Dạy thêm, học thêm: Loại bỏ từ ý thức người lớn

GD&TĐ - Để hạn chế tối đa vi phạm dạy thêm học thêm dịp hè trong đội ngũ giáo viên, thì các nhà trường cần đẩy mạnh công tác quản lý, nhắc nhở giáo viên, tuyên truyền nâng cao ý thức phụ huynh.

Học sinh cần được nghỉ ngơi sau 1 năm học tập. Ảnh: IT
Học sinh cần được nghỉ ngơi sau 1 năm học tập. Ảnh: IT

Nhà trường tăng cường quản lý

Tại Hà Nội, Sở GD&ĐT đã có văn bản chỉ đạo quyết liệt với hoạt động dạy thêm, học thêm trong hè. Với tinh thần đó, tại Trường Tiểu học Trần Phú (Sơn Tây, Hà Nội), trong cuộc họp tổng kết trước khi nghỉ hè, Ban giám hiệu chia sẻ các quy định, nội dung, chỉ đạo về vấn đề trên tới từng giáo viên để tiếp tục nghiên cứu, nắm rõ. Đồng thời quán triệt thực hiện nghiêm túc các quy định; phân công giáo viên đôn đốc, hỗ trợ cụm sinh hoạt hè học sinh trên địa bàn… Tránh tình trạng trường quản chặt, địa phương lơi lỏng để giáo viên lợi dụng.

Cô Nguyễn Thị Phi Nga, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trần Phú (Sơn Tây, Hà Nội) cho rằng: Để quản lý hoạt động này chỉ đẩy mạnh quản lý với giáo viên chưa đủ, trường còn chủ động thông báo tới ban phụ huynh các lớp định hướng giáo dục trong hè. Theo đó việc dạy thêm học thêm không được tổ chức, giáo viên không dạy thêm. Chỉ khuyến khích học sinh tham gia lớp năng khiếu, tiếng Anh tại nhà văn hóa, cung thiếu nhi của địa phương… Với giáo viên cố tình vi phạm sẽ có biện pháp xử lý nghiêm để đảm bảo răn đe, không tái phạm.

Cô Trần Thị Minh Chung, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Bắc Cường, thành phố Lào Cai (Lào Cai) cũng bày tỏ sự quyết liệt của nhà trường trong công tác quản lý, hạn chế tối đa tình trạng dạy thêm, học thêm trái phép dịp hè. Theo đó, bên cạnh quán triệt các văn bản chỉ đạo cấm dạy thêm, học thêm đến giáo viên, trường còn giao Ban kiểm tra nội bộ, Ban thanh tra nhân dân thường xuyên kiểm tra và có biên bản với hoạt động này.

Hơn thế, để loại bỏ tận “gốc”, trong năm học trường tổ chức hoạt động tự nguyện: Giáo viên kèm miễn phí cho học sinh chưa hoàn thành chương trình 30 - 40 phút vào cuối giờ các buổi học trong tuần. Lớp nào học sinh năng lực học tập tốt, đảm bảo được kiến thức yêu cầu chung, giáo viên không phải hỗ trợ. Hàng tháng, nhà trường khảo sát chất lượng, nếu học sinh không hoàn thành chương trình, giáo viên sẽ phụ đạo miễn phí trong hè.

“Dù hỗ trợ kiến thức miễn phí trong năm học hoặc hè thì giáo viên vẫn triển khai trên tinh thần tự nguyên, không thu phí và có sự giám sát của Ban kiểm tra nội bộ, Ban thanh tra nhân dân…”, cô Chung trao đổi.

Với Ban giám hiệu Trường Tiểu học Hồng Hà (Hoàn Kiếm, Hà Nội), bên cạnh phổ biến các văn bản liên quan đến vấn đề cấm dạy thêm học của ngành, sở còn in và dán công khai quy định lên bảng tin nhà trường để phụ huynh nắm bắt, hiểu quy định. Khuyến khích phụ huynh tố cáo nếu giáo viên chủ nhiệm hoặc giáo viên của trường cố tình tổ chức, vi phạm quy định để nhà trường xử lý. Nhà trường sẽ xem xét tất cả đơn tố cáo (kể cả không ký tên đích danh) gửi tới trường về sai phạm của giáo viên.

Tại Trường Tiểu học Phong Khê (thành phố Bắc Ninh, Bắc Ninh), trước khi nghỉ hè nhà trường yêu cầu từng giáo viên ký cam kết không dạy thêm, học thêm. Mặt khác, trường động viên giáo viên dành thời gian nghỉ ngơi sau một năm dạy học vất vả do ảnh hưởng dịch bệnh, chuẩn bị sức khỏe để đảm bảo hoạt động tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn và bước vào năm học mới.

