Rèn nghề cho sinh viên sư phạm

GD&TĐ - Trong chương trình đào tạo giáo viên Ngữ văn của các trường đại học sư phạm, bên cạnh trang bị các tri thức khoa học cơ bản (văn học, ngôn ngữ), tri thức liên quan đến nghề dạy học (tâm lý giáo dục, phương pháp dạy học) đóng vai trò hết sức quan trọng.

Rèn nghề cho sinh viên sư phạm

Để biến các tri thức thành kỹ năng, việc rèn luyện nghiệp vụ sư phạm cho sinh viên cần phải được đặc biệt quan tâm.

Nhiều bất cập trong rèn nghề

Theo ThS Đặng Hoàng Oanh - Giảng viên khoa Ngữ văn (Trường ĐH Vinh), những bất cập trong việc rèn nghề cho sinh viên đã từng được nói nhiều, nhưng chưa bao giờ mất tính thời sự.

Thứ nhất, chương trình đào tạo vẫn mang nặng tính hàn lâm. Trong quãng thời gian 4 năm ngồi trên ghế nhà trường, sinh viên phải “tiêu hóa” một hệ thống kiến thức khá lớn.

Thực tế cho thấy, phần đa sinh viên luôn tất bật “chạy theo” chương trình học để “trả nợ tín chỉ”. 

Đó là chưa nói đến sự khập khiễng giữa lý thuyết với thực hành. Cho nên, không có gì khó hiểu khi phần lớn sinh viên sư phạm bộc lộ nhiều non yếu về kỹ năng nghề nghiệp.

Hệ thống tri thức đó gồm môn chung và môn riêng, môn cơ sở và môn chuyên ngành, môn tự chọn, môn bắt buộc...

Những môn chung hay môn cơ sở thường được phân bố ở thời gian đầu của khóa học, với lượng kiến thức không phải là nhỏ (có những môn, thậm chí kéo dài ở những học kì sau).

Sang năm thứ 3, năm thứ 4, sinh viên sư phạm càng phải đối diện với những môn học mang tính chất chuyên môn hóa cao, yêu cầu về tìm tòi và nghiên cứu tư liệu, giáo trình vì thế càng khắt khe.

“Dĩ nhiên, không thể phủ nhận rằng, chất lượng của sinh viên sư phạm cũng phụ thuộc một phần ở những kiến thức cơ bản mà họ được tiếp thu. 

Nhưng, nếu kiến thức mang nặng tính hàn lâm có phần lấn át những tri thức gắn với nghiệp vụ sư phạm thì hệ quả có khi ngược lại với mục đích đào tạo” – ThS Đặng Hoàng Oanh nhận định.

Cũng theo giảng viên này, việc đào tạo theo hình thức tín chỉ gây áp lực không nhỏ cho sinh viên so với hình thức đào tạo theo niên chế như trước đây. 

Thứ hai, thời gian dành cho việc rèn nghề của sinh viên chưa thích đáng. Thời gian dành cho hoạt động tập giảng không nhiều, đã vậy, thời gian thực hành lại được phân bố vào cuối khóa học.

Trong khoảng thời gian ít ỏi, mỗi sinh viên chỉ được tập giảng một tiết để nhận sự đánh giá của giáo viên, do vậy, việc hình thành những kĩ năng, tác phong, nghiệp vụ sư phạm là điều xa vời.

Chính cách tổ chức bố trí thời gian tập giảng quá gấp gáp và ít ỏi cũng là một nguyên nhân dẫn đến sự non yếu trong nghiệp vụ của sinh viên.

Dừng lại bàn thêm về hoạt động tập giảng của sinh viên, ThS Đặng Hoàng Oanh cho biết, qua nhiều năm tham gia hướng dẫn, đánh giá việc tập giảng của sinh viên, thực trạng chung mà sinh viên sư phạm gặp phải đó chính là sự non yếu về phương pháp dạy học.

