Báo GD&TĐ đã có cuộc trao đổi với các chuyên gia Úc: Bà Cara Ellickson – Trưởng khoa Giới - Trường ĐH Flinders và ông Glenn Davies - Chuyên gia về bình đẳng giới về những tồn tại, kết quả đạt được, kế hoạch trong thời gian tới sau các buổi hội thảo về công bằng giới tổ chức tại ĐH Thái Nguyên.
Lý do tổ chức các buổi hội thảo… kín
* Được biết, có hai hội thảo riêng biệt về công bằng giới cho lãnh đạo nam và lãnh đạo nữ trong trường đại học. Tại sao phải tổ chức riêng như vậy, thưa các chuyên gia?
Bà Cara Ellickson: Trước khi đưa nam giới và nữ giới nói chuyện với nhau, chúng tôi muốn có một hội thảo dành riêng cho nữ lãnh đạo trong trường ĐH nhằm giúp họ có không gian riêng tư để chân thành, thẳng thắn chia sẻ với nhau về các vấn đề liên quan đến bình đẳng giới. Còn hội thảo riêng cho nam lãnh đạo trong trường ĐH để các anh có thể thẳng thắn nhìn lại những vấn đề liên quan đến bất bình đẳng giới.
Cách tiếp cận với hai đối tượng nam lãnh đạo và nữ lãnh đạo rất khác nhau. Hội thảo dành cho nữ lãnh đạo nội dung chính vẫn là việc đào tạo, nâng cao nhận thức. Tuy nhiên, sợi dây xuyên suốt là trao quyền nhiều hơn để những người phụ nữ có thể thách thức lại những điều bất công, sự bất bình đẳng trong cuộc sống.
Hội thảo dành cho nam giới có nội dung thách thức lại những định kiến, sự bất bình đẳng về giới. Chúng tôi giúp các học viên nam hiểu được nam giới có những đặc quyền mà đôi khi những quyền đó khiến họ không hiểu được sự bất bình đẳng của những người phụ nữ. Từ đó họ sẽ nhận ra nam giới đóng vai trò là một phần giải pháp trong việc chịu trách nhiệm đảm bảo bình đẳng giới trong cộng đồng, ở nơi làm việc và đặc biệt đảm bảo bình đẳng giới trong gia đình.
Ông Glenn Davies: Nếu để nam lãnh đạo và nữ lãnh đạo ở cùng một hội thảo về bình đẳng giới thì vai trò về giới và những bất bình đẳng về giới sẽ ngăn cản phụ nữ có thể thoải mái chia sẻ những gì họ đã phải chịu đựng. Trong tất cả các tổ chức, chúng ta sẽ làm việc với cả hai nhóm về các vấn đề đào tạo liên quan đến giới. Tuy nhiên, cách tiếp cận giữa nam và nữ sẽ khá khác nhau.
Đối với hội thảo của nhóm nam, chúng tôi tập trung vào việc giúp cho nam giới nhận ra những bất bình đẳng giới, từ đó có sự thấu hiểu, cảm thông đối với phụ nữ. Nam giới có những đặc quyền riêng và bất bình đẳng giới không ảnh hưởng đến cuộc sống của họ, thậm chí họ còn nhận được một số lợi ích từ việc bất bình đẳng giới. Đó là lý do vì sao nam giới không thể nhận ra những bất bình đẳng giới xung quanh mình.
*Các chuyên gia nhấn mạnh đến “đặc quyền” khiến nam giới không nhận ra là mình đang có những hành vi bất bình đẳng giới. Xin hỏi cụ thể những “đặc quyền” này là gì?
Bà Cara Ellickson: Đó có thể là một trong những hành vi không lành mạnh, như hút thuốc, nhậu nhẹt – không ít người cho đó là thể hiện sự nam tính. Hay việc sử dụng bạo lực với phụ nữ và trẻ em... Một cách để giúp nam giới nhận ra để từ đó có sự thay đổi là tác động của việc bất bình đẳng giới đối với xã hội và đặc biệt đối với trẻ em. Nếu nam và nữ lãnh đạo trường đại học hiểu được bất bình đẳng giới, họ sẽ nhận ra được bất bình đẳng giới mà nhân viên đang gặp phải ở nơi làm việc, từ đó có những hành động nhằm tạo ra sự thay đổi.
