Đời sống người dân vùng cao Nghệ An đổi thay nhờ xóa mù chữ

GD&TĐ - Nhờ những lớp xóa mù chữ mà người dân vùng cao ở Nghệ An từng bước xóa đói giảm nghèo, giúp phát triển kinh tế.

Hội Liên hiệp phụ nữ huyện Quế Phong (Nghệ An) trao sách vở, tài liệu học tập cho học viên lớp xóa mù chữ. (Ảnh: NVCC)
Hội Liên hiệp phụ nữ huyện Quế Phong (Nghệ An) trao sách vở, tài liệu học tập cho học viên lớp xóa mù chữ. (Ảnh: NVCC)

Cuộc sống đổi thay nhờ con chữ

Mù chữ gây ra nhiều hệ lụy, tác động xấu đến mọi mặt của đời sống kinh tế xã hội. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến việc một bộ phận người dân nhận thức không đúng đắn các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, dễ bị kẻ xấu lợi dụng.

Bên cạnh đó, không biết chữ còn khiến người dân không tiếp thu được các kiến thức khoa học kỹ thuật mới khiến năng suất lao động, năng suất trồng trọt, chăn nuôi không cao… dẫn đến đói nghèo luôn tiềm ẩn.

Từ thực tế đó, những năm qua, việc tổ chức và duy trì lớp học xóa mù chữ tại các huyện vùng cao của tỉnh Nghệ An là nhiệm vụ quan trọng, với mục tiêu nâng cao dân trí, xóa đói giảm nghèo, phát triển văn hóa, xã hội.

Hoàn thành lớp xóa mù chữ do Trường Tiểu học Hữu Khuông (huyện Tương Dương, Nghệ An) tổ chức, bà Lô Thị Hoa (SN 1969) cho biết, ban đầu việc làm quen với các chữ cái, đánh vần và tập viết tương đối khó. Tuy nhiên, dưới sự hướng dẫn tận tâm của các giáo viên, bà Hoa và nhiều phụ nữ khác trong lớp đều đã biết đọc, biết viết.

Từ ngày biết chữ, bà có thể đọc chữ trên tivi, sử dụng điện thoại di động để nhắn tin, tìm kiếm thông tin, đọc báo, đọc sách… Không chỉ nâng cao chất lượng cuộc sống, biết chữ còn giúp bà Hoa tiếp thu, học hỏi được nhiều kiến thức.

“Trước đây, do hoàn cảnh gia đình khó khăn nên không được đi học. Lớn lên không biết chữ, nhiều lúc tôi cũng cảm thấy rất xấu hổ lắm. Thế nhưng sau khi hoàn thành lớp xóa mù chữ, tôi có thể tự tin đọc sách, báo qua điện thoại. Xem tivi cũng học hỏi được nhiều kiến thức hay”, bà Hoa chia sẻ.

Giáo viên Trường Tiểu học Hữu Khuông (huyện Tương Dương) đến tận bản đứng lớp xóa mù chữ. (Ảnh: NVCC)

Giáo viên Trường Tiểu học Hữu Khuông (huyện Tương Dương) đến tận bản đứng lớp xóa mù chữ. (Ảnh: NVCC)

Đoàn Kinh tế Quốc phòng 4 (Quân khu 4) làm nhiệm vụ trên địa bàn 8 xã biên giới tỉnh Nghệ An, gồm: Nậm Càn, Na Ngoi, Mường Típ, Mường Ải (huyện Kỳ Sơn) và Tri Lễ, Nậm Giải, Thông Thụ, Hạnh Dịch (huyện Quế Phong).

Những năm qua, bên cạnh việc tích cực triển khai các dự án giúp nhân dân địa phương xóa đói, giảm nghèo, đơn vị còn mở các lớp xóa mù chữ và tái mù chữ cho bà con nhân dân, góp phần nâng cao dân trí nơi vùng biên giới còn gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn.

