Về ứng dụng và mục đích sử dụng, EO được sử dụng chủ yếu làm hoá chất trung gian trong sản xuất ethylene glycol (chất chống đông), hàng dệt, chất tẩy rửa, bọt polyurethane, dung môi, thuốc, chất kết dính, nguyên liệu cho sản xuất nhựa Polyethylene terephthalate (PET) và các sản phẩm khác.
Bên cạnh đó, EO còn được sử dụng làm sản phẩm khử trùng, hun trùng có hiệu quả cao, được phép sử dụng ở nhiều quốc gia cho mục đích kiểm soát côn trùng trong một số sản phẩm nông sản, khử khuẩn các nguyên liệu và sản phẩm thực phẩm (đặc biệt cho gia vị và các loại thảo mộc như ớt bột, tiêu và quế... trước yêu cầu luôn cần kiểm tra thường xuyên vi khuẩn Salmonella).
Tại châu Âu, EO được xếp loại là một sản phẩm thuốc trừ sâu bị cấm.
Ngày 20/8, Cơ quan An toàn Thực phẩm Ireland (FSAI) ra thông báo thu hồi một số lô mì Hảo Hảo và miến Good do Công ty Acecook Việt Nam sản xuất vì có chứa chất Ethylene Oxide. Đây là chất có hại cho sức khỏe con người và không được phép sử dụng trong thực phẩm phân phối tại Liên minh châu Âu.
Hiện có 3 dòng sản phẩm trong danh sách thu hồi của FSAI, bao gồm mì Hảo Hảo vị tôm chua cay (loại 77 g, hạn sử dụng đến 24/9/2022), miến Good vị sườn heo (loại 56 g, hạn sử dụng đến 10/11/2022), mì Yato vị hải sản (loại 120 g, hạn sử dụng đến 30/11/2022); trong đó, 2 sản phẩm là mì Hảo Hảo và miến Good do công ty Acecook Việt Nam sản xuất, sản phẩm còn lại có xuất xứ từ Trung Quốc.
Theo FSAI, việc tiêu thụ các sản phẩm nhiễm Ethylene Oxide tuy không gây nguy hiểm cấp tính cho sức khỏe nhưng có thể gây ung thư nếu thường xuyên sử dụng trong thời gian dài. Do đó, người tiêu dùng cần hạn chế việc tiếp xúc với chất này. FSAI sẽ gửi thông báo thu hồi lô sản phẩm trên tại các điểm bán chịu trách nhiệm phân phối.
Việc sử dụng EO để khử trùng thực phẩm là không được phép và ngưỡng EO trong thực phẩm được quy định tại Regulation (EC) 396/2005 về mức tồn dư tối đa của thuốc Bảo vệ thực vật trong thực phẩm.
Theo quy định trên, MRLs (ngưỡng tồn dư tối đa cho phép) cho EO (tổng) đối với ngũ cốc là 0,02mg/kg; một số loại gia vị (hạt hồi, hạt cần tây…) là 0,1 mg; sản phẩm nguồn gốc động vật là 0,02 mg…
Cũng theo Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Công Thương), tại Việt Nam, Ethylene Oxide không nằm trong danh mục các chất được có mặt trong thực phẩm như: Giới hạn dư lượng thuốc Bảo vệ thực vật trong thực phẩm tại Thông tư 50/2016/TT-BYT ngày 30/12/2016; Danh mục Phụ gia thực phẩm được phép sử dụng trong thực phẩm quy định tại Thông tư 24/2019/TT-BYT ngày 30/8/2019; Danh mục thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm và dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng thực phẩm được xác định mã số hàng hóa theo Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam tại Thông tư 05/2018/TT-BYT ngày 5/4/2018...
Trước đó, liên quan đến sự việc, Bộ Công Thương đã đề nghị Công ty Cổ phần Acecook Việt Nam báo cáo rõ nguyên nhân, nguồn gốc, hàm lượng của Ethylene Oxide trong thực phẩm nêu trên cũng như khả năng có mặt của chất này trong các sản phẩm khác hiện đang được sản xuất, tiêu thụ tại Việt Nam và các quốc gia khác.
Cơ quan này cũng đề nghị đưa ra phương hướng xử lý của doanh nghiệp và nước nhập khẩu đối với sản phẩm trên; tình hình sản xuất, xuất khẩu và biện pháp thu hồi, xử lý (nếu có) đối với sản phẩm nêu trên.
Cũng liên quan đến vụ việc, theo thông tin từ Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương), đơn vị đang chờ ý kiến từ các Cục, Vụ liên quan đối với sự xuất hiện chất Ethylene Oxide trong sản phẩm mì Hảo Hảo và miến Good. Khi có kết quả, Cục sẽ thông tin sớm nhất đến người tiêu dùng.