Trả lời PV ngày 24.4, PGS-TS Nguyễn Tiến Dũng – chuyên gia nhi khoa, nguyên Trưởng khoa Nhi (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, sản phẩm bỉm dành cho trẻ em phải đạt được các tiêu chuẩn vô trùng, thông thoáng, độ thấm hút tốt, chống hăm, chống tràn… Nếu là bỉm giả, giá thành thấp thì khó có thể đạt được chất lượng như vậy.
Điều này có thể khiến trẻ dễ bị hăm, dị hứng, viêm nhiễm, thậm chí viêm nhiễm đường sinh dục. Nếu bỉm không vô trùng, bị nhiễm khuẩn thì có thể gây nhiễm trùng huyết, nguy hiểm đến tính mạng của trẻ.
Bỉm giả (trái) và bỉm thật không có gì khác nhau
Gói bỉm giả (phải) và bỉm thật không thể phân biệt nổi
PGS Dũng nhận định, để biết được tác hại của bỉm giả với sức khỏe của trẻ đến đâu thì phải xét nghiệm xem bỉm đó có các thành phần gì, có tiệt trùng không, có chất hóa học nào có hại nào không?.
“Nếu bỉm giả không đạt được tiêu chuẩn vô trùng, độ thấm hút, thông thoáng tốt thì bằng mắt thường có thể thấy trẻ bị dị ứng, viêm da, sẩn ngứa. Nước tiểu không được thấm hút tốt, bỉm dùng trong thời gian dài đối với làn da của trẻ rất có hại”- PGS Dũng cho biết.
Theo TS Dũng, trong quá trình điều trị, ông gặp khá nhiều trường hợp trẻ bị hăm đỏ nghiêm trọng, da bị tổn thương, lở loét cha mẹ mới đưa con đi viện để điều trị, ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ.
Vì vậy, cha mẹ không nên chủ quan khi thấy con bị hăm đỏ. Khi cha mẹ thấy vùng đeo bỉm của trẻ bị hăm đỏ, sẩn ngứa, trẻ khó chịu, quấy khóc thì nên dừng dùng bỉm, thường xuyên lau khô cho trẻ, khi rửa nên nhẹ nhàng, tránh trầy xước.
Nếu trẻ gặp tình trạng vết hăm đỏ không cải thiện hoặc tái diễn liên tục, trẻ sốt nóng, vùng da bị hăm, phồng rộp, mưng mủ, cháy máu hoặc chai cứng thì có thể trẻ bị nhiễm khuẩn.
Vì vậy, cha mẹ nên đưa con đi bệnh viện ngay để được khám và điều trị, tránh vết hăm lan rộng tới bộ phận sinh dục của trẻ, khi đó việc điều trị càng khó khăn.
Cơ quan công an Hà Nội thu giữ tại chỗ 140000 chiếc bỉm giả
Trước đó, cơ quan chức năng Hà Nội đã phát hiện một cơ sở sản xuất bỉm trẻ em tại thôn Lại Hoàng, xã Yên Thường, huyện Gia Lâm, do Đặng Thành Lâm (SN 1977), làm chủ.
Tại thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng xác định có 1 máy nén, đẩy sản phẩm do Trung Quốc sản xuất; 1.740 bịch tã quần nhãn hiệu “Bobby” đã thành phẩm; 122.000 miếng tã quần chưa đóng gói; 4 kg tem sản phẩm; 360 kg túi nilon trắng và 105 kg bao bì sản phẩm nhãn “Bobby”.
Đặng Thành Lâm khai nhận cơ sở sản xuất bỉm trẻ em này không có giấy đăng ký kinh doanh sản xuất hàng hóa, và thừa nhận đã mua bỉm trẻ em trôi nổi tại Trung Quốc về đóng gói, giả nhãn hiệu Bobby để bán kiếm lời.