Bỏ cộng điểm thi nghề phù hợp với thực tiễn khách quan

GD&TĐ - Dự thảo quy định không cộng điểm thi nghề vào tuyển sinh lớp 10 đã nhận được nhiều ý kiến tán thành của lãnh đạo sở GD&ĐT. Theo đó, việc bỏ cộng điểm sẽ đảm bảo tính khách quan, công bằng và phù hợp với thực tiễn khách quan.

Ảnh minh họa/internet
Ảnh minh họa/internet

* Thầy Lê Ngọc Bữu - Giám đốc Sở GD&ĐT Bến Tre: Thi nghề chỉ vì mục đích điểm cộng chứ không vì mục đích hướng nghiệp

Tôi cho rằng, việc không cộng điểm thi nghề vào tuyển sinh lớp 10 là hợp lý nhằm tạo sự công bằng trong thi cử. Cũng giống như thi THPT Quốc gia, các thí sinh đã thi bằng năng lực của mình và kết quả là thực chất, không cộng điểm nghề mà chỉ có chính sách ưu tiên.

Vì thế, thi tuyển vào lớp 10 cũng nên tham khảo và áp dụng theo. Bỏ cộng điểm thi nghề không có nghĩa là bỏ hết các chính sách ưu tiên khác. Vì thế cần phải hiểu tường minh về vấn đề này.

Mặt khác, bỏ cộng điểm thi nghề sẽ giúp các trường THPT tuyển sinh được những học sinh có chất lượng thực chất hơn, đúng với năng lực của các em hơn. Bởi thực tế, cũng đã có những trường hợp vì được cộng điểm này nên đã tìm cách để con em mình có điểm, nhằm tạo "hồ sơ đẹp" cho con.

Điều này đã làm biến tướng mục tiêu của việc dạy - học nghề, thi nghề bậc THCS. Phụ huynh, học sinh học và thi nghề chỉ vì mục đích để được cộng điểm chứ không vì mục đích hướng nghiệp.

Ngoài ra, cộng điểm thi nghề cùng với một số điểm cộng khác sẽ làm khó cho công tác phân luồng sau THCS, bởi hầu hết các em học sinh sẽ tiếp tục học THPT. Do đó, nếu bỏ được cộng điểm thi nghề sẽ góp phần thực hiện công tác phân luồng được tốt hơn.

Đồng thời sẽ sàng lọc được những học sinh có chất lượng và có khả năng tiếp tục học ở bậc cao hơn. Chẳng hạn như: Nếu học sinh thi được 18 điểm với 2 môn thi là Toán, Văn thì đây là điểm thi thực chất của em đó chứ không có điểm cộng ưu tiên nào khác. Từ điểm số này cho thấy, em học sinh đó có học lực khá trở lên và có thể tiếp tục học lên cao hơn.

Thiết nghĩ, đã đến lúc chúng ta cần thẳng, nhìn thật vào thực tế, cái gì không còn phù hợp thì cần điều chỉnh, sửa đổi, thậm chí là bãi bỏ, đơn cử như cộng điểm thi nghề vào tuyển sinh lớp 10 như vừa phân tích ở trên.

* Thầy Ninh Thành Viên - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Kiên Giang: Bỏ cộng điểm thi nghề nhằm đảm bảo tính khách quan, công bằng

Tôi cho rằng, không cộng điểm thi nghề vào tuyển sinh lớp 10 là phù hợp với thực tế khách quan. Bởi lẽ: Thứ nhất, định hướng nghề nghiệp khác với cộng điểm vào tuyển sinh. Thực tế cho thấy, nhiều năm nay, các sở thực hiện cộng điểm thi nghề vào tuyển sinh lớp 10 nhưng công tác phân luồng, định hướng nghề nghiệp vẫn bộc lộ nhiều hạn chế.

Cộng điểm không những không phát huy được tác dụng mà còn bị chệch mục tiêu. Học sinh học và thi chỉ vì mục điểm được cộng điểm chứ không vì hướng nghiệp. Mặt khác, nhiều phụ huynh còn lợi dụng điểm cộng này để làm hồ sơ cho con "đẹp hơn" khi vào lớp 10.

Thứ hai, việc thi nghề ở THCS ở nhiều nơi làm rất hình thức, làm cho xong và không thực chất. Dẫn đến kết quả không đạt được như mục tiêu đề ra.

Thứ ba, hiện nay, chúng ta đang tiếp cận với chương trình mới nên sẽ có nhiều nội dung phải đổi mới và cải cách; thậm chí là bãi bỏ những chính sách không cần thiết và không hợp lý.

Thiết nghĩ, chính sách cộng điểm thi nghề vào lớp 10 cần được bãi bỏ để đảm bảo tính khách quan, công bằng và phù hợp với mục tiêu định hướng nghề nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.