Nâng cao nhận thức
Khẳng định nâng cao nhận thức cho đội ngũ giáo viên trong trường về đổi mới phương pháp dạy học (PPDH) vô cùng quan trọng, theo thầy Đạt, để làm được việc này, cần tổ chức học tập, quán triệt các chủ trương của Đảng, Nhà nước về đổi mới; chỉ thị, thông tư hướng dẫn của Ngành về đổi mới giáo dục phổ thông, đổi mới chủ trương, đổi mới chương trình, nội dung giáo dục; về sự cần thiết phải đổi mới PPDH trong các trường trung học.
Đồng thời, tổ chức các sinh hoạt chuyên đề về mục đích, yêu cầu, nội dung, phương thức của việc thực hiện đổi mới chương trình, nội dung; đặc biệt là đổi mới PPDH, đổi mới kiểm tra đánh giá; tăng cường sử dụng hợp lý phương tiện dạy học, công nghệ thông tin và các điều kiện hiện có; tăng cường làm các đồ dùng dạy học tự làm...
Nâng cao nhận thức về vai trò của người giáo viên, trong đó có những giáo viên đầu đàn - nhân tố quyết định sự thành công và mang lại hiệu quả cho hoạt động đổi mới PPDH.
Đồng thời nhận thức đúng vai trò của tổ/nhóm bộ môn, của nhà trường và các lực lượng khác trong và ngoài nhà trường đối với hoạt động đổi mới PPDH trong các trường trung học.
Hình thức tổ chức, theo thầy Đạt, có thể bằng việc tổ chức cho giáo viên đi học các lớp bồi dưỡng hè do Sở, Bộ GD&ĐT tổ chức; tổ chức học tập, nghiên cứu các tài liệu lý luận nghiệp vụ ở các tổ chuyên môn, ở trường;
Tăng cường nghiên cứu, trao đổi, thảo luận trong nhóm, tổ chuyên môn và vận dụng giải quyết từng vấn đề theo yêu cầu đổi mới PPDH.
Tổ chức các đợt học tập xen kẽ, lồng ghép vào các sinh hoạt chuyên môn, rèn luyện tay nghề hàng tuần, hàng tháng trong tổ chuyên môn hoặc các kỳ hội giảng, thi giáo viên giỏi các cấp.
Xác định trọng tâm chỉ đạo đổi mới PPDH
Thống nhất trong nhận thức và tổ chức thực hiện những hoạt động đổi mới phù hợp, thầy Đạt cho rằng, có thể thực hiện như sau:
Một là, Đổi mới cách xác định mục tiêu bài học: việc xác định mục tiêu bài học cần đảm bảo hai yêu cầu cơ bản.
Cụ thể, định lượng được mức độ, chuẩn kiến thức, kỹ năng và thái độ học sinh phải đạt được sau bài học để thực hiện, đồng thời lấy đó làm căn cứ đánh giá kết quả bài học một cách khách quan, tránh tình trạng đánh giá cảm tính đối với một bài học.
Chú trọng mục tiêu xây dựng phương pháp học tập, đặc biệt là phương pháp tự học qua mỗi giờ học, bài học.
Hai là, Đổi mới cách soạn giáo án trên cơ sở ba định hướng: Chuyển trọng tâm từ thiết kế các hoạt động của thầy sang hoạt động của trò;
Giáo án phải thực sự là một bản kế hoạch lên lớp trong đó mọi hoạt động đều được tổ chức và sắp xếp theo một quy trình hợp lý và có sự phối kết hợp rất chặt chẽ các nguồn lực: người dạy, người học, sách giáo khoa, thiết bị dạy học...; Cần dự tính các phương án và cách thức có thể tiến hành để kiểm soát chất lượng làm việc của học sinh.
Ba là, Tăng cường tổ chức cho học sinh hoạt động với hai hình thức, hoặc làm việc độc lập theo nhịp độ phân hoá cá nhân, hoặc làm việc theo nhóm; sử dụng triệt để các phiếu hoạt động học tập; tăng cường giao tiếp thầy - trò kết hợp mở rộng giao tiếp trò – trò.
Bốn là, Nâng cao chất lượng các câu hỏi trong tiết học và đề kiểm tra, giảm số câu hỏi tái hiện sự kiện, tăng tỷ lệ các câu hỏi yêu cầu tư duy tích cực sáng tạo, chú trọng nhận xét sửa chữa các câu trả lời cho học sinh.
“Những hoạt động đổi mới trên cần được Hiệu trưởng quán triệt đồng bộ đối với tất cả các giáo viên, ở tất cả các bộ môn. Tinh thần chỉ đạo chung là: trong mỗi tiết học bình thường, học sinh được hoạt động nhiều hơn, thực hành nhiều hơn, thảo luận nhiều hơn và quan trọng hơn là được suy nghĩ nhiều hơn trong quá trình lĩnh hội nội dung học tập” - Thầy Đạt nhấn mạnh.
Lưu ý khi tổ chức thực hiện
Bên cạnh việc lập kế hoạch tổ chức các hoạt động thực hành đổi mới phương pháp trong từng thời gian: tuần, tháng, học kỳ trên cơ sở kế hoạch chuyên môn của trường, thầy Đạt lưu ý tổ chức thực hiện hiệu quả.
