Phương pháp này có thể được áp dụng xây dựng những nền tảng cần thiết cho việc học tập sớm của trẻ, với những lợi ích trọn đời cho các em. Tìm hiểu về vấn đề này phóng viên Báo GD&TĐ đã có cuộc trò chuyện với bà Lê Thị Thùy Dương , Quản lý chương trình Giáo dục của tổ chức Cứu trợ trẻ em tại Việt Nam.
Linh hoạt, sáng tạo khi triển khai bộ công cụ ELM
Xin bà cho biết cụ thể hơn về phương pháp ELM?
- Bộ công cụ ELM hỗ trợ phương pháp dạy trẻ mầm non dân tộc thiểu số (DTTS) làm quen với Đọc, Viết và Toán, giúp trẻ có một tiền đề vững chắc trước khi bước vào lớp 1. Bộ công cụ này đã được công nhận rộng rãi từ tháng 11/2016 tại 28 quốc gia thực hiện chương trình của Tổ chức Cứu trợ Trẻ em.
Đây là một giải pháp dựa trên các bằng chứng thực tiễn, các hoạt động học mà chơi hỗ trợ nhà trường, cha mẹ, cộng đồng và chính phủ trong việc mang tới các cơ hội học tập sớm cho trẻ từ 3 – 6 tuổi; giúp các em hình thành các kĩ năng học sớm về Đọc, Viết và Toán học không chỉ trong trường học mà còn trong cộng đồng.
Việc làm quen với Đọc, Viết và Toán sớm đã tạo ra thay đổi ở từng cá nhân trẻ bằng cách tăng cường kĩ năng của giáo viên và cha mẹ, để họ có thể áp dụng các phương pháp đã được chứng minh có hiệu quả vào công tác chăm sóc và nuôi dạy trẻ. Bên cạnh đó, bộ công cụ ELM cũng có thể được tích hợp thành công vào chương trình giáo dục mầm non quốc gia và trở thành một giải pháp mang tính chiến lược giải quyết các tồn tại trong học tập của trẻ mầm non.
Trong quá trình thực hiện triển khai chương trình cho trẻ DTTS làm quen với Đọc, Viết và toán có gặp phải những khó khăn gì không, thưa bà?
- Trong quá trình triển khai thực hiện chương trình, chúng tôi đã gặp phải một số khó khăn.
Ví dụ: Giờ đọc truyện cho trẻ mầm non, với phương pháp đọc truyện tương tác khác với phương pháp đọc truyện thông thường, giáo viên đã gặp khó khăn: Chưa thật sự làm được theo bộ công cụ ELM; Bản thân trẻ nhỏ còn gặp khó khăn về rào cản ngôn ngữ, nhất là trẻ 3 tuổi mới ra lớp.
Ngoài ra, cơ sở vật chất, ngôn ngữ, đội ngũ không đồng đều, lớp ghép, có nhiều trẻ ở độ tuổi khác nhau, lớp có nhiều trẻ DTTS khác nhau cũng khiến giáo viên rất vất vả, khó khăn trong việc dạy học.
Làm thế nào để có thể giải quyết những khó khăn này?
- Để khắc phục được những khó khăn trên, trước hết đảm bảo về yếu tố thời gian để cho giáo viên làm quen với bộ công cụ đó; làm quen với cách tiếp cận; làm quen với việc làm thế nào để tổ chức được các hoạt động tốt nhất.
Là người tổ chức, triển khai thực hiện chương trình, chúng tôi chỉ đưa cho các giáo viên phương pháp làm theo những nội dung chính, cốt lõi mà thôi. Còn việc triển khai, tổ chức, thực hiện như thế nào, đòi hỏi các thầy cô phải tư duy, sáng tạo trong quá trình soạn giáo án cho phù hợp với đối tượng học sinh của mình tại địa phương.
Ví dụ: Cùng một hoạt động kể chuyện, nhưng với nhóm trẻ 3 tuổi sẽ khác với nhóm trẻ 5 tuổi; nhóm trẻ ở điểm trường chính khác với nhóm trẻ ở điểm trường lẻ; Trong lớp có một nhóm trẻ DTTS sẽ khác với lớp có nhiều nhóm trẻ DTTS. Vì vậy rất cần GV có sự linh hoạt, sáng tạo trong quá trình áp dụng bộ công cụ ELM này.
