Biết ơn cả những lời "nói nặng"

GD&TĐ - Tiến lên hay dừng lại, đối diện hay chạy trốn? Tất cả là sự lựa chọn của chúng ta.

Ảnh minh họa: ITN.
Ảnh minh họa: ITN.

Cha mẹ và thầy cô hãy dạy trẻ luôn dũng cảm đối diện, đồng thời biến những khen – chê thường tình thành động lực vươn lên trong cuộc sống.

Đối diện chỉ trích – tôi rèn bản lĩnh

Theo ThS Phạm Thị Mai Vui - giảng viên Trường Đại học Hà Nội: Lời chỉ trích, phê phán, bản thân nó mang năng lượng tiêu cực. Vì thế, đương nhiên không ai thấy dễ chịu và muốn nghe. Ngay cả khi chính bạn là người rất tích cực và ôn hòa, không mấy khi đưa ra lời chỉ trích bất kỳ ai, bạn cũng không tránh khỏi việc phải tiếp nhận điều đó từ người khác. Vì vậy, ta không có lựa chọn nào tốt hơn, ngoài việc đối diện.

Thực tế cho thấy, dù là người trẻ hay đã trưởng thành, non nớt hay dày dạn trong giao tiếp, khi nghe một lời nói thiếu tích cực về mình, cảm xúc tuy ở nhiều mức độ, nhưng đều không dễ chịu. Các cung bậc cảm xúc có thể là bất ngờ, tức giận, buồn bã hoặc phẫn nộ…

Trong tình huống này, cách thức thể hiện và phản ứng của mỗi cá nhân rất khác nhau: Có người điềm tĩnh, kiềm chế được cơn nóng giận, lại có người bùng nổ, phản ứng ngay để giải tỏa nỗi ấm ức của mình.

ThS Phạm Thị Mai Vui nhận định: Sẽ rất lí tưởng khi bạn đối diện những chỉ trích bằng thái độ điềm tĩnh và kiềm chế. Điều này không chỉ giúp chúng ta tránh được những hành vi tiêu cực khiến cho mối quan hệ, hoặc không khí giao tiếp bị phá hỏng, mà còn giúp tôi rèn bản lĩnh, có thêm thời gian suy xét tình hình và đưa ra những quyết định đúng đắn.

Với chiêm nghiệm cá nhân và hành trình cùng hai con khôn lớn, ThS Phạm Thị Mai Vui cho rằng: Để có được cách phản ứng với lời chỉ trích một cách ôn hòa, đòi hỏi mỗi cá nhân phải có quá trình rèn luyện lâu dài. Có thể khẳng định, không ai sinh ra đã có được khả năng đối diện với những lời “tiêu cực” theo cách tích cực. Vậy nên, sau mỗi lần phản ứng, hãy lắng lại và phân tích cảm xúc của mình, với những câu hỏi “vì sao?”.

Đặc biệt, với câu hỏi: “Vì sao bị chỉ trích?”, cha mẹ hãy cùng con phân tích các tình huống giả định và đưa ra câu trả lời cho từng trường hợp cụ thể.

Nếu vì họ không hiểu mình, hãy dành thời gian để giải thích. Hãy kiên trì và đừng tiếc thời gian cho việc này. Bởi thực tế, chính chúng ta chưa hẳn đã hiểu mình, nên khó có thể đòi hỏi người khác hiểu ta. Vì thế, thay vì im lặng, hãy bày tỏ quan điểm của bạn với người đã đưa ra những lời chỉ trích, trên tinh thần cầu thị, thiện chí và chân thành.

Nếu vì họ không thiện chí, thậm chí ác cảm với bạn, thì dù bạn tức giận hay có bất cứ phản ứng gì mạnh mẽ hơn, cũng không thay đổi được cách suy nghĩ, đánh giá của họ về bạn. Thậm chí, phản ứng tiêu cực còn làm bạn xấu xí hơn trong đánh giá của người khác. Vì thế, cách tốt nhất là kiên nhẫn chứng tỏ mình bằng công việc, hành động thực tế.

Ảnh minh họa: ITN.

Ảnh minh họa: ITN.

