Tỷ lệ tử vong cao
Ngày 13/4, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội thông tin, trên địa bàn thành phố đã ghi nhận trường hợp mắc não mô cầu đầu tiên từ đầu năm 2025. Bệnh nhân là bé trai 3 tháng tuổi tại quận Thanh Xuân, chưa tiêm vắc-xin phòng não mô cầu.
Bệnh có khả năng lây từ người sang người qua đường hô hấp, giọt bắn từ nước bọt, dịch tiết mũi họng khi nói chuyện hoặc tiếp xúc gần. Các thói quen sử dụng chung dụng cụ ăn uống, sinh hoạt trong không gian hạn chế đều làm tăng nguy cơ mắc bệnh.
Bệnh nhi khởi phát bệnh ngày 29/3 với biểu hiện sốt cao, quấy khóc, bú kém, nhập Bệnh viện Nhi Trung ương ngày 30/3, xét nghiệm dịch não tủy cho kết quả dương tính với vi khuẩn não mô cầu. Hiện tại, tình trạng bệnh nhân ổn định. CDC Hà Nội đã phối hợp với Trung tâm Y tế quận Thanh Xuân điều tra dịch tễ, xử lý dịch liên quan đến ca bệnh não mô cầu này.
Trước đó, ngày 16/2, Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai tiếp nhận bệnh nhân bị viêm màng não - nhiễm trùng huyết do não mô cầu thể cấp. Bệnh nhân ở TPHCM, ngày 27/1 (28 Tết) di chuyển bằng ô tô khách về Hà Nam ăn Tết. Ngày 7/2 (mùng 8 Tết), bệnh nhân sốt rét run liên tục và ngày càng nặng, tối cùng ngày đau đầu, buồn nôn, nôn, mệt mỏi, lơ mơ, nhận thức chậm. Bệnh nhân vào bệnh viện tại Hà Nam chụp chiếu, sau đó chuyển đến Bệnh viện Bạch Mai.
Với dấu hiệu bệnh trạng như trên, kèm trên da nổi những nốt ban xuất huyết hoại tử và chọc dịch não tủy ra chất màu vàng đục, các bác sĩ nghi ngờ bệnh nhân bị viêm màng não do vi khuẩn não mô cầu, điều trị kháng sinh đặc hiệu và khoanh vùng cách ly. Tiếp đó, kết quả soi dịch não tủy và phân tích nuôi cấy mẫu bệnh phẩm (máu, dịch não tủy) đều dương tính với vi khuẩn não mô cầu type B là type nguy hiểm.
Cũng trong tháng 2, quân nhân Nguyễn Văn N., 23 tuổi, công tác tại Quân khu 1, được xác định tử vong do sốc nhiễm khuẩn não mô cầu thể tối cấp.
Báo cáo của Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 ngày 13/2 cho biết, bệnh nhân biểu hiện đau bụng kèm theo sốt, gai rét 5 ngày trước. Tối cùng ngày, anh N. được đưa đến bệnh xá trung đoàn trong tình trạng sốt cao 40 độ, nôn liên tục ra dịch vàng, đau bụng quanh rốn, điều trị hạ sốt và dùng kháng sinh.
Tuy nhiên, tình trạng bệnh nhân nhanh chóng xấu đi với các biểu hiện khó thở, lơ mơ, ban xuất huyết toàn thân. Quân nhân N. được chuyển qua nhiều cơ sở y tế, từ Bệnh xá Sư đoàn 3 đến Bệnh viện Quân y 110 - Quân khu 1, cuối cùng là Bệnh viện Trung ương Quân đội 108.
Trước khi đến Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 khoảng 10 phút, bệnh nhân ngừng tuần hoàn, được ép tim, bóp bóng, chuyển vào khoa Cấp cứu trong tình trạng hôn mê sâu, đồng tử 2 bên giãn 4 mm, mất phản xạ ánh sáng, mạch cảnh không bắt được, không đo được huyết áp. Bệnh nhân được xác định tử vong ngoại viện.
