểu tiếng, phong tục tập quán của đồng bào.

Thượng tá Nguyễn Như Hồng chia sẻ, Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 4 cũng mong các cấp ngành tăng cường đầu tư thêm kinh phí cho các chương trình giáo dục thường xuyên, trong đó có công tác xóa mù chữ. Hàng năm có các đợt tập huấn về phương pháp giảng dạy lớp xóa mù chữ. Đồng thời có thêm tài liệu riêng, phù hợp với lớp học xóa mù chữ với học viên là đồng bào dân tộc thiểu số.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Bên trong căn hầm tái hiện hoạt động in ấn tài liệu, truyền đơn của Hội ủng hộ Vệ quốc đoàn trong những năm kháng chiến.

Hầm in tài liệu bí mật giữa lòng Sài Gòn

GD&TĐ - Nằm trong con hẻm nhỏ ở đường Ngô Gia Tự, Quận 10, TPHCM, cơ sở in ấn của Hội ủng hộ Vệ quốc đoàn năm 1954 là nơi in cả nghìn ấn bản phục vụ cách mạng.