Dạy trẻ cách yêu bản thân nhưng không phải là hưởng thụ sớm

GD&TĐ - Trẻ thường nói “Con yêu mẹ, con yêu bố, con yêu cô giáo”... mà hiếm có học sinh nào nói rằng “Con yêu chính bản thân mình”.

Cha mẹ cần dạy trẻ yêu bản thân nhưng không phải là sống ích kỷ, hưởng thụ. Ảnh minh họa.
Cha mẹ cần dạy trẻ yêu bản thân nhưng không phải là sống ích kỷ, hưởng thụ. Ảnh minh họa.

Tại sao cần phải dạy trẻ biết yêu quý bản thân?

Dạy trẻ yêu bản thân không phải là khiến con chỉ biết hưởng thụ sớm, chăm chăm nghĩ đến mình mà vô cảm với người khác. Yêu bản thân cũng không có nghĩa là không yêu gia đình, càng không có nghĩa là ích kỉ.

Có những bạn trẻ, chỉ vì thất tình, mà tự hủy hoại thân thể, thậm chí là tự tử. Nhiều bạn trẻ không biết lo lắng cho tương lai, không chịu học tập, lao động, rèn luyện kỹ năng để phục vụ cho cuộc sống sau này.

Nhiều bạn trẻ suy nghĩ tiêu cực, chán nản, thiếu ý chí, nghị lực vươn lên, để cho cuộc sống buông trôi, tới đâu hay tới đó. Nhiều người sống buông thả, thiếu kiềm chế, không biết tự kiểm soát bản thân làm cho những người xung quanh mất thiện cảm.

Rất nhiều bạn trẻ không trang bị cho mình những hiểu biết cần thiết về tình dục, về giới tính, dẫn đến những hậu quả đáng tiếc, làm hỏng cả tương lai.

Hay đơn giản, chúng ta chưa biết giữ gìn sức khỏe của bản thân, thậm chí còn hủy hoại nó bởi thói quen thức khuya, ăn uống tùy hứng, sử dụng rượu bia thuốc lá, thậm chí cả ma túy. Chúng ta suốt ngày đêm ngồi trước màn hình vi tính rồi lại đưa mắt sang màn hình điện thoại… cũng là cách gián tiếp hủy hoại sức khỏe.

Khi bạn yêu mình, bạn mới quý thân thể mình. Khi bạn quý thân thể mình, bạn mới hiểu thân thể người khác cũng đáng trân quý như vậy để không làm điều tổn hại đến thân thể họ. Đồng thời, khi con biết yêu bản thân mình, trẻ sẽ hiểu cách bảo vệ nó. Có như vậy, sẽ không còn nhiều những đứa trẻ mù quáng, yêu đương sớm để rồi đem lại hệ lụy đau lòng.

Khi yêu bản thân mình, trẻ sẽ nỗ lực để xây dựng cuộc sống của mình một cách tốt đẹp hơn bằng cách xây dựng cộng đồng xung quanh tốt đẹp lên. Người ích kỷ sẵn sàng vứt rác ra đường vì tiện thể. Còn người yêu bản thân mình sẽ làm sạch môi trường xung quanh họ vì họ không muốn hít thở trong bầu không khí vấy bẩn. Người ích kỷ lấy lợi ích ngắn hạn làm mục tiêu còn người yêu bản thân mình lấy lợi ích lâu dài làm đích đến và chia sẻ lợi ích đó với những người xung quanh.

Bằng những cách nào đó, người lớn cần dạy trẻ phải yêu bản thân, để biết trân trọng giá trị của sự sống. Bởi trẻ có biết yêu bản thân mới biết sống có trách nhiệm. Trẻ sẽ lấy đó làm nền tảng để sống có trách nhiệm với gia đình, với mọi người xung quanh và với xã hội. Một người không yêu bản thân, thì liệu có thể yêu được cha mẹ, anh chị em, người thân của mình, yêu thương những người khác ở ngoài xã hội?

Tuy nhiên, phải hiểu rằng, yêu bản thân hoàn toàn khác với ích kỷ. Trong khi ích kỷ là lối sống chỉ biết đến mình, vì mình, kể cả khi có phải chà đạp lên quyền lợi của người khác. Yêu bản thân, phải đặt trong mối quan hệ hài hòa với những người xung quanh. Thực tế, đó là cách sống vì mình và vì mọi người.

