Bỏ biên chế suốt đời tác động thế nào đến giáo giới?

GD&TĐ - Một trong những điểm mới trong dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức là sẽ thực hiện “bỏ biên chế suốt đời, viên chức suốt đời”. Dự án Luật này được các đại biểu Quốc hội thảo luận tại Kỳ họp thứ 7 và sẽ tiếp tục xin ý kiến rộng rãi để hoàn thiện.

Nhiều giáo viên có tâm lý băn khoăn nếu thực hiện “bỏ biên chế suốt đời”. Ảnh: Cô và trò Trường TH Văn Phú, TP Việt Trì (Phú Thọ) trong một tiết học
Nhiều giáo viên có tâm lý băn khoăn nếu thực hiện “bỏ biên chế suốt đời”. Ảnh: Cô và trò Trường TH Văn Phú, TP Việt Trì (Phú Thọ) trong một tiết học

Trong dự thảo Luật, sửa đổi Điều 25 Luật Viên chức về các loại hợp đồng làm việc để thực hiện chế độ hợp đồng có thời hạn đối với viên chức tuyển dụng mới kể từ ngày Luật có hiệu lực, đồng thời quy định chuyển tiếp đối với những trường hợp đã tuyển dụng trước ngày Luật có hiệu lực để bảo đảm áp dụng đồng bộ, khả thi… Về thực hiện chế độ hợp đồng xác định thời hạn đối với viên chức tuyển dụng mới; Dự thảo Luật này đưa ra 2 phương án:

Phương án 1: Theo hướng đối với tất cả các trường hợp viên chức được tuyển dụng mới sau khi Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức có hiệu lực sẽ thực hiện ký kết hợp đồng xác định thời hạn nhằm bảo đảm cơ chế cạnh tranh, khắc phục tình trạng và tâm lý “viên chức suốt đời” trong đội ngũ viên chức.

Phương án 2: Giữ như quy định hiện hành, theo đó đối với viên chức được tuyển dụng mới thì sau khi ký kết hợp đồng xác định thời hạn (tối đa 2 lần) sẽ ký hợp đồng không xác định thời hạn để bảo đảm tâm lý ổn định, tránh cơ chế xin - cho khi đến hạn ký lại hợp đồng.

Ông Nguyễn Văn Biết - Trưởng phòng Tổ chức cán bộ - Sở GD&ĐT Phú Thọ chia sẻ: “Nếu phải chọn 1 trong 2 phương án nêu trên, cá nhân tôi ủng hộ phương án 2. Bởi vì, việc “bỏ biên chế suốt đời” là một đề xuất hoàn toàn phù hợp với xu thế phát triển của xã hội trong bối cảnh hiện nay; song với đặc điểm, đặc thù của ngành Giáo dục, nhóm đối tượng nhà giáo, cán bộ công tác ở vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn cần được quan tâm, tạo điều kiện và có những ưu đãi nhất định.

Việc đề xuất “bỏ biên chế suốt đời” nếu trở thành hiện thực thì sẽ là một thay đổi mang tính chất đột phá trong công tác sử dụng và quản lý viên chức nói chung, trong đó có đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục.

Cho rằng việc không còn khái niệm biên chế vĩnh viễn sẽ xóa bỏ được tâm lý yên tâm, sức ì của đội ngũ viên chức, tạo động lực cho sự phát triển, nâng cao chất lượng đội ngũ đáp ứng yêu cầu phát triển của xã hội, ông Nguyễn Văn Biết chia sẻ: “Tuy nhiên, đối với đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý của ngành Giáo dục, đề xuất này cũng sẽ khiến cho nhiều nhà giáo có tâm tư, đặc biệt ít nhiều cũng sẽ tác động đến tâm lý của những sinh viên sư phạm và các thí sinh đang chuẩn bị lựa chọn nghề sư phạm” - Trưởng phòng Nguyễn Văn Biết chia sẻ băn khoăn.

Theo ông Biết, để việc “bỏ biên chế suốt đời” có tính khả thi, cần phải có nghiên cứu, tính toán một cách cụ thể để có những chế tài phù hợp, nhất là thẩm quyền và trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập và việc đánh giá viên chức. Nếu không thì chính sách của Nhà nước sẽ trở thành “miếng mồi” béo bở, làm công cụ trục lợi của một bộ phận những người được giao quyền. Đồng thời, với chế độ “viên chức 3 năm”, các thầy cô giáo lại phải lo “đối phó” với việc ký hợp đồng mỗi ba năm, mà câu chuyện đó không chỉ là chuyên môn, nghiệp vụ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