Theo Cục Phòng bệnh (Bộ Y tế), bệnh do não mô cầu là một bệnh nhiễm khuẩn cấp tính, lây truyền theo đường hô hấp, thường gặp ở lứa tuổi trẻ và có khả năng gây thành dịch; một trong 10 bệnh truyền nhiễm, có tỷ lệ tử vong cao nhất ở Việt Nam (10 - 15%). Khoảng 20% người mắc bệnh để lại di chứng lâu dài.
Bệnh có các thể lâm sàng: viêm màng não mủ, nhiễm khuẩn huyết, sốc nhiễm khuẩn, viêm khớp, viêm màng ngoài tim,... Trong đó, Viêm màng não mủ và nhiễm khuẩn huyết thường gặp hơn, để lại di chứng nặng nề như chậm phát triển tinh thần, điếc, liệt với tỷ lệ từ 10 - 20%, tỷ lệ tử vong có thể từ 8 - 15%.

“Lá chắn” phòng bệnh
PGS.TS Đỗ Duy Cường - Giám đốc Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, bệnh do vi khuẩn gây dịch nguy hiểm nhóm B, Nesseiria meningitisis cư trú ở hầu họng gây ra, lây qua đường giọt bắn, thường xảy ra ở các khu vực đông dân cư như doanh trại bộ đội, khu tập thể, trường học… Nhóm mắc chủ yếu là người trẻ tuổi, những người chưa có miễn dịch, tiêm phòng. Bệnh thường diễn biến nhanh gây viêm màng não, nhiễm trùng huyết, nặng hơn gây suy đa tạng và có thể tử vong.
Viêm màng não do vi khuẩn não mô cầu chia ra nhiều thể, thể đơn thuần cũng giống như các viêm màng não khác, tiến triển và điều trị trong khoảng 2 tuần sẽ khỏi. Đối với thể cấp, tối cấp, tiến triển nhanh trong vài ngày cùng các triệu chứng sốt cao đột ngột, đau đầu, nôn, rối loạn ý thức và đi vào hôn mê nhanh, xuất hiện những ban xuất huyết hoại tử ngoài da trong bệnh cảnh hội chứng suy thượng thận cấp, sốc và tử vong nhanh chóng.
PGS Đỗ Duy Cường khuyến cáo, viêm màng não mủ do não mô cầu không phải trường hợp thường gặp, chỉ xảy ra ổ dịch lẻ tẻ, hoặc các nơi khác du nhập đến. Tuy nhiên, với tính chất tiến triển nhanh và tỷ lệ tử vong cao, nên các bệnh nhân nghi ngờ nhiễm não mô cầu cần đến các cơ sở y tế sớm để chẩn đoán và điều trị kịp thời. Đồng thời, đây là bệnh có thể phòng bằng vắc-xin nên người dân cũng cần lưu ý đến việc tiêm phòng đầy đủ để bảo vệ tính mạng chính mình và người thân.
BS.CKI Bạch Thị Chính - Giám đốc Y khoa, Hệ thống tiêm chủng VNVC cho biết, viêm màng não do não mô cầu được đánh giá là căn bệnh nguy hiểm, tỷ lệ tử vong cao nhất là đối với trẻ nhỏ, di chứng kéo dài nên phòng ngừa bằng vắc-xin viêm màng não mô cầu là việc rất quan trọng.
Một yếu tố quan trọng trong việc phòng ngừa bệnh là hạn chế sự lây truyền vi khuẩn qua đường hô hấp. Rửa tay bằng xà phòng và nước sạch, đặc biệt sau khi tiếp xúc với người bệnh hoặc các bề mặt công cộng, giúp loại bỏ vi khuẩn và giảm nguy cơ lây lan.
Việc che miệng bằng khăn giấy khi ho, hắt hơi giúp ngăn chặn sự phát tán của các giọt bắn chứa vi khuẩn. Ở những nơi đông người, như lớp học hoặc văn phòng, cần cải thiện hệ thống thông gió nhằm giảm mật độ vi khuẩn trong không khí. Không dùng chung đồ cá nhân như cốc uống nước, bàn chải đánh răng, khẩu trang hoặc khăn mặt với người khác, đặc biệt là người có dấu hiệu nhiễm bệnh.
