“Biệt phái” giảng viên xuống cơ sở

GD&TĐ - Đó là gợi ý của giảng viên Trương Thị Mỹ Dung - Khoa Giáo dục chính trị và Công tác xã hội (Trường ĐH Đồng Tháp) với mong muốn nâng cao kiến thức thực tiễn cho đội ngũ giảng viên trong trường đại học.

“Biệt phái” giảng viên xuống cơ sở

Theo giảng viên này, việc nâng cao kiến thức thực tiễn cho giảng viên vô cùng quan trọng, nhưng không thể thực hiện ngay lập tức.

Nhận thức của con người phải được tích lũy qua một quá trình liên tục, lâu dài, bởi vậy cần có nhiều giải pháp đồng bộ để giúp cho giảng viên, nhất là giảng viên trẻ, có cơ hội thâm nhập thực tế để nâng cao kiến thức thực tiễn.

Giảng viên được phân công xuống công tác ở cơ sở vẫn tiếp tục giảng dạy một số bài như là một giảng viên thỉnh giảng của trường, vừa để không bị gián đoạn giảng dạy vừa để từng bước đưa kiến thức thực tiễn thu nhận được vào bài giảng.

Giảng viên Trương Thị Mỹ Dung

Đối với giảng viên trẻ mới vào nghề, cần có thời gian tiếp cận, nắm bắt tình hình hoạt động ở cơ sở, va chạm thực tế, tích lũy kinh nghiệm, vốn sống.

“Đối tượng này nên được đưa xuống tham gia công tác ở cơ sở với tư cách là một cán bộ tuyên giáo, tổ chức, kiểm tra hay cán bộ chuyên môn của ủy ban nhân dân (hỗ trợ thêm về nhân sự cho cơ sở) khoảng một vài năm” - ThS Trương Thị Mỹ Dung đề xuất.

Đối với giảng viên tuổi đời còn trẻ, có phẩm chất, năng lực làm lãnh đạo, quản lý, ThS Trương Thị Mỹ Dung cho rằng cần đưa xuống tham gia cấp ủy cơ sở một nhiệm kỳ, giữ chức vụ phó bí thư hay chủ tịch, phó chủ tịch hội đồng nhân dân, ủy ban nhân dân cấp xã.

Tuy nhiên, đây là vấn đề khó vì liên quan đến nhân sự cấp ủy, chính quyền, đến sự tín nhiệm của cán bộ đảng viên và nhân dân nơi công tác, đến khả năng hoàn thành nhiệm vụ của người được luân chuyển xuống cơ sở.

Nên, phải có sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, sự phối hợp chặt chẽ giữa Trường với Ban Tổ chức Tỉnh ủy và cấp ủy địa phương nơi giảng viên luân chuyển đến công tác.

Giảng viên luân chuyển xuống cơ sở, khi hết nhiệm kỳ công tác trở về Trường nhận nhiệm vụ, nếu hoàn thành tốt nhiệm vụ trong nhiệm kỳ công tác thì đưa vào quy hoạch, bổ nhiệm chức vụ cao hơn.

Nhưng điều quan trọng hơn, với cách làm này Trường sẽ có một lực lượng giảng viên nòng cốt có đủ khả năng kết hợp lý luận với thực tiễn trong giảng dạy và giảng dạy về kỹ năng lãnh đạo, quản lý cho cán bộ cơ sở.

Để tạo điều kiện thuận lợi cho giảng viên và cơ sở tiếp nhận, lương cùng các chế độ khác của giảng viên được giữ nguyên do trường chi trả; về nhân sự do đơn vị cơ sở quản lý như một cán bộ, công chức của đơn vị.

6 lưu ý khi bố trí giảng viên đi nghiên cứu thực tế

Khẳng định nghiên cứu thực tế là một nhiệm vụ không thể thiếu, giảng viên Trương Thị Mỹ Dung cho rằng, để công tác này đạt hiệu quả, cần lưu ý:

Thứ nhất, việc bố trí giảng viên đi nghiên cứu thực tế dài ngày tại cơ sở phải đảm bảo được mục tiêu đặt ra và cân đối, hợp lý đối với giảng viên được cử đi, với đơn vị chủ quản và với việc thực hiện nhiệm vụ công tác chung của trường. Đồng thời, không làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của cơ sở.

Thứ hai, các giảng viên được bố trí nghiên cứu tại cơ sở phải tuyệt đối chấp hành sự phân công nhiệm vụ của chính quyền cơ sở và tích cực tham gia các hoạt động như cán bộ của địa phương; đảm bảo kỷ luật phát ngôn, tuân thủ nội quy, quy chế của cơ sở.

Thứ ba, cần có chế độ, chính sách cụ thể đối với giảng viên đi thực tế dài ngày tại cơ sở đảm bảo cho các giảng viên này yên tâm nghiên cứu.

Thứ tư, phải có chế độ khen, chê rõ ràng: Giảng viên có kết quả nghiên cứu thực tế tốt sẽ được xét thi đua, khen thưởng theo quy định; trường hợp vi phạm quy định về nghiên cứu thực tế, sẽ chịu hình thức và mức kỷ luật theo quyết định của Hội đồng kỷ luật nhà trường.

Thứ năm, giảng viên đi thực tế phải xây dựng kế hoạch nghiên cứu của cá nhân thật cụ thể. Đi nghiên cứu thực tế gắn với nghiên cứu đề tài khoa học phục vụ cho công tác giảng dạy nói riêng, đào tạo của Trường nói chung là rất cần thiết và bổ ích. Trong thời gian thực tế tại cơ sở, nghiêm túc học tập, nghiên cứu thực tế, chịu sự phân công, chỉ đạo trực tiếp của lãnh đạo cơ sở.

Thứ sáu, kết thúc thời gian nghiên cứu thực tế, giảng viên phải viết báo cáo thu hoạch có xác nhận của cơ sở để gửi khoa chủ quản đánh giá và gửi kết quả về cơ quan chủ quản.

Giảng viên Trương Thị Mỹ Dung cũng cho rằng, giảng viên phải được thường xuyên tham dự các cuộc họp, các cuộc hội nghị triển khai các chủ trương, các qui định mới, các cuộc hợp các cuộc hội nghị sơ kết, tổng kết các mặt hoạt động của các cơ quan Đảng, các cơ quan nhà nước, các đoàn thể.

Thực tế cho thấy nhiều giảng viên chỉ hiểu những quan điểm, qui định chung của Trung ương mà không hiểu rõ những qui định cụ thể của địa phương, và việc vận dụng cụ thể ở địa phương bởi vì không được dự các cuộc hợp, các cuộc hội nghị ở địa phương.

Bên cạnh đó, việc thường xuyên tiếp xúc với các phương tiện thông tin đại chúng cũng vô cùng quan trọng để giảng viên hiểu tình hình thời sự, cập nhật kiến thức mới, mở rộng kiến thức....

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