“Học sinh tiểu học học 2 buổi/ngày, cuối năm đã hoàn thành các mục tiêu chương trình đề ra. Do đó nhà trường sẽ theo dõi, quản lý sát sao giáo viên trong hoạt động này dạy thêm, học thêm trái quy định. Mọi trường hợp sai phạm sẽ xử lý…”, cô Nguyễn Thị Thủy, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phong Khê khẳng định.

Học sinh chuẩn bị vào lớp 1 không phải học trước chương trình vẫn đảm bảo học tốt. Ảnh: IT
Học sinh chuẩn bị vào lớp 1 không phải học trước chương trình vẫn đảm bảo học tốt. Ảnh: IT

Khó ép buộc khi cha mẹ có lập trường vững vàng

Cô Vũ Trinh Hương, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hồng Hà (Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho rằng: Dạy thêm, học thêm hè (nếu diễn ra) bởi có sự chủ động, đồng tình từ 2 phía là giáo viên và phụ huynh. Người dạy có thể xuất phát từ nhu cầu mưu sinh, phụ huynh có nhu cầu cho con học, người không có nhu cầu nhưng vẫn im lặng làm theo sai phạm mà không dám lên tiếng. Do đó, nếu không nâng cao ý thức cho cả giáo viên và phụ huynh với dạy thêm, học thêm thì khó loại bỏ hoạt động này trong hè.

Chỉ ra thực tế khiến dạy thêm, học thêm trái quy định vẫn tồn tại, cô Trần Thị Minh Chung nhìn nhận: Nhiều bố mẹ không muốn kèm con tại nhà (đi làm cả ngày, tối mệt mỏi ngại việc kèm con; một số phụ huynh không có thời gian…) nên xin cô cho trẻ được học thêm như một hình thức nhờ trông. Xu hướng khác, vì bố mẹ muốn con tham gia các cuộc thi và đạt giải cao. Trong khi đó ở lớp giáo viên không đủ thời gian để kèm học sinh các kiến thức nâng cao nên tìm đến lớp học thêm. “Do đó, loại bỏ dạy thêm, học thêm nên bắt đầu từ nâng cao ý thức phụ huynh trong vấn đề giáo dục…”, cô Chung khẳng định.

Ông Hà Huy Giáp, Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học (Sở GD&ĐT Bắc Giang) cho biết: Ngoài quán triệt các văn bản về dạy thêm, học thêm, Thanh tra Sở GD&ĐT sẽ kết hợp với phòng GD&ĐT các thành phố, huyện, thị xã để tăng cường kiểm tra hoạt động dạy thêm học thêm trong hè. Việc xử lý sẽ dựa trên mức độ vi phạm của giáo viên ở thời điểm thực tế…

Tuy nhiên, ông Giáp cũng cho rằng, tình trạng dạy thêm, học thêm trái quy định cơ bản diễn ra ở các thành phố, thị trấn khi phụ huynh luôn có tâm lý hơn thua, cho con học trước chương trình; ôn luyện cho cuộc thi lớn; mong muốn con phải xuất sắc hơn các bạn cùng lớp, trường… Vì vậy, nhà trường bên cạnh quán triệt giáo viên cũng cần nâng cao ý thức, nhận thức cho phụ huynh.

“Phụ huynh cần mạnh dạn, dám cho con ở nhà dù giáo viên gợi ý hoặc cố ý tổ chức lớp học thêm; Không sợ tố cáo nếu giáo viên thực hiện sai quy định dưới nhiều hình thức. Không vì quan hệ xã hội mà ngại ngần, hoặc sợ ảnh hưởng tới trẻ sau này mà “cam chịu”. Cho con học thêm không xuất phát từ nhu cầu chính đáng, chỉ vì thấy gia đình khác cho con đi học cũng làm theo sẽ làm khổ học sinh, tạo điều kiện để giáo viên vi phạm...”, cô Hương nhấn mạnh.  

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhà thơ Mai Văn Phấn đọc thơ tại Thư viện Stockholm, Thụy Điển. Ảnh: NVCC

Khi thơ đương đại vẫy gọi, quyến rũ

GD&TĐ - Sáng tác thơ trong bối cảnh hiện nay, khi các nguyên tắc cổ điển ngày càng được nới lỏng để phù hợp với sự thay đổi trong tư duy và thị hiếu thẩm mỹ