Chăm chỉ, miệt mài, kiên trì suốt 6 tháng ròng, chị Lữ Mẹ Khương cùng 38 học viên lớp học của bản Pủng (xã Mường Ải, huyện Kỳ Sơn) đã biết đọc, biết viết, được cấp giấy “Chứng nhận xóa mù chữ” do địa phương cấp.

Chị Khương cho biết, từ khi biết chữ, làm cái gì cũng thuận lợi, bán con gà, hạt ngô, củ sắn cho người ta cũng biết tính toán, không bị nhầm như trước nữa. Mỗi lần đi làm giấy tờ không còn phải điểm chỉ nữa mà được ký tên của mình.

“Học được cái chữ, biết tiếng phổ thông, mình hiểu được bộ đội nói, nhất là khi bộ đội về tuyên truyền, hướng dẫn trồng trọt, chăn nuôi để làm theo, hiệu quả lắm”, chị Khương chia sẻ.

Xóa mù chữ góp phần xóa đói giảm nghèo

Cũng như bản Pủng, Huổi Nhao, xã Nậm Càn là bản vùng sâu, vùng xa của huyện Kỳ Sơn. Người dân ở bản, đặc biệt là chị em phụ nữ có tỷ lệ mù chữ và tái mù chữ rất cao.

Nhờ lớp xóa mù chữ và chống tái mù chữ của Đoàn Kinh tế Quốc phòng 4 tổ chức, 46 chị em người dân tộc Mông đã biết đọc, biết viết và áp dụng được những kiến thức được học vào cuộc sống hằng ngày.

Theo chị Vừ A Tình - một người dân trong bản, được đi học con chữ chị em ai cũng mừng. Vì không học không biết gì, bán gà, bán rau cũng không biết tính lấy tiền. Nay đi học chị em biết chữ, biết tính toán, do đó đi chợ cũng dễ dàng hơn.

Đoàn Kinh tế Quốc phòng 4 khai giảng lớp xóa mù chữ ở bản xã Tri Lễ, huyện Quế Phong. (Ảnh: NVCC)

Đoàn Kinh tế Quốc phòng 4 khai giảng lớp xóa mù chữ ở bản xã Tri Lễ, huyện Quế Phong. (Ảnh: NVCC)

Không chỉ giúp bà con nâng cao dân trí, thoát “nghèo” con chữ. Trong các buổi học, giáo viên còn lồng ghép tuyên truyền đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước; cách chăm sóc sức khỏe, chống dịch bệnh và kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, sao cho hiệu quả…

Nhờ đó, nếp nghĩ, cách làm trong đời sống của bà con cũng có nhiều thay đổi, đặt nền móng quan trọng cho mục tiêu tuyên truyền, vận động, hướng dẫn người dân xóa đói, giảm nghèo.

Ông Vi Hòe - Bí thư Huyện ủy Kỳ Sơn cho biết, việc mở lớp xóa mù chữ là nỗ lực của ngành Giáo dục đào tạo huyện nhà, cùng với sự tham gia đầy nhiệt tình của bộ đội và trí thức trẻ tình nguyện Đoàn Kinh tế Quốc phòng 4.

Lớp học xóa mù chữ không những giúp bà con nhân dân biết đọc, biết viết, nâng cao trình độ dân trí, mà còn thể hiện trách nhiệm của quân đội và trí thức trẻ tình nguyện với nhân dân trên địa bàn.

Qua chương trình này, nhiều người đã biết đọc, biết viết, biết học tập cách làm ăn, nhờ đó đời sống được nâng lên, tự tin hơn trong giao tiếp cũng như trong cuộc sống.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa.

Quy về thang điểm chung

GD&TĐ - Việc quy về một thang điểm chung là hoàn toàn khả thi; nếu khó cũng nên làm vì lợi ích chung của cả hệ thống...

Những ký ức trong tim

Những ký ức trong tim

GD&TĐ - Những năm tháng học trò là quãng thời gian đáng nhớ nhất, là lúc ta được trải nghiệm những giây phút vui buồn, với bao nhiêu khoảnh khắc không thể phai nhạt.