Văn phòng Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) tại Trung Quốc mới đây đã phát hiện một trang web sử dụng trái phép tên và biểu tượng của tổ chức để lừa đảo sinh viên.
Từ sự việc trên, cơ quan chức năng Trung Quốc đã phanh phui một mạng lưới lừa đảo quy mô lớn chuyên cung cấp bằng cấp, chứng chỉ và hồ sơ thực tập giả cho sinh viên cùng người tìm việc.
Đứng sau hoạt động này là một tổ chức có trụ sở tại Thành Đô, tự xưng là “Viện nghiên cứu công nghệ và tài năng Tứ Xuyên Zhongqing”. Theo điều tra, nhóm này đã thiết lập một trang web giả mạo UNDP, với tên miền là https://unga.org/index, và sao chép gần như nguyên bản từ giao diện, logo đến nhận diện thương hiệu của UNDP.
Thông qua mạng xã hội và các nền tảng nhắn tin, nhóm chào bán các dịch vụ “hợp thức hóa hồ sơ” như thư giới thiệu, hồ sơ tình nguyện, giấy chứng nhận kỹ năng và các tài liệu học thuật giả mạo.
Trong vai khách hàng, phóng viên tờ Tân Hoa Xã đã liên hệ với một “chuyên gia tư vấn học thuật” trên ứng dụng WeChat và được giới thiệu chương trình “Tình nguyện viên Đại hội đồng Liên Hợp Quốc (UNGA)”. Mức giá dao động từ 3 nghìn đến gần 60 nghìn nhân dân tệ, đi kèm lời hứa về chứng chỉ thực tập quốc tế cùng thư giới thiệu từ Liên Hợp Quốc.
Tổ chức này được đăng ký năm 2023 tại thành phố Thành Đô nhưng sử dụng địa chỉ giả mạo. Chủ sở hữu thật đã trình báo với cơ quan chức năng. Qua xác minh, nhà chức trách phát hiện toàn bộ hồ sơ đăng ký, bao gồm hợp đồng thuê trụ sở, đều là tài liệu giả. Nhóm này hiện bị đánh dấu là hoạt động bất thường và đang trong quá trình bị thu hồi giấy phép kinh doanh.
Dù trang web giả mạo UNGA đã ngưng hoạt động, tổ chức vẫn tiếp tục mời chào các cuộc thi học thuật dưới danh nghĩa “NATF – Phân tích tài năng tương lai toàn quốc”, có hình thức tương tự các sự kiện học thuật chính thống.
Trên nền tảng thương mại điện tử Taobao, nhiều người vẫn rao bán chứng chỉ tương tự. Một số gian hàng ghi nhận hơn 2 nghìn đơn hàng, với các loại “giải thưởng” thuộc nhiều lĩnh vực từ học thuật đến thể thao và hoạt động xã hội.
GS Wang Zhu - giảng viên ngành Luật tại Đại học Tứ Xuyên nhấn mạnh trách nhiệm của các nền tảng trực tuyến trong việc kiểm soát các từ khóa như “bảo lãnh chứng chỉ” hay “nâng cao hồ sơ cá nhân”. Đây là những dấu hiệu phổ biến của hành vi gian lận. Ông cũng đề xuất siết chặt việc sử dụng các cụm từ như “tổ chức quốc tế” hoặc “tổ chức chính thức” để tránh gây hiểu nhầm.
Các chuyên gia đồng thời khuyến nghị người tìm việc nên cẩn trọng, kiểm chứng thông tin qua các kênh chính thống nhằm tránh rơi vào bẫy lừa đảo tinh vi ngày càng nở rộ trên mạng.
Các “chuyên gia tư vấn” còn rao bán các giải thưởng cuộc thi với giá từ 120 đến 280 nhân dân tệ, tùy theo mức giải nhất, nhì, ba. Chỉ trong vòng 10 phút, phóng viên đã nhận được bản sao điện tử chứng chỉ đạt giải ba một cuộc thi “đổi mới và khởi nghiệp”. Tuy nhiên, khi kiểm tra tại các cơ quan giáo dục quốc gia, không có bất kỳ hồ sơ nào xác nhận tính hợp pháp của tài liệu này.