Các học viên nữ thảo luận nhóm |
Chiến lược nhằm nâng cao nhận thức về bình đẳng giới
*Thông thường, các buổi hội thảo chỉ diễn ra trong vài ngày. Trong khi nhận thức về bình đẳng giới, những hành động bất bình đẳng giới diễn ra đã khá lâu. Vậy theo các chuyên gia, làm thế nào để những tác động, thông điệp từ hội thảo có tính bền vững?
Ông Glenn Davies: Để đảm bảo duy trì sự thay đổi một cách bền vững, chúng tôi cần có nhiều công cụ, thực hiện nhiều biện pháp. Chúng tôi không chỉ cung cấp kiến thức, nâng cao nhận thức mà còn lên kế hoạch để tiếp tục phát triển, cải thiện, có những hành động thiết thực để tạo ra sự thay đổi thái độ và hành vi. Hiện tại, Trường ĐH Nông Lâm đã ra mắt CLB Hỗ trợ Phụ nữ phát triển và có nhiều lãnh đạo trường ĐH đưa ra cam kết trong việc đảm bảo bình đẳng giới. Đặc biệt, đã có nhiều người tiên phong để có thể xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em, đảm bảo bình đẳng giới. Chúng tôi cho rằng, đây là kết quả rất tích cực.
|
Bà Cara Ellickson: Tôi cho rằng, hội thảo này mới là bước khởi động và cần thêm nhiều hội thảo nữa. Bình đẳng giới là vấn đề liên quan đến công tác lãnh đạo, đến sự thích nghi chứ không phải là những việc mang tính kỹ thuật. Để xử lý vấn đề liên quan đến sự thích nghi thì tương đối phức tạp.
Chúng tôi cần sử dụng nhiều cách để có thể tiếp cận, giải quyết. Hội thảo là một trong những cách tiếp cận đó. Chúng ta cần phải lập ra nhiều chiến lược nhằm nâng cao nhận thức về bình đẳng giới, không chỉ là thay đổi cách suy nghĩ, tư duy mà còn thay đổi cả trái tim nữa. Theo đó, cần rất nhiều nỗ lực cũng như cách thức khác nhau để giải quyết được vấn đề.
Thời gian tới, trong 16 ngày xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em nhân “Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực với phụ nữ và trẻ em”, chúng tôi có chiến dịch “Ruy băng trắng” được tổ chức bởi Aus4Skills và Trường ĐH Flinders cùng với Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Trung tâm Phụ nữ và Phát triển, UN Woman nhằm nâng cao nhận thức của các nam lãnh đạo. Những người tham gia sẽ có những hành động như đào tạo, hỗ trợ, lan tỏa thông điệp đến những đồng nghiệp ở nơi làm việc cũng như trong gia đình.
|
Bất bình đẳng giới trong trường ĐH – vấn đề của toàn thế giới
*Các chuyên gia thấy những câu chuyện các học viên là giảng viên, lãnh đạo trường ĐH chia sẻ có nét gì tương đồng với trong câu chuyện về bình đẳng giới trong lĩnh vực ĐH ở Úc?
Ông Glenn Davies: Trong môi trường giáo dục có thể thấy vấn đề bất bình đẳng giới xảy ra bởi rất nhiều yếu tố, như vị trí lãnh đạo trong trường ĐH, những cơ hội để tiếp cận vị trí lãnh đạo, những cơ hội tốt hơn trong sự nghiệp… Và một số hiện tượng bất bình đẳng giới xảy ra trong trường ĐH, như hành vi không thể chấp nhận được ở trong khuôn viên trường, đặc biệt là quấy rối tình dục, bạo lực đối với phụ nữ trong khuôn viên trường… Việc phân tích nguyên nhân này dựa trên nhiều nghiên cứu. Đây là thách thức không chỉ với các trường ĐH ở Úc mà cũng có ở trường ĐH Việt Nam. Những thách thức này thế giới cũng đang gặp phải, như ở các trường ĐH Mỹ.
Hội thảo về công bằng giới cho lãnh đạo nam/nữ trong trường đại học là một hoạt động của hợp phần “Nâng cao chất lượng” tại các trường đại học miền núi phía Bắc, được phối hợp tổ chức bởi Chương trình Úc cùng Việt Nam Phát triển Nguồn nhân lực và 3 trường đại học đối tác: ĐH Thái Nguyên, Trường ĐH Nông Lâm (ĐH Thái Nguyên) và Trường ĐH Tây Bắc.
