Hội thảo nhằm chia sẻ các bài học kinh nghiệm từ việc thí điểm Bộ công cụ hỗ trợ trẻ mầm non làm quen với Đọc Viết và Toán, chính thức giới thiệu bộ công cụ đến các bên liên quan và ra mắt trang tương tác xã hội hỗ trợ cho các cán bộ quản lí, giáo viên trong quá trình triển khai áp dụng ELM tại địa phương.
Ước tính đã có hơn 4000 trẻ em dân tộc thiểu số từ 3 – 6 tuổi ở huyện Văn Chấn (Yên Bái) và huyện Tây Giang (Quảng Nam) được hưởng lợi trực tiếp từ việc thí điểm Bộ công cụ ELM. Sau 3 năm triển khai cho thấy mức độ phát triển của trẻ tham gia thí điểm bộ công cụ đều tăng rõ rệt ở các lĩnh vực: kĩ năng vận động tăng từ 44 – 56%; Kĩ năng đọc sớm tăng từ 21 – 37%; Kĩ năng làm quen sớm với Toán tăng từ 38 – 50% và lĩnh vực tình cảm xã hội tăng từ 27 – 32%.
Phát biểu tại hội thảo, ông Trần Kim Tự, phó Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ Quản lí Giáo dục khẳng định: "Bộ công cụ ELM đã chứng minh được tính hiệu quả trong 3 năm triển khai thí điểm. Đây là một bộ công cụ rất hữu ích cho các giáo viên trong việc thực hiện chương trình giáo dục mầm non quốc gia. Chúng tôi khuyến nghị giáo viên nên áp dụng bộ công cụ này trong quá trình giảng dạy...".
Cùng chia sẻ về những thành quả đã đạt được của bộ công cụ ELM, bà Drangana Strinic, Trưởng đại diện Tổ chức cứu trợ Trẻ em kì vọng bộ công cụ ELM sẽ hỗ trợ giáo viên, cha mẹ và người chăm sóc trẻ trong việc cung cấp giáo dục có chất lượng cho trẻ em phù hợp với chương trình giáo dục mầm non quốc gia của Việt Nam.
Ước tính có hơn 400 trẻ em dân tộc thiểu số đã được hưởng lợi từ việc thí điểm bộ công cụ giúp các em làm quen hơn với Đọc, Viết và Toán.
Hơn 2.200 giáo viên và người chăm sóc trẻ được nâng cao năng lực trong việc hỗ trợ trẻ phát triển các kĩ năng để các em sẵn sàng bước vào lớp 1.