Điểm hay của bộ công cụ ELM là GV không bị gò bó trong một cách dạy. Tuy nhiên, vẫn có một số GV hơi cứng nhắc nên trong quá trình ban đầu đưa bộ công cụ ELM vào chúng tôi cũng gặp một số khó khăn. Chúng tôi đã phải khuyến khích, động viên GV tự tin.
Điều kiện để giúp trẻ học tập tốt nhất
Triển khai bộ công cụ ELM vào dạy học, trẻ mầm non DTTS có phản ứng thế nào, các em có tiếp thu được bài học không, thưa bà?
- Phải nói rằng, trẻ học theo phương pháp này rất hào hứng, sôi nổi. Cách học mà chơi rất thú vị và lôi cuốn trẻ. Thí dụ: Với hoạt động đọc truyện, trẻ được tham gia, được nói, được trao đổi, được đặt câu hỏi, được thả sức tưởng tượng xem câu chuyện sẽ như thế nào... Phương pháp này đã biến giờ đọc truyện thành một giờ học khiến trẻ mong đợi, háo hức và thành động lực mỗi khi đến trường. Hay các giờ học vận động, trẻ được chơi mà học. Qua các trò chơi nhảy lò cò vào từng ô hay chui qua các vòng chui... trẻ được học các số đếm từ 1 đến 10...
Nhìn chung với phương pháp học tương tác, trẻ rất thoải mái, tiếp thu nhanh và rất hứng thú.
Để trẻ hứng thú làm quen với Đọc, Viết và Toán, không thể không kể đến vai trò của cha mẹ - người trợ giảng thứ hai. Vậy theo bà, vai trò của cha mẹ quan trọng như thế nào với trẻ?
- Hiện nay, rất nhiều cha mẹ trẻ nghĩ rằng, họ không có khả năng dạy con, phải là GV mới dạy được. Nhưng khi chúng tôi tổ chức các cuộc họp, phổ biến những kiến thức và kỹ năng dạy trẻ theo bộ công cụ ELM, nhiều người đã nhận thấy rất đơn giản. Họ không cần phải giàu có để mua các trang thiết bị học tập hay công cụ gì đắt tiền để về dạy cho con. Họ có thể lấy chính các đồ dùng trong gia đình để dạy con. Có thể dạy con ngay trong các hoạt động nấu cơm, làm việc nhà, thậm chí là trong khi chơi với con.
Vai trò của cha mẹ là vô cùng quan trọng trong việc giúp trẻ có thành tích học tập tốt. Bởi vì cha mẹ là người luôn luôn đồng hành bên con. Cha mẹ là người đầu tiên dẫn dắt con, là người thầy đầu tiên và suốt đời.
Vậy điều kiện giúp trẻ học tập tốt nhất là gì, thưa bà?
- Để trẻ có điều kiện học tập tốt nhất có thể trong điều kiện hoàn cảnh của trẻ DTTS, chúng tôi đã hỗ trợ về xây dựng một số lớp học; hỗ trợ xây dựng, cải tạo môi trường vệ sinh cho trẻ, bếp ăn… Đồng thời đầu tư, hỗ trợ nâng cao năng lực cho GV, cho cha mẹ, tạo môi trường học tập thân thiện.
Chúng tôi đã cung cấp, hỗ trợ một số trang thiết bị thư viện; xây dựng sân chơi vận động liên hoàn cho trẻ phát triển kỹ năng vận động; hỗ trợ một số sáng kiến cộng đồng từ giáo viên đến cộng đồng địa phương.
Phần lớn tại những địa phương chúng tôi thực hiện dự án, cha mẹ hầu như không có tiền mua sách. Thế nhưng qua các hoạt động thư viện cộng đồng, họ đã có môi trường giàu sách, giàu chữ hơn.
Ngoài ra với GV chúng tôi đã có những buổi tập huấn, thao giảng tại cụm, tại trường bằng những bài giảng mẫu để GV chia sẻ các kinh nghiệm với nhau, hỗ trợ lẫn nhau. Đồng thời, chúng tôi còn hỗ trợ một số trợ giảng người địa phương để giúp GV vượt qua rào cản ngôn ngữ giao tiếp với học sinh, với phụ huynh bằng tiếng dân tộc để đảm bảo tốt các hoạt động học.
Trân trọng cảm ơn bà!