Hiếu học trong dòng chảy hiện đại

GD&TĐ - Hiếu học là một trong những giá trị văn hóa truyền thống của con người Việt Nam ta từ xưa đến nay.

Văn Miếu - Quốc Tử Giám, di tích lịch sử biểu tượng cho ngàn năm văn hiến và trí tuệ Việt. Ảnh: Thu Hương
Văn Miếu - Quốc Tử Giám, di tích lịch sử biểu tượng cho ngàn năm văn hiến và trí tuệ Việt. Ảnh: Thu Hương

Truyền thống quý báu lâu đời của ông cha ta

Truyền thống hiếu học - nét văn hóa tốt đẹp lâu đời thấm nhuần vào tư tưởng của con người Việt Nam qua biết bao thế hệ. Ông cha ta đã đốt lên những ngọn đuốc tri thức đầu tiên soi đường cho cả một dân tộc bước qua những trang sử tối tăm mà hào hùng.

Hiếu học đầu tiên là yêu thích con chữ, đam mê tri thức, học để hiểu mình, hiểu người và hiểu đời. Sau đó là tôn sư trọng đạo, tôn trọng đồng môn. Ngay từ thời phong kiến, việc học được xem là con đường duy nhất để thay đổi số phận, dẫn đến sự thành đạt và làm rạng danh gia đình, dòng tộc.

Những câu chuyện về sĩ tử nghèo vượt khó, học hành ôn luyện thâu đêm suốt sáng trước kì thi đã khắc sâu vào tâm thức của người Việt, truyền cảm hứng cho bao thế hệ trẻ ngày nay.

Không chỉ là khát vọng cá nhân, tinh thần hiếu học còn là niềm tự hào của cả dân tộc. Ông cha ta từ xưa đã có truyền thống khuyến học cho những học trò có hoàn cảnh khó khăn đạt thành tích xuất sắc, tổ chức lễ vinh danh người đỗ đạt hay lập văn bia để tưởng nhớ các vị học giả lỗi lạc đời đời về sau, lấy đó là tấm gương mẫu mực cho thế hệ trẻ noi theo.

giao-vien-va-hoc-sinh-truong-tieu-hoc-nam-hai-thanh-pho-hai-phong-chuan-bi-lam-le-dang-huong-tai-van-mieu-quoc-tu-giam.jpg
Giáo viên và học sinh Trường Tiểu học Nam Hải, thành phố Hải Phòng chuẩn bị làm lễ dâng hương tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội). Ảnh: Thu Hương

Những hình ảnh như "vinh quy bái tổ" hay việc cả làng góp sức nuôi một học trò nghèo ăn học không chỉ thể hiện sự tình đoàn kết dân tộc mà còn khẳng định giá trị của tri thức trong đời sống xã hội.

Ngày 4/10/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đưa ra lời kêu gọi “Chống nạn thất học” để khuyến khích toàn dân học tập: “Quốc dân Việt Nam! Muốn giữ vững nền độc lập. Muốn làm cho dân mạnh nước giàu. Mọi người Việt Nam phải hiểu biết quyền lợi của mình, bổn phận của mình, phải có kiến thức mới để có thể tham gia vào công cuộc xây dựng nước nhà, và trước hết phải biết đọc, biết viết chữ quốc ngữ”. Thế mới thấy được rằng việc học là vô cùng quan trọng trong bất kỳ thời thế nào.

Tinh thần hiếu học trong thời đại công nghệ số

Trong thời đại ngày nay, nhờ sự phát triển của công nghệ và internet, tri thức trở nên gần gũi và dễ tiếp cận hơn bao giờ hết, sự học lại càng có điều kiện để phát triển. Nhiều bạn trẻ đã tận dụng các nguồn tài nguyên từ kỷ nguyên công nghệ số để học hỏi, sáng tạo và vươn ra thế giới. Các tấm gương thành công từ những người tự học qua các nền tảng trực tuyến là minh chứng rõ nét cho sự chuyển hóa tích cực của tinh thần hiếu học.

Em Vinh Thành Phong, 10 tuổi, học sinh trường tiểu học Đức Xuân, thành phố Bắc Kạn, một học sinh vừa cùng các thành viên trong lớp tới tham quan và dâng hương tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám chia sẻ: “Hôm nay con được đến Văn Miếu – Quốc Tử Giám làm lễ dâng hương, con cảm thấy rất vui và háo hức. Con muốn cầu học giỏi và may mắn trong học tập. Qua hoạt động này, con biết thêm về lịch sử và học hỏi được sự dũng cảm, bất chấp những khó khăn, vẫn kiên trì học tập và xây dựng đất nước của các vị vua và quan Triều Lý, giúp nhân dân có lương thực và cuộc sống ấm no.

Tuy nhiên, không thể phủ nhận rằng mặt trái của xã hội hiện đại đang làm suy giảm đi ý nghĩa thực sự của việc học. Một bộ phận không nhỏ học sinh học vì áp lực điểm số, bằng cấp hoặc đáp ứng kỳ vọng của gia đình thay vì xuất phát từ niềm yêu thích và ham học hỏi.

Chạy đua theo thành tích khiến việc học trở nên nặng nề, nhàm chán, đồng thời đánh mất đi giá trị cốt lõi của việc học như ông cha ta ngày xưa đã quan niệm “Học tập trước hết là để tu thân, sau đó mới là tề gia, trị quốc, bình thiên hạ”.

tap-the-khoi-5-truong-tieu-hoc-duc-xuan-thanh-pho-bac-kan-lam-le-dang-huong-tai-van-mieu-quoc-tu-giam.jpg
Tập thể khối 5, Trường Tiểu học Đức Xuân, thành phố Bắc Kạn làm lễ dâng hương tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội). Ảnh: Thu Hương.

