Xuất hiện trong bài báo “Anh hùng giáo dục đầu tiên của Việt Nam và lá thư viết bằng máu” dung dị như chính cuộc đời, con người của mình, nhà giáo Nguyễn Văn Bôn cuốn người đọc vào những việc với ông là bình thường nhưng với chúng tôi thì quá đỗi phi thường.
Qua tay viết sắc sảo, chuyên nghiệp và đầy cảm xúc của nhà báo Đỗ Doãn Hoàng, anh hùng Nguyễn Văn Bôn giống như một “tượng đài” về sự cống hiến lớn lao cho ngành giáo dục, cho người dân và học trò vùng cao…
Nhà giáo Nguyễn Văn Bôn sinh năm 1937 ở vùng quê Bắc Ninh, năm 22 tuổi đã xung phong ngược lên nơi rừng xanh núi đỏ với lòng nhiệt huyết, lý tưởng của tuổi trẻ để góp sức vào công cuộc xóa mù chữ...
Nhờ những nỗ lực không ngừng nghỉ của nhà giáo giàu lòng tâm huyết, năm 1963, Mù Cả là xã đầu tiên của rẻo cao phía bắc được ghi nhận đã xóa nạn mù chữ. Bộ trưởng Bộ Giáo dục Nguyễn Văn Huyên khi đó đã biểu dương, thầy Bôn là “cha đẻ” của mô hình nuôi học sinh tại nhà dân ở miền Bắc.
5 năm sau ngày thầy Bôn lên dựng trường, Mù Cả trở thành gương sáng hàng đầu về giáo dục của miền núi nước ta. Đó từng là điều không tưởng với một vùng đất mông muội, tách biệt phía sau thăm thẳm núi cao mây mù với cộng đồng dân tộc Hà Nhì từng được gọi là “U ní” (mông muội).
Tháng 6/1962, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký tuyên dương Anh hùng Lao động đầu tiên của ngành giáo dục nước Việt Nam mới trao tặng thầy giáo Nguyễn Văn Bôn.
Kể lại quãng thời gian “cõng” chữ lên vùng cao, nhà giáo Nguyễn Văn Bôn bộc bạch: Đó là quãng thời gian “trải nghiệm” đáng nhớ nhất trong cuộc đời của tôi. Tôi yêu công việc dạy học, trân quý những người dân bản và học trò nơi “sơn cùng thủy tận” nhưng không ngại khó, ngại khổ quyết tâm học chữ.
“Đội ngũ nhà giáo hôm nay phải chịu không ít tác động của cơ chế thị trường, chỉ mong các thầy cô luôn giữ gìn sự trong sáng của nghề dạy học, hãy giành những gì tốt đẹp nhất vì HS thân yêu…”- Nhà giáo Anh hùng tâm tình.