Biến đổi khí hậu ở Đồng bằng sông Cửu Long: Thích nghi theo hướng “thuận thiên”

GD&TĐ - Tích nước ngọt, điều chỉnh vụ mùa né hạn mặn, chuyển đổi cây trồng vật nuôi... là giải pháp được các địa phương Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thực hiện.

Mô hình nuôi tôm siêu thâm canh phát huy hiệu quả ở vùng ngập mặn tỉnh Bạc Liêu. Ảnh: Q. Ngