Đổi mới sinh hoạt tổ, nhóm chuyên môn
Năm học 2011 - 2012 Sở GD&ĐT Hải Phòng đã chỉ đạo các Phòng GD&ĐT, các trường THPT tiến hành hội thảo đổi mới sinh hoạt tổ, nhóm chuyên môn một cách sâu rộng từ cấp tổ, nhóm chuyên môn tới cấp trường, cụm trường tiến tới hội thảo cấp thành phố. Nhiều bài học bổ ích đã được rút ra từ hội thảo và được áp dụng hiệu quả vào thực tế.
Vừa qua, sau khi có chỉ đạo của Bộ GD&ĐT về đổi mới sinh hoạt tổ nhóm chuyên môn theo hướng nghiên cứu bài học, Sở GD&ĐT Hải Phòng đã chỉ đạo các nhà trường tích cực triển khai nội dung này.
Đồng hành đổi mới phương pháp học của trò, phương pháp dạy của thầy
Thực tế giảng dạy cho thấy đã có thời gian dài chúng ta ít quan tâm phương pháp học tập của học sinh ở nhà cũng như trên lớp.
Học sinh cần được trang bị kĩ năng cần thiết cho phương pháp học tập nhằm tương thích việc đổi phương pháp dạy của thầy như kĩ năng nghe giảng, ghi chép bài, kĩ năng làm việc nhóm, kĩ năng trình bày vấn đề, kĩ năng tự học, kĩ năng đọc, sưu tầm tai liệu…qua đó tăng cường tính chủ động, tích cực trong quá trình tiếp thu kiến thức.
Năm học 2011 - 2012 Sở GD&ĐT Hải Phòng đã chỉ đạo các nhà trường triển khai tổ chức các Hội thảo đổi mới phương pháp học tập của học sinh trong đó chú ý 2 nội dung quan trọng.
Đó là: Trên lớp trò đổi mới phương pháp học phù hợp thầy đổi mới phương pháp dạy; ở nhà trò có phương pháp tự học tốt
Tăng cường sử dụng và làm mới các phương tiện, đồ dùng dạy học
Đối với đồ dùng và phương tiện dạy học trong các nhà trường, Sở GD&ĐT Hải phòng quan tâm chỉ đạo 2 nội dung quang trọng:
Đó là: Cải tiến và sử dụng có hiệu quả những đồ dùng hiện có và tự làm thêm các đồ dùng, phương tiện dạy học phù hợp bài dạy mang tính khoa học và tiết kiệm.
Năm học 2011 - 2012 Sở GD&ĐT Hải Phòng đã tổ chức Hội thi sử dụng sáng tạo và tự làm đồ dùng dạy học Hội thi cấp thành phố với quy mô 21 phòng trưng bày đồ dùng dạy học tự làm; 8 phòng thi giáo viên sử dụng đồ dùng dạy học; 8 phòng trưng bày đồ dung dạy học xét trao giải. Tổng số sản phẩm đồ dùng tham gia trưng bày lên tới con số 525 sản phẩm ở 2 cấp học THPT và THCS.
Ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học một cách hợp lý
Ngày nay việc ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học ngày càng được các giáo viên sử dụng một cách rộng rãi. Tuy nhiên, nếu không có sự định hướng thì đôi khi việc ứng dụng công nghệ thông tin không những không phát huy tác dụng mà còn ảnh hưởng tới quá trình đổi mới phương pháp.
Việc lạm dụng giáo án soạn sẵn có trên mạng, lạm dụng thí nghiệm ảo, thí nghiệm quay video… đã làm mất đi tính sáng tạo của người thầy làm cho các bài học trở lên khô cứng thiếu tính thuyết phục.
Sở GD&ĐT Hải Phòng đã quy định: Những đồ dùng, thí nghiệm có trong phòng thí nghiệm, có điều kiện tiến hành thì tuyệt đối không dùng thí nghiệm ảo, thí nghiệm quay video để thay thế.
Đồng thời, yêu cầu giáo viên khi lên lớp phải sử dụng phương tiện dạy học đặc biệt việc ứng dụng công nghệ thông tin phải phù hợp, không được lạm dụng.
