Phản biện ở cấp độ chi tiết
Ở cấp độ này, đề bài yêu cầu cảm nhận và đánh giá về một hoặc hoặc vài chi tiết hay, đặc sắc trong tác phẩm văn học, thường là tác phẩm văn xuôi. Trong đó, có trình bày ý kiến riêng, có tham gia tranh luận với những ý kiến khác, phản biện vấn đề nhằm đưa ra giá trị thực sự của chi tiết nghệ thuật.
Thầy Bùi Thế Nhưng đưa ra các đề ví dụ:
Đề 1: Trong truyện “Chuyện chức phán sự đền Tản Viên”, để chứng minh cho tính cách khảng khái, nóng nảy, cương trực của Ngô Tử Văn, tác giả Nguyễn Dữ đã kể về hành động đốt đền của nhân vật này. Thái độ của người đọc về chi tiết này rất khác nhau : có người ủng hộ ; có người phản đối ; lại có người vừa ủng hộ, vừa phản đối.
Anh/chị có ủng hộ hành động của Ngô Tử Văn không? Hãy giải thích câu trả lời của mình?
Đề 2: Trong tác phẩm Vợ nhặt của Kim Lân, ngay sau câu nói đùa của anh Tràng : “Này nói đùa chứ có về với tớ thì ra khuân hàng lên xe rồi cùng về”, nhân vật người vợ nhặt về thật. Anh Tràng đã : “Chậc, kệ!”.
Về chi tiết này, có người đã trách anh Tràng : “kệ” là thái độ vô trách nhiệm, không biết có nuôi nổi không mà lại đồng ý đưa cô ta về ; người khác lại bày tỏ sự cảm thông : ở vào hoàn cảnh rất éo le, anh Tràng hành động như vậy thật dũng cảm.
Anh/chị suy nghĩ như thế nào về chi tiết này?
Đề 3: Nhân vật cụ Mết trong truyện ngắn Rừng xà nu của Nguyễn Trung Thành có nói : “Không có cây gì mạnh bằng cây xà nu đất ta”. Có ý kiến cho rằng : câu nói này khẳng định sức sống mạnh mẽ của cây xà nu ; lại có ý kiến cho rằng : câu nói này thể hiện sức sống kiên cường của nhân dân làng Xô Man.
Ý kiến của anh/chị về chi tiết này như thế nào?
Phản biện ở cấp độ hình tượng
Ở cấp độ này, đề bài yêu cầu cảm nhận và đánh giá về một hoặc hoặc vài hình tượng nghệ thuật trong tác phẩm văn học. Trong đó, có trình bày ý kiến riêng, có tham gia tranh luận với những ý kiến khác, phản biện vấn đề nhằm đưa ra giá trị thực sự của hình tượng nghệ thuật. Ví dụ:
Đề 4: Về hình tượng Tnú trong truyện ngắn Rừng xà nu của Nguyễn Trung Thành, có ý kiến cho rằng : Tnú điển hình cho tính cách con người Tây Nguyên. Ý kiến khác thì nhấn mạnh : Tnú điển hình cho con đường đấu tranh cách mạng của người làng Xô Man.
Từ cảm nhận của mình về hình tượng này, anh/chị hãy bình luận những ý kiến trên và nêu ý kiến đánh giá về hình tượng Tnú.
Đề 5:Về hình tượng người lính trong bài thơ Tây Tiến của Quang Dũng, có ý kiến cho rằng : người lính ở đây có dáng dấp của các tráng sĩ thuở trước. Ý kiến khác thì nhấn mạnh : hình tượng người lính mang đậm vẻ đẹp của người chiến sĩ thời kháng chiến chống Pháp.
Từ cảm nhận của mình về hình tượng này, anh/chị hãy bình luận những ý kiến trên (1).
Đề 6: Có ý kiến cho rằng : sự nhẫn nhục của nhân vật Từ (Đời thừa - Nam Cao) không đáng trách, chỉ đáng thương ; còn sự nhẫn nhục của người đàn bà hàng chài (Chiếc thuyền ngoài xa - Nguyễn Minh Châu) thì vừa đáng thương vừa đáng trách.
Từ cảm nhận của mình về hai nhân vật này, anh/chị hãy bình luận ý kiến trên (2).
Đề 7: Nhận định về niềm khát khao tận hưởng sự sống trong bài thơ Vội vàng của Xuân Diệu, từng có ý kiến cho rằng : đó là tiếng nói của cái tôi vị kỉ tiêu cực. Lại có ý kiến khẳng định : đó là tiếng nói của cái tôi cá nhân tích cực.
Từ cảm nhận của mình về niềm khát khao đó, anh/chị hãy bình luận những ý kiến trên (3).
Đề 8: Về nhân vật Phùng trong truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa của Nguyễn Minh Châu, có ý kiến cho rằng : nét nổi bật ở người nghệ sĩ này là một tâm hồn nhạy cảm và say mê cái đẹp thơ mộng của cảnh vật. Ý kiến khác thì nhấn mạnh: vẻ đẹp sâu xa của nghệ sĩ Phùng chính là một tấm lòng đầy trăn trở, lo âu về thân phận con người.
Từ cảm nhận của mình về nhân vật Phùng, anh/chị hãy bình luận những ý kiến trên (1).
Phản biện ở cấp độ đoạn trích, tác phẩm
Ở cấp độ này, đề bài yêu cầu cảm nhận và đánh giá về một đoạn trích hoặc tác phẩm, văn xuôi hoặc thơ. Trong đó, có trình bày ý kiến riêng, có tham gia tranh luận với những ý kiến khác, phản biện vấn đề nhằm đưa ra giá trị thực sự của đoạn trích hoặc tác phẩm nghệ thuật. Ví dụ:
Đề 9: Có ý kiến cho rằng : trong bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ của Hàn Mặc Tử, ở khổ thơ đầu là bức tranh thiên nhiên thôn Vĩ chân thực, đầy sức sống ; ở khổ thơ thứ hai lại là một bức tranh tâm cảnh mang đậm nỗi buồn, bi kịch.
Từ cảm nhận của mình về hai khổ thơ đầu trong bài thơ này, anh/chị hãy bình luận ý kiến trên.
Đề 10: Nói về cảnh ông Huấn Cao cho chữ viên quản ngục (trong Chữ người tử tù – Nguyễn Tuân), có người cho rằng : đây là “sự nổi loạn của cái đẹp”(2) ; một người khác lại nhận định : đó là “sự tỏa sáng của những tấm lòng”.
Ý kiến của anh/chị như thế nào?
Đề 11: Về truyện ngắn Những đứa con trong gia đình của Nguyễn Thi, có ý kiến cho rằng : tác phẩm thành công ở chỗ đã xây dựng được hình tượng dòng sông truyền thống, từ đó ngợi ca chủ nghĩa anh hùng cách mạng – miền Nam trong khói lửa chiến tranh ; lại từng có ý kiến rằng : thành công của tác phẩm chính ở chỗ, từ không gian gia đình, nhà văn đã nhìn ra cả cuộc kháng chiến hào hùng của dân tộc.
Từ việc phân tích truyện ngắn Những đứa con trong gia đình của Nguyễn Thi, anh/chị hãy bình luận những ý kiến trên.
Phản biện ở cấp độ quan điểm, phong cách nghệ thuật
Ở cấp độ này, đề bài yêu cầu cảm nhận và đánh giá về một quan điểm hoặc phong cách nghệ thuật. Trong đó, có trình bày ý kiến riêng, có tham gia tranh luận với những ý kiến khác, phản biện vấn đề nhằm đưa ra giá trị thực sự của một quan điểm hoặc phong cách nghệ thuật của một tác giả cụ thể. Đây là cấp độ khó, chỉ dành cho đối tượng học sinh giỏi văn thuộc đội tuyển cấp tỉnh, cấp quốc gia. Ví dụ:
Đề 12: Nói về phong cách nghệ thuật Nguyễn Tuân, GS. Nguyễn Đăng Mạnh viết như sau : “Phong cách ấy, trước hết có thể thâu tóm trong một chữ ngông”(1) ; trong khi đó, PGS. Trần Đăng Suyền lại cho rằng : “Ông … đem đến cho nền văn xuôi hiện đại một phong cách tài hoa và độc đáo”(2).
Ý kiến của anh/chị như thế nào? Hãy phân tích một vài dẫn chứng để làm rõ?
Đề 13: Nhà văn Nam Cao có gửi gắm quan điểm nghệ thuật của mình qua lời nhân vật Hộ trong truyện ngắn Đời thừa như sau : “Một tác phẩm thật giá trị, phải vượt lên bên trên tất cả các bờ cõi và giới hạn, phải là một tác phẩm chung cho cả loài người. Nó phải chứa đựng được một cái gì lớn lao, mạnh mẽ, vừa đau đớn, lại vừa phấn khởi. Nó ca tụng lòng thương, tình bác ái, sự công bình… Nó làm cho người gần người hơn”.
Một độc giả có ý kiến rằng : quan điểm nghệ thuật này của Nam Cao, cho đến nay đã bị lạc hậu.
Anh/chị có nghĩ rằng quan điểm nghệ thuật này của Nam Cao bị lạc hậu không? Hãy giải thích câu trả lời của mình?
Phản biện ở cấp độ trào lưu, khuynh hướng, giai đoạn, nền văn học
Ở cấp độ này, đề bài yêu cầu phân tích và đánh giá những đặc điểm của một trào lưu, khuynh hướng, giai đoạn hay nền văn học, có thể thông qua một tác phẩm cụ thể.