Biến những chỉ trích thành động lực

Chúng ta cần hiểu rằng, trong cuộc sống, lời chỉ trích như người bạn đồng hành cùng những động viên, khen ngợi. Đối diện khen – chê một cách bình tĩnh chính là một biểu hiện của bản lĩnh cá nhân.

Đối với hành trình trao truyền kinh nghiệm, kỹ năng sống cho trẻ, cha mẹ và thầy cô hãy chỉ cho chúng thấy, không ít tình huống trẻ sẽ nhận lời chỉ trích, mắng mỏ, chê bai từ những người chỉ có mong muốn duy nhất là chúng sẽ tốt lên.

Nêu quan điểm về vấn đề này, cô Lê Thị Ngọc Anh - Hiệu trưởng Trường THPT Hiệp Bình, TP Thủ Đức, TPHCM - cho hay: Trên thực tế, không hiếm khi, lời chỉ trích đến từ những người yêu quý bạn, và đây là tình huống bạn cần cẩn trọng nhất, khi lựa chọn phản ứng. Nếu không phải sự hiểu lầm, thì đó là những lời chân thành nhất, được nói ra với mong muốn bạn tốt hơn.

Áp dụng thành công với việc dạy học sinh ở trường và dạy con trong gia đình khi đối diện và biến những khen – chê thành động lực, cô Lê Thị Ngọc Anh đúc rút: Người đi trước, có kinh nghiệm sống phong phú, nhất định sẽ có những bài học lớn mà đôi khi bạn phải mất rất nhiều năm mới nghiệm ra. Vì thế, những lời phê bình, chỉ trích của họ - chúng ta nên nhìn nhận ở góc độ tích cực trước. Điều này vừa giúp mỗi cá nhân tỉnh táo “biết người, biết ta”, lại vừa cho những kinh nghiệm cuộc sống. Bao nhiêu kiến thức sách vở chưa hẳn đã bằng một lời chỉ trích từ một người mong muốn truyền động lực cho bạn.

Tuy nhiên, theo cô Ngọc Anh, trong giáo dục trẻ, những mắng mỏ, chỉ trích cần được hạn chế tối đa. Nói như vậy, không có nghĩa chúng ta chỉ dùng những lời mật ngọt, khen tặng sáo rỗng đối với trẻ. Hãy lựa chọn từ ngữ, âm điệu, không gian phù hợp để trẻ dễ dàng hơn trong tiếp nhận những chỉ trích. Hãy hình dung như chúng ta kê thuốc đúng liều lượng sẽ giúp mau chóng chữa lành vết thương và tăng cường thể lực. Tuyệt đối tránh đụng chạm cái tôi cá nhân, gây phản tác dụng. Những chỉ trích chỉ có thể trở thành động lực với người khác khi nó vẫn nằm trong giới hạn tôn trọng và hàm chứa động thái trao truyền niềm tin.

Cha mẹ và thầy cô cần ghi nhớ, cách chúng ta dạy trẻ đối diện những chỉ trích sẽ được trẻ học hỏi và áp dụng cho những tình huống tương tự gặp phải trên đường đời. Khi trẻ được rèn bản lĩnh thông qua khả năng đối diện chỉ trích, biến lời tiêu cực thành động lực vươn lên, chúng ta có thể tin vào khả năng trao truyền những năng lượng tích cực cho thế hệ nối tiếp.

“Xét đến cùng, “khi đời trao cho bạn quả chanh, bạn hãy pha một cốc nước chanh”. Lời chỉ trích – nếu không tránh được, hãy đối diện để nó trở thành cái “cớ” giúp bạn trưởng thành, có động lực để lớn lên. Hơn tất cả, mỗi khi vượt qua cơn nóng giận, tránh được những phản ứng tiêu cực, bạn sẽ thấy một cảm xúc rất quý giá – đó là cảm giác của một người chiến thắng” - ThS Phạm Thị Mai Vui.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Cô trò Trường Mầm non Khong Hin (huyện Tuần Giáo, Điện Biên). Ảnh: NTCC

Ngăn chặn từ gốc bạo hành trẻ mầm non

GD&TĐ - Từ các vụ bạo hành trẻ mầm non ở một số cơ sở, nhóm lớp ngoài công lập gần đây, giải pháp ngăn chặn tình trạng bạo hành được ngành Giáo dục tăng cường.