Trong đó, chỉ đạo các tổ chuyên môn chú trọng tất cả các khâu trong quy trình hoạt động: Xác định những yêu cầu đổi mới, bàn bạc, xây dựng thiết kế giáo án mẫu theo hướng đổi mới, lần lượt cử giáo viên dạy thử nghiệm để tập thể dự giờ, trao đổi, rút kinh nghiệm, so sánh với bài dạy trước đó để thấy mặt tiến bộ và hạn chế.
Chỉ đạo điểm những giờ dạy học sinh phương pháp học tập, chú trọng hướng dẫn học sinh tự học trên lớp và ở nhà dưới sự hướng dẫn của giáo viên.
Tổ chức học tập, nghiên cứu, cải tiến cách thức kiểm tra kết quả học tập của học sinh theo định hướng đổi mới - sử dụng hợp lý hai hình thức kiểm tra tự luận và trắc nghiệm.
Đổi mới hoạt động của Thư viện và Thiết bị dạy học nhà trường, chú trọng chỉ đạo việc làm và sử dụng đồ dùng dạy học, phục vụ có hiệu quả cho quá trình đổi mới PPDH.
Tổ chức các đợt thao giảng, hội thi giáo viên giỏi theo tinh thần đổi mới phương pháp, thường xuyên mời các giáo viên giỏi trong cụm hoặc các chuyên gia về dự giờ, trao đổi.
Tổ chức cho giáo viên tham quan, học tập các đơn vị tổ, trường có phong trào và chất lượng dạy học tốt ở trong và ngoài địa phương.
Tăng cường kiểm tra, đánh giá
Kiểm tra, đánh giá các hoạt động đổi mới PPDH với nhiều hình thức khác nhau vừa có tác dụng điều chỉnh vừa có ý nghĩa thúc đẩy đối với chính quá trình này.
Cụ thể về nội dung này, ông Hữu Chí Đạt cho rằng, điều đầu tiên, Ban Giám hiệu nhà trường thường xuyên phân công tham gia, theo dõi và điều chỉnh các hoạt động đổi mới nói trên thông qua vai trò của Tổ trưởng chuyên môn, đặc biệt thông qua việc tăng cường hoạt động của thanh tra chuyên môn nhà trường.
Tiếp đó, công tác kiểm tra, thanh tra chuyên môn cần được đổi mới theo hướng coi trọng chức năng phát hiện để phòng ngừa, điều chỉnh, tư vấn cho giáo viên hơn là chỉ tập trung truy tìm sai sót.
Ba là, một mặt, cần kết hợp giữa đánh giá của cá nhân với đánh giá của tổ chuyên môn và của Ban Giám hiệu để xác định những vấn đề chung cần giải quyết trong tình hình thực hiện đổi mới PPDH trong tập thể tổ chuyên môn và mỗi giáo viên.
Mặt khác, cần đổi mới việc kiểm tra chuyên môn, thay lối kiểm tra hành chính thủ tục bằng coi trọng kiểm tra hoạt động dạy học trên lớp của giáo viên và học sinh.
Bốn là, cần đổi mới công tác đánh giá thi đua trên cơ sở chú trọng những tiêu chí, những quy định của nhà trường trong việc tham gia thực hiện đổi mới PPDH của mỗi bộ phận, cá nhân.
Cuối cùng, cải tiến công tác thi đua trong nhà trường trên cơ sở đánh giá đúng và có chế độ khuyến khích, động viên kịp thời các hoạt động đổi mới PPDH có hiệu quả.
Tránh tình trạng "chạy quanh chuyên môn"
Thầy Đạt cho rằng, bên cạnh việc tăng cường xây dựng điều kiện cho quá trình đổi mới PPDH; phát huy vai trò tổ chức, lực lượng trong và ngoài nhà trường, Hiệu trưởng cần có nhận thức và quan điểm chỉ đạo tập trung, ưu tiên đối với hoạt động đổi mới PPDH, tránh tình trạng "chạy quanh chuyên môn".
Đồng thời, luôn xác định đây là hoạt động trọng tâm trong kế hoạch công tác của tổ chuyên môn, của nhà trường hàng tuần, hàng tháng. Tăng cường đầu tư tài chính cho các hoạt động dạy học, đặc biệt tạo mọi điều kiện để nâng cấp trang thiết bị cho các phòng học bộ môn.
Cũng rất cần xây dựng các quy định mang tính chế tài và phân cấp quản lý cho tổ chuyên môn để quản lý có hiệu quả nền nếp và chất lượng các hoạt động đổi mới PPDH trong nhà trường.
“Khi đội ngũ cán bộ quản lý nhà trường cùng thống nhất trong nhận thức về ý nghĩa và sự cần thiết của quá trình đổi mới PPDH; cùng đồng tâm nhất trí, dồn trí và lực để thực hiện thường xuyên, có hiệu quả các hoạt động đổi mới theo kế hoạch;
Cùng đánh giá mọi hoạt động của mỗi tổ chuyên môn, mỗi bộ phận, mỗi giáo viên, mỗi lớp học dựa trên tiêu chí chất lượng và hiệu quả của các hoạt động đổi mới PPDH thì nhất định quá trình đổi mới PPDH sẽ đạt được những kết quả tốt” - Thầy Đạt khăng định.