Yêu bản thân không phải là hưởng thụ

Nhiều cha mẹ đã nhầm lẫn giữa việc dạy con yêu bản thân và dạy con hưởng thụ. Vì thế, họ đã chu cấp cho con mọi thứ, khuyên con không nên ôm việc vào người để sau này vất vả. Có người mẹ không muốn con động chân tay vào bất kỳ việc gì vì “phải biết yêu bản thân”…

Vì được chiều chuộng từ bé, một số đứa trẻ lớn lên thường có lối sống hưởng thụ, lười biếng. Một số khi trưởng thành không muốn làm việc, thậm chí chỉ thích nghỉ hưu sớm.

Nhiều cha mẹ, tuổi thơ của họ có thể vất vả, thiếu thốn mà nỗ lực vươn lên học hành thành đạt, làm giàu. Để đến lúc có của ăn của để, họ mong muốn con mình sẽ không phải trải qua những khó khăn mình đã từng đối diện. Vì thế, con cái của họ được đáp ứng, hưởng thụ đầy đủ về vật chất.

Nhiều người dù không khá giả nhưng cũng cố gắng để con cái bằng bạn bằng bè, chẳng thua kém ai. Thế nên, bản thân cha mẹ thì chắt bóp chi tiêu để mua sắm cho con hưởng thụ.

Chưa làm ra tiền, song được sự chu cấp, chiều chuộng của gia đình, nhiều học sinh vung tay sắm sửa quần áo, giày dép, túi xách hàng hiệu. Có em còn liên tục chạy đua theo đồ công nghệ, đổi điện thoại đời mới đắt tiền. Chưa kể đến nhiều đứa trẻ còn đàn đúm, la cà quán xá, chểnh mảng học hành... Trong số đó, có nhiều trẻ lớn lên trong gia đình không lấy gì làm khá giả, thậm chí còn khó khăn, thiếu thốn.

Nguyên nhân dẫn đến lối sống hưởng thụ của một bộ phận giới trẻ hiện nay ngoài bản thân các em thì cũng có một phần từ phía gia đình. Nhiều bậc phụ huynh do kiếm tiền quá dễ nên đã để cho con mình ăn chơi thỏa thích mà không hề tính toán. Nhiều người thì do quá bận rộn, không có thời gian chăm sóc nên bù đắp bằng cách cho con thật nhiều tiền. Và nhiều gia đình mặc dù không có điều kiện nhưng vẫn muốn cho con bằng bạn bằng bè, thắt lưng buộc bụng cho con tiêu xài chỉ vì “đời mình đã khổ đủ rồi”.

Thiết nghĩ, đã đến lúc cần thay đổi những biểu hiện lệch lạc trong suy nghĩ của một bộ phận giới trẻ. Đầu tiên cần bắt đầu từ sự giáo dục, định hướng của gia đình, sự quan tâm chia sẻ, động viên của bố mẹ. Bên cạnh đó, nhà trường cũng đóng vai trò quan trọng trong việc giáo dục học sinh. Ngoài các giờ học văn hóa, đạo đức trên lớp, nhà trường cần đưa thêm các chương trình ngoại khóa, giáo dục kỹ năng sống cho các em, nhất là về lối sống hưởng thụ, ích kỷ thay vì yêu bản thân đúng cách.

Tổ chức Đoàn cần nêu cao vai trò giáo dục thanh, thiếu niên, hướng họ vào lối sống tích cực, lành mạnh, vì cộng đồng, chấp hành pháp luật. Bản thân mỗi thanh, thiếu niên cũng phải tự ý thức và rèn luyện kỹ năng sống, thường xuyên trau dồi kiến thức, ứng xử, lối sống, đạo đức và cần biết sàng lọc những giá trị tốt đẹp trong cuộc sống để có lối sống lành mạnh.

Hơn cả, người trẻ đừng nhầm lẫn giữa yêu bản thân với hưởng thụ vô điều kiện. Bởi những gì mà con trẻ đang hưởng thụ đều được đánh đổi bằng mồ hôi, công sức, tiền bạc của cha mẹ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa: ITN

Cách cảm thụ một câu thơ hay

GD&TĐ - Nhà thơ sáng tạo nên câu thơ hay bằng cách nào? Người đọc cảm thụ câu thơ hay cần chú ý những phương diện sáng tạo nghệ thuật nào của nhà thơ?