Chương trình về công bằng giới trong lĩnh vực ĐH mà chúng tôi đang thực hiện tại Việt Nam nhằm định hướng, khám phá ra những giải pháp để có thể nhận diện được những thách thức trong bình đẳng giới, từ đó đảm bảo bình đẳng giới. Các đối tượng tham gia là những lãnh đạo trong trường ĐH, họ có thể tạo ra sự thay đổi, sự lan tỏa đến các sinh viên, từ đó có lan tỏa đến mỗi gia đình, mỗi cộng đồng.
*Trong số học viên cả nam và nữ lần này có nhiều cựu học viên của chuyên gia Cara Ellickson theo các khóa học về bình đẳng giới trước đây. Chuyên gia có nhận thấy các học viên có những tiến bộ gì so với lần đầu gặp gỡ?
Bà Cara Ellickson: Tôi rất vui mừng khi nhận thấy những sự thay đổi tích cực của các học viên. Họ đã tự tin hơn, năng động và khát khao thể hiện bản thân. Chúng tôi tham dự buổi lễ ra mắt CLB Hỗ trợ Phụ nữ phát triển của Trường ĐH Nông Lâm - CLB đầu tiên được thành lập bởi phụ nữ, dành cho phụ nữ, hỗ trợ phụ nữ, không chỉ dành cho cán bộ giảng viên trong trường mà còn dành cho các nữ sinh viên.
Đây là một trong những kết quả đáng kể mà chúng tôi thu nhận được sau Khóa học ngắn hạn Học bổng Chính phủ Australia – “Hành trình Hỗ trợ Phụ nữ trong Lãnh đạo” khóa 1 và 2, của những học viên đã từng tham gia với chúng tôi. Để thấy rằng, họ không chỉ nói được mà còn có những hành động thiết thực, cam kết để đảm bảo được bình đẳng giới.
Trong hội thảo lần này có sự trộn lẫn giữa những người đã từng học với tôi và những người mới. Tôi vô cùng tự hào khi chứng kiến các học viên cũ không chỉ cùng tham gia mà còn dẫn dắt, lãnh đạo các học viên khác trong các hoạt động, từ đó nhận diện bình đẳng giới, đưa ra giải pháp giúp chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ. Với tư cách là người tập huấn, chuyên gia, khi chứng kiến những sự thay đổi đó, chúng tôi cảm thấy rất vui. Có thể khẳng định họ chính là những người tiên phong để đảm bảo cho bình đẳng giới.
|
Cần đảm bảo 50% sự có mặt của phụ nữ ở tất cả các cấp độ, vị trí
*Khi nhận đứng ra tổ chức hội thảo, gửi các lãnh đạo, trưởng khoa/ phòng tham gia học tập chuyên gia nước ngoài, chắc hẳn lãnh đạo các trường ĐH mong muốn được nhìn thấy được bức tranh về bình đẳng giới trong đơn vị mình. Nếu cho lãnh đạo các trường ĐH một lời khuyên trong vấn đề bình đẳng giới, các chuyên gia sẽ nói điều gì?
Bà Cara Ellickson: Khi lãnh đạo các trường nhận biết được tầm quan trọng của bình đẳng giới trong lĩnh vực ĐH, họ cần phải có sự hỗ trợ nhất định cho các cán bộ, giảng viên của trường cũng như tạo ra các mạng lưới để có thể khuyến khích đảm bảo có sự cam kết về bình đẳng giới. Một khi các nhân viên, lãnh đạo trong tổ chức cảm thấy việc đòi hỏi công bằng giới là quan trọng, họ sẽ tìm kiếm sự thay đổi, thúc đẩy bản thân là một phần để tạo ra sự thay đổi.
Mỗi người cần sẵn sàng chấp nhận thách thức, vượt qua khó khăn để có thể đạt được bình đẳng giới. Công việc này không hề dễ dàng, nhưng sự thay đổi để đạt được công bằng giới rất cần thiết đối với các trường ĐH, đặc biệt là các trường ĐH ở khu vực miền núi phía Bắc. Để hỗ trợ những thế hệ lãnh đạo trẻ tiếp theo, cần đảm bảo chỉ tiêu 50/50 – có 50% sự có mặt của phụ nữ ở tất cả các cấp độ, vị trí khác nhau. Cần phải thể hiện sự bình đẳng không chỉ đối với các sinh viên mà còn cần bình đẳng trong những cách mà trường ĐH thực hiện trong quá trình giảng dạy, ở các vị trí lãnh đạo.
* Xin cảm ơn các chuyên gia về cuộc trao đổi!