Điều đáng lo ngại hơn, hiện tượng một số người nổi tiếng hoặc có tầm ảnh hưởng trên mạng xã hội hiện nay công khai phủ nhận vai trò của việc học đã để lại những tác động tiêu cực. Những phát ngôn như "Mẹ có thấy đúng chưa? Mẹ thấy đúng khi cho con nghỉ học chưa?", “Học dốt mà kiếm nhiều tiền còn hơn học giỏi mà không kiếm được tiền. Xã hội bây giờ chỉ cần tiền thôi, các bạn hiểu không?”, hay “Quan sát từ các mối quan hệ xung quanh, tôi thấy bạn bè, người quen học đại học phần lớn chỉ “học đại”.

Họ tùy tiện chọn một trường nào đó để đi học thôi. Theo tôi thấy việc học đại học không bổ trợ nhiều bằng một người học hết lớp 12 rồi bươn ra đời như tôi.” đã vô tình tạo ra tư duy lệch lạc, làm lung lay nhận thức khiến một bộ phận các bạn trẻ xem nhẹ hoặc thậm chí là coi thường việc học, vai trò của tri thức.

Giải pháp để gìn giữ và phát huy truyền thống hiếu học trong thời đại mới

Thời đại công nghệ đầy biến động nên việc giữ gìn và phát huy tinh thần hiếu học không chỉ là trách nhiệm của riêng cá nhân, gia đình hay nhà trường, mà cần đến sự chung tay của cả cộng đồng xã hội.

Đầu tiên, gia đình cần là nơi khơi nguồn tinh thần học tập cho con trẻ. Thay vì chỉ chú trọng đến điểm số hay thành tích, cha mẹ nên khuyến khích con học hỏi từ sự tò mò tự nhiên, yêu thích khám phá tri thức. Hơn nữa, cha mẹ cần làm gương, thể hiện tinh thần học tập suốt đời, để con trẻ thấm nhuần giá trị học tập từ chính môi trường gia đình.

Bên cạnh đó, hệ thống giáo dục cần chuyển mình để phù hợp hơn với thời đại nhưng vẫn phải giữ lại được giá trị cốt lõi của truyền thống quý báu này. Nhà trường nên tạo điều kiện cho học sinh phát triển tư duy sáng tạo, khả năng tự học và niềm đam mê tìm tòi với biển trời tri thức rộng lớn.

Đồng thời, chương trình giảng dạy nên khơi gợi tình yêu tri thức, giúp học sinh hiểu được ý nghĩa thực sự của việc học, thay vì chỉ chạy theo thành tích hay các quy chuẩn mà xã hội đặt ra.

Chị Đặng Thị Mỹ Quyên, giáo viên tổng phụ trách, trường tiểu học Nam Hải, quận Hải An, thành phố Hải Phòng chia sẻ: “Nhà trường tạo điều kiện cho các con học tập, trải nghiệm và làm lễ dâng hương tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám để các con biết và hiểu được truyền thống hiếu học, truyền thống tôn sư trọng đạo của cha ông ta. Từ đó giúp các con thêm yêu hơn, trân trọng hơn việc học của mình.

Đồng thời, qua chuyến đi này các con được tìm hiểu về lịch sử đất nước, biết ơn công lao dựng và giữ nước của thế hệ đi trước. Sau chuyến đi này, nhà trường cũng sẽ tổ chức thêm nhiều hoạt động cho các con được học tập từ thực tế và thỏa sức sáng tạo của bản thân.

giao-vien-va-hoc-sinh-truong-tieu-hoc-nam-hai-thanh-pho-hai-phong-lam-le-dang-huong-tai-van-mieu-quoc-tu-giam172.jpg
Giáo viên và học sinh Trường Tiểu học Nam Hải, thành phố Hải Phòng làm lễ dâng hương tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội). Ảnh: Thu Hương

Ngoài ra, xã hội cần có những hình mẫu tích cực để lan tỏa tinh thần hiếu học. Các phương tiện truyền thông đóng vai trò quan trọng trong việc tôn vinh và lan tỏa những câu chuyện học tập truyền cảm hứng, các tấm gương vượt khó, vươn tới thành công nhờ tri thức. Đồng thời, cần xây dựng một môi trường học tập đa dạng, nơi mọi người, bất kể tuổi tác hay địa vị, đều có thể tiếp cận tri thức và phát triển bản thân.

Ông Nguyễn Mạnh Cầm, cựu Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam đã từng chia sẻ: “Thực hiện phong trào gia đình hiếu học, dòng họ hiếu học là việc thực hiện mong muốn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Người mong muốn dân tộc Việt Nam trở thành dân tộc thông thái, đất nước Việt Nam phát triển ngang bằng với các nước trên thế giới. Chúng ta xây dựng xã hội học tập để cho mọi người dân được học tập và học tập suốt đời.”

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Thầy Đặng Khắc Bình (thứ 4 từ phải sang) chụp hình kỷ niệm cùng học trò. Ảnh: NVCC

Vần thơ xanh thầm

GD&TĐ - Khi tôi viết những dòng này thì thầy đang phải vận lộn chiến đấu để chống lại căn bệnh ung thư phổi quái ác.

Những bạn lịch bàn cần mẫn nhắc lịch trình. Ảnh: Bình Thanh

Người bạn nhắc thời gian cần mẫn

GD&TĐ - Mỗi dịp năm cũ chuẩn bị hết và năm mới sắp đến, cơ quan luôn tặng mẹ tôi rất nhiều bạn lịch treo tường, để bàn để sử dụng trong năm mới.