Trong đó, có trình bày ý kiến riêng, có tham gia tranh luận với những ý kiến khác, phản biện vấn đề nhằm đưa ra đặc điểm, giá trị, vị trí thực sự của một trào lưu, khuynh hướng, giai đoạn hay nền văn học. Đây là cấp độ khó, chỉ dành cho đối tượng học sinh giỏi văn thuộc đội tuyển cấp tỉnh, cấp quốc gia. Ví dụ:
Đề 14: Có ý kiến cho rằng : cùng là những gương mặt tiêu biểu của nền văn học đổi mới sau 1975 nhưng Nguyễn Minh Châu thì tiếp cận, khám phá con người thiên về phương diện đạo đức, còn Nguyễn Khải lại tiếp cận, khám phá con người thiên về phương diện văn hóa.
Trên cơ sở phân tích hai tác phẩm Chiếc thuyền ngoài xa của Nguyễn Minh Châu và Một người Hà Nội của Nguyễn Khải, anh/chị hãy bình luận ý kiến trên.
Đề 15: Nói về Văn học Việt Nam giai đoạn 1930-1945, có ý kiến cho rằng : do có nhiều khuynh hướng văn học song song tồn tại và phát triển nên trong quá trình ấy không tránh khỏi hiện tượng giao thoa, thâm nhập lẫn nhau giữa các khuynh hướng.
Trên cơ sở phân tích truyện ngắn Hai đứa trẻ của Thạch Lam, anh/chị hãy bình luận ý kiến trên.
Biện pháp xử lí các đề văn phản biện
Để viết được những bài văn hay, hấp dẫn đối với dạng đề có tính chất phản biện như trên, người viết không những phải hiểu thấu đáo đối tượng, có kĩ năng hành văn tốt mà còn cần phải có quan điểm, ý kiến riêng.
Phải nhìn nhận, đánh giá đối tượng một cách đa chiều. Phát huy tối đa nhất cái nhìn chủ quan nhưng không tách rời tính khách quan khoa học. Phải thể hiện được tâm sáng, tầm cao, cách đúng trong phản biện để thuyết phục người đọc.
Phương pháp chung là vận dụng kết hợp các thao tác nghị luận như giải thích, phân tích, chứng minh, bình luận để làm rõ đối tượng. Trong quá trình ấy, những khía cạnh có nhiều cách hiểu, nhiều quan điểm trái chiều, người viết cần có sự đối chiếu, so sánh lí giải sao cho đưa được cách hiểu tối ưu nhất, thuyết phục nhất.
Kết cấu chung nhất của bài viết, theo thầy Nhưng, thường như sau: Giới thiệu đối tượng; Phân tích cơ bản đối tượng (khách quan, khoa học); Những ý kiến khác nhau, trái chiều về đối tượng : mặt tích cực, hạn chế;
Quan điểm, cách lí giải về đối tượng của bản thân, kèm theo lập luận, đặc biệt những luận cứ khoa học có sức thuyết phục cao (vận dụng phản biện văn học): Luận điểm phản biện; cơ sở phản biện (lí lẽ, dẫn chứng); luận chứng. Cuối cùng là kết luận về đối tượng.
Theo thầy Nhưng, cái khó nhất của việc rèn luyện năng lực viết văn cho học sinh qua phản biện Văn học là ở hai điểm.
Thứ nhất, khó thay đổi tư tưởng, quan điểm của giáo viên (họ quen nghĩ mình luôn đúng trước học trò, thậm chí coi phản biện của học sinh là hành vi vô lễ), họ sẽ không muốn học sinh phản biện lại mình.
Thứ hai, tầm hiểu biết của học sinh thường bị giới hạn, cùng với kĩ năng lập luận chưa tốt. Chính vì thế, đề cao mối quan hệ thực sự thân thiện giữa giáo viên và học sinh là điều rất cần thiết.
Năng lực viết văn nói chung, kĩ năng lập luận – phản biện không phải ngày một ngày hai mà có được mà phải luyện tập trong một thời gian dài, đòi hỏi sự cố gắng và nỗ lực của cả giáo viên và học sinh. Nếu có phương pháp hợp lí, chúng tôi tin rằng học sinh sẽ tiến bộ nhanh chóng và sử dụng phản biện một cách sắc bén, hiệu quả.
Rèn luyện năng lực viết Văn cho học sinh qua phản biện Văn học cũng không thể tách rời những hình thức, phương pháp, biện pháp, kỹ thuật dạy học đương thời.
Nó cũng không phải vạn năng. Rèn luyện năng lực viết Văn cho học sinh qua phản biện Văn học cần được vận dụng phối hợp linh hoạt, sáng tạo với những phương pháp, biện pháp dạy học khác mới phát huy được hiệu quả.
Đồng thời không phải bài nào, đối tượng học sinh nào cũng vận dụng được mà cần cân nhắc, xem xét kỹ trước khi vận dụng.