Giảng viên này đặt câu hỏi: Tại sao sinh viên sư phạm hiện nay lại yếu về khâu thực hành như thế trong khi các em đã được học hết những học phần của ngữ và văn, lý luận văn học, và đặc biệt là bộ môn phương pháp?

Tại sao có những sinh viên học rất khá, nhưng lại không thể thực hiện một bài dạy chỉn chu, bài bản đúng như yêu cầu của chương trình phổ thông?

Trong tập giảng, sinh viên thường mắc một số lỗi khá phổ biến, chẳng hạn, không kiểm soát được thời gian dạy học; không có sự chủ động trong hoạt động dạy học, giao tiếp với học sinh còn hạn chế khiến bài dạy có rất nhiều thời gian chết và những “điểm mù”; trình bày bảng luộm thuộm; chưa biết cách kết hợp giữa nói và viết...

Bỡ ngỡ khi tiếp xúc với chương trình phổ thông

Những hạn chế nêu, nguyên nhân, theo ThS Đặng Hoàng Oanh, là do sinh viên còn bỡ ngỡ khi tiếp xúc với chương trình phổ thông. Chính vì còn bỡ ngỡ khi làm việc với sách giáo khoa Ngữ văn nên sinh viên thường phụ thuộc nhiều vào những tài liệu thiết kế bài giảng.

Hiện nay, tài liệu thiết kế bài giảng được bày bán trên thị trường rất nhiều. 

Một số cuốn sách thiết kế được các nhà soạn sách uy tín biên soạn sẽ là tư liệu hết sức cần thiết để sinh viên tham khảo cách soạn giáo án. 

Tuy nhiên, bên cạnh đó có không ít những tài liệu được viết ra nhằm mục đích thu lợi nhuận, không đảm bảo chất lượng, thậm chí phản tác dụng nếu nhìn từ góc độ phương pháp.

Không thể phủ nhận rằng, đối với những sinh viên sư phạm lần đầu soạn giáo án để đứng lớp, những tài liệu tham khảo tốt sẽ giúp định hướng rất nhiều. 

Nhưng nếu quá phụ thuộc vào chúng, người dạy sẽ mất đi tính tích cực chủ động và sự linh hoạt khéo léo khi xử lý bài dạy. Hệ quả của điều đó chính là sự lúng túng và phụ thuộc nhiều vào giáo án khi dạy học.

Một nguyên nhân khác là sinh viên thiếu sự đam mê với nghề, thiếu sự nhiệt huyết với công việc. Đôi khi, áp lực của lần đầu tiên đứng lớp (áp lực về việc đảm bảo thời gian, áp lực về chuẩn kiến thức, áp lực trong việc giao tiếp với học sinh) khiến sinh viên sư phạm tự gò mình vào những khuôn mẫu cứng nhắc.

“Chúng tôi nhận thấy hầu hết các em chỉ làm tròn vai của mình thôi chứ chưa thực sự nhập cuộc với sự hứng khởi và say mê. Hiện nay, rất nhiều sinh viên có ý thức sử dụng các phương tiện dạy học trực quan để minh họa cho tiết dạy của mình, đồng thời áp dụng những phương pháp dạy học tích cực.

Tuy nhiên, chỉ một số ít sinh viên biết cách sử dụng những dụng cụ dạy học một các hiệu quả, phát huy tối đa vai trò của nó, còn lại chỉ mang tính chất hình thức, đối phó” – Giảng viên Oanh nhận định.

Một nguyên nhân khác được giảng viên này đưa ra là khả năng sử dụng ngôn ngữ nói của sinh viên còn nhiều hạn chế.

Ngôn ngữ trong dạy học có nét đặt trưng so với những nghề khác, đó là ngôn ngữ diễn giảng kết hợp với ngôn ngữ đối thoại trực tiếp với người học. 

Ngoài sự hoạt ngôn, khả năng lập luận, sự biểu cảm, người dạy còn phải biết linh hoạt ứng biến trước các tình huống giao tiếp với học sinh.

