'Biết rồi, khổ lắm, nói mãi'…

GD&TĐ - Dạy thêm, học thêm là chuyện “biết rồi, khổ lắm, nói mãi”. 

Ảnh minh họa ITN.
Ảnh minh họa ITN.

Cũng dễ hiểu, bởi đây là vấn đề thu hút sự quan tâm của dư luận và trở thành vấn nạn khiến nhiều phụ huynh bức xúc.

Thực tế cho thấy, học thêm, dạy thêm là nhu cầu có thật. Xét trên phương diện thị trường, có cầu ắt có cung. Khi học sinh có nhu cầu học thêm, phụ huynh kỳ vọng và mong muốn con em có kiến thức vững vàng sẽ có các thầy, cô giáo sẵn sàng đồng hành, giúp sức.

Song làm sao để dạy thêm, học thêm thực sự mang ý nghĩa nhân văn, thiết thực và không biến tướng thành hiện tượng xấu trong xã hội thì không phải thầy, cô nào cũng làm được. Bộ GD&ĐT đã đưa ra nguyên tắc: Hoạt động dạy thêm, học thêm phải góp phần củng cố, nâng cao kiến thức, kỹ năng, giáo dục nhân cách của học sinh; phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý và không gây nên tình trạng vượt quá sức tiếp thu của người học.

Giáo viên không cắt giảm nội dung trong chương trình giáo dục phổ thông chính khoá để đưa vào giờ dạy thêm; không dạy thêm trước những nội dung trong chương trình chính khoá. Đối tượng học thêm là học sinh có nhu cầu thực sự, tự nguyện học và được gia đình đồng ý. Đặc biệt, giáo viên, cơ sở giáo dục không được dùng bất cứ hình thức nào để ép buộc gia đình, học sinh học thêm.

Không tổ chức lớp dạy thêm, học thêm theo các lớp học chính khóa; học sinh trong cùng một lớp dạy thêm, học thêm phải có học lực tương đương; khi xếp học sinh vào các lớp phải căn cứ trên học lực học sinh. Tổ chức, cá nhân nào tổ chức hoạt động dạy, học thêm phải chịu trách nhiệm về các nội dung đăng ký và xin phép hoạt động.

Nếu thực hiện theo nguyên tắc trên thì không có gì phải bàn, đáng nói nhiều thầy, cô giáo, cơ sở giáo dục lại đang “lạm dụng” nhu cầu chính đáng của phụ huynh, học sinh để “lách luật” tổ chức dạy thêm nhằm gia tăng thu nhập. Theo thông lệ, vấn đề này lại rộ lên vào đầu năm học. Tại buổi họp phụ huynh, cùng với các loại quỹ, có cho con học thêm hay không là câu hỏi luôn khiến phụ huynh trăn trở.

Không ngẫu nhiên dư luận cho rằng, dạy thêm, học thêm trở thành vấn nạn, càng không phải bỗng dưng các địa phương phải đưa ra giải pháp chấn chỉnh tình trạng này. Tuy nhiên, những bất cập cần được “trị tận gốc”. Việc các địa phương đưa ra văn bản này, chỉ đạo kia cũng chỉ là giải quyết phần ngọn.

Thực tế cho thấy, dạy thêm, học thêm phải nhìn với góc độ khác. Khi nào chưa giải quyết được cốt lõi vấn đề lương, thu nhập của giáo viên thì buộc các thầy, cô giáo phải bươn chải để đảm bảo cuộc sống. Và vấn nạn này vẫn là thách thức. Dạy thêm, học thêm tiếp tục là câu chuyện “biết rồi, khổ lắm, nói mãi”.

Cũng có ý kiến cho rằng, các cơ sở giáo dục cần tiếp tục đổi mới phương pháp giảng dạy, hướng đến phát huy phẩm chất, năng lực, khả năng tư duy, sáng tạo của học sinh; đồng thời tiếp tục cải tiến phương pháp thi cử tránh đặt nặng vào điểm số hay thành tích.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

PGS.TS Đỗ Duy Cường thăm khám cho bệnh nhân mắc sởi. Ảnh: BVCC

Gia tăng bệnh sởi ở người lớn

GD&TĐ - Gần đây, số ca mắc sởi có xu hướng gia tăng trên phạm vi nhiều tỉnh, thành phố, đặc biệt ở những nơi đông dân cư.