Một trong những hậu quả nghiêm trọng nhất của viêm màng não mô cầu là các biến chứng thần kinh, do vi khuẩn tấn công và gây viêm nhiễm trực tiếp trong lớp màng bao quanh não và tủy sống.
Quá trình viêm này có thể gây mất thính lực, động kinh, rối loạn nhận thức, liệt hoặc suy giảm chức năng vận động. Viêm màng não mô cầu không chỉ giới hạn ở hệ thần kinh mà còn có thể lan truyền vào máu, gây nhiễm trùng huyết, một tình trạng đe dọa tính mạng.
Viêm màng não do não mô cầu thường bùng phát vào thời điểm giao mùa hoặc khi thời tiết thay đổi. Để phòng ngừa bệnh, cần hạn chế tiếp xúc gần với người có triệu chứng viêm đường hô hấp như sốt, ho, đau họng hoặc sổ mũi.
Khi trong gia đình hoặc cộng đồng có người được chẩn đoán mắc viêm não mô cầu, các biện pháp cách ly và điều trị dự phòng cho những người tiếp xúc gần là điều bắt buộc.
Trẻ em từ 2 tháng tuổi và người lớn cần chủ động tiêm ngừa đầy đủ, đúng lịch và đúng lộ trình phối hợp các loại vắc-xin phòng bệnh do não mô cầu để tối ưu hiệu quả phòng ngừa.
Tiêm vắc-xin được các chuyên gia y tế đánh giá là biện pháp hiệu quả nhất để phòng ngừa viêm màng não do não mô cầu. Hiện nay, có các loại vắc-xin phòng bệnh viêm mô cầu nhóm A, C, W, Y và nhóm B (các nhóm huyết thanh phổ biến nhất).
Trong bối cảnh này, không ít phụ huynh đã đưa con đi tiêm chủng để phòng bệnh viêm màng não do não mô cầu. Chị Đỗ Thị Thu Hương - phụ huynh có con 3 tuổi (Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ: “Con đi học hằng ngày, nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm khá cao, nên tôi đã đưa bé đi tiêm phòng, trong đó có vắc-xin não mô cầu. Ở nhà, tôi cũng thường xuyên hướng dẫn con giữ vệ sinh sạch sẽ. Đồng thời, cho bé ăn chế độ dinh dưỡng đầy đủ để nâng cao sức đề kháng. Khi đi học, các cô cũng thường xuyên nhắc nhở trẻ giữ vệ sinh để phòng bệnh”.
Cục Phòng bệnh khuyến cáo, để phòng bệnh, người dân cần rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, súc miệng, họng bằng các dung dịch sát khuẩn mũi họng thông thường; Ăn uống đủ chất dinh dưỡng, luyện tập, nâng cao thể trạng. Vệ sinh, thông khí nơi ở, nơi làm việc.
Những người tiếp xúc gần với bệnh nhân trong thời gian từ 7 ngày trước ngày khởi phát, cho đến 24 giờ sau khi bệnh nhân được dùng kháng sinh đặc hiệu cần được theo dõi sức khỏe trong vòng 10 ngày kể từ khi tiếp xúc lần cuối. Sử dụng thuốc điều trị dự phòng càng sớm càng tốt, tốt nhất trong vòng 24 giờ sau khi có chẩn đoán xác định ca bệnh, cho những người tiếp xúc gần.
Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), mỗi năm thế giới có khoảng 1,2 triệu ca mắc viêm màng não do não mô cầu, vào khoảng 135.000 ca tử vong, lên đến 15% số ca mắc. Có đến 20% bệnh nhân sống phải chịu nhiều di chứng về thể chất và tinh thần như hoại tử da gây sẹo, cắt cụt chi, điếc, mù lòa, chậm phát triển tâm thần và hành vi…