Đây là kĩ năng mềm mà bất kì sinh viên nào cũng phải trau dồi, bồi dưỡng. Hoạt động rèn luyện nghiệp vụ sư phạm cũng hướng đến kĩ năng này. Trong những nội dung của cuộc thi nghiệp vụ sư phạm hằng năm, không bao giờ thiếu phần thi diễn thuyết, hùng biện.

Nhưng ở phần thi này, thường diễn giả đã học thuộc lòng bài viết về một chủ đề cho trước, nên tác dụng rèn luyện không cao. Vì thế, ngay cả những diễn giả từng đạt điểm cao khi thi hùng biện, lúc đứng lớp, vẫn bộc lộ nhiều nhược điểm: Nói không linh hoạt, thiếu sự chủ động trong xử lý các tính huống sư phạm.

Tổ chức lại hoạt động rèn nghề

Đưa ra giải pháp, ThS Đặng Hoàng Oanh cho rằng, vấn đề quan trọng nhất chính là tổ chức lại hoạt động rèn nghề sao cho hiệu quả đối với mỗi sinh viên chứ không chỉ có ích đối với một nhóm nổi bật.

Hãy biến những cuộc thi nghiệp vụ sư phạm thành những diễn đàn rèn nghề, nơi mỗi sinh viên đều được thể hiện quan điểm của mình, đều được tham gia thử sức.

Cần phải tổ chức những chuyến thực tế của giảng viên khoa sư phạm tới các trường THPT nơi sinh viên đang thực tập nghề để dự giờ, đánh giá, từ đó có cái nhìn toàn diện về khả năng thích ứng của các em ở môi trường trung học cũng như những cái được - chưa được trong việc dạy học.

Chẳng hạn, việc tổ chức cuộc thi viết bảng hoặc soạn giáo án trong khắp sinh viên khoa sư phạm sẽ là một phong trào có ý nghĩa khích lệ tinh thần tham gia tích cực chủ động của các em.

Đối với hoạt động tập giảng và thực tập, kiến tập, theo ThS Đặng Hoàng Oanh, cần phải “tích hợp” nhiều giải pháp cụ thể, đa chiều, từ nhiều cấp hữu quan. Cụ thể, cần phải tạo ra một môi trường “thuần sư phạm” trong đào tạo. 

Một mặt, nâng cao tiêu chí, vai trò, nhiệm vụ của một khoa sư phạm, mặt khác, phải tăng cường những học phần phương pháp hay những học phần mang đậm “tính chất sư phạm” trong đào tạo để sinh viên có điều kiện được bồi dưỡng những tri thức ngành cần thiết. 

Phải đảm bảo sự cân xứng giữa khoa học cơ bản ngành và khoa học giáo dục.

Thiết lập mối liên kết giữa chương trình phổ thông và chương trình đại học. 

Chẳng hạn ở mỗi học phần như Văn học Việt Nam, Văn học nước ngoài, Ngôn ngữ hay Lý luận văn học, giảng viên nên có thói quen liên hệ thực tế nội dung của phân môn mình với những nội dung được biên soạn trong sách giáo khoa ở chương trình phổ thông.

Như thế, một mặt, sinh viên sẽ được tiếp xúc với chương trình phổ thông sớm hơn, nhiều hơn mặt khác những tri thức về ngữ, về văn sẽ là nền tảng vững chắc cho việc tiếp cận, phân tích những tác phẩm trong sách giáo khoa sau này.

"Cũng cần phân bố thời gian đồng đều cho hoạt động tập giảng của sinh viên. Nên cho sinh viên sư phạm tiếp xúc với công việc đứng lớp từ năm thứ hai, thứ ba ở đại học chứ không nên để đến năm thứ tư mới tổ chức hoạt động tập giảng cho sinh viên" - ThS Đặng Hoàng Oanh lưu ý thêm.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