Đổi mới kiểm tra đánh giá
Nghị quyết Trung ương 8 khóa XI đã chỉ rõ “ Đổi mới căn bản hình thức và phương pháp thi, kiểm tra và đánh giá kết quả GD&ĐT, bảo đảm trung thực, khách quan”.
Kiểm tra - đánh giá và quá trình giảng dạy là hai mặt của một vấn đề luôn tác động qua lại thúc đẩy hay hạn chế lẫn nhau. Có thể bắt gặp hiện tượng một thầy, cô giáo được đánh giá là đổi mới phương pháp giảng dạy nhưng kết quả kiểm tra, thi của lớp thầy, cô đó dạy lại không cao đó là vì kiểm tra - đánh giá đã không theo kịp đổi mới phương pháp giảng dạy.
Trong kiểm tra đánh giá, cần quan tâm 3 vấn đề đó là: Mục đích kiểm tra đánh giá, phương tiện để kiểm tra đánh giá và cách thức kiểm tra đánh giá
Mục đích kiểm tra - đánh giá cần rõ ràng, xác định rõ yêu cầu, nội dung cụ thể, phải trả lời được câu hỏi kiểm tra đánh giá để làm gì?
Ngày nay kiểm tra đánh giá học sinh không chỉ nhằm xác định kết quả học tập của học sinh mà quan trọng hơn qua kiểm tra đánh giá để tư vấn, giúp đỡ học sinh học tập tốt hơn, tiến bộ hơn, qua kiểm tra đánh giá để người thầy rút kinh nghiệm và điều chỉnh phương pháp dạy cho hiệu quả hơn.
Qua kiểm tra đánh giá học sinh không chỉ được phản ánh về kiến thức tiếp thu được mà còn có cơ hội thể hiện chính kiến thức của bản thân về các vấn đề kinh tế, chính trị, xã hội...
Phương tiện để kiểm tra đánh giá là các đề thi, đề kiểm tra. Đề thi, đề kiểm tra cần đảm bảo tính chính xác khoa học, bám sát chuẩn kiến thức, kĩ năng tăng cường câu hỏi vận dụng, liên hệ với thực tiễn.
Đối với các môn khoa học xã hội và nhân văn cần có dạng câu hỏi mở để học sinh được phát huy tính tích cực, chủ đông, được thể hiện chính kiến, quan điểm, lập trường của mình về các vấn đề thời sự của thế giới, của đất nước...
Hình thức kiểm tra - đánh giá: Cần đa dạng hóa các hình thức kiểm tra đánh giá: đánh giá kết quả cuối cùng, đánh giá quá trình, đánh giá trên lớp, đánh giá qua hoạt động thực tế. Thầy đánh giá trò, trò đánh giá lẫn nhau, và trò tự đánh giá…
Các hình thức kiểm tra đánh giá, phải đảm bảo tính khách quan, đánh giá đúng trình độ, kĩ năng, phẩm chất người học.
Cán bộ quản lý phải nắm chắc nội dung và bản chất đổi mới phương pháp
Hàng năm sau khi triển khai hội nghị hướng dẫn nhiệm vụ năm học cho các cấp học, Sở GD&ĐT Hải Phòng thường xuyên tổ chức các hội nghị hướng dẫn công tác chuyên môn cho các cán bộ quản lý, nhất là người trực tiếp làm công tác chuyên môn.
Một trong các nội dung quan trọng tập huấn đó là vấn đổi mới phương pháp dạy học và đổi mới kiểm tra - đánh giá.
Năm học 2013 - 2014, Sở GD&ĐT đã tập huấn công tác chuyên môn cho toàn bộ các Phó hiệu trưởng các trường THPT, các phó trưởng phòng và chuyên viên tổ THCS của 14 Phòng GD&ĐT trên địa bàn thành phố.
Qua tập huấn các cán bộ quản lý chuyên môn đã nắm chắc các văn bản chỉ đạo chuyên môn của Bộ và Sở từ đó chỉ đạo các nhà trường nâng cao chất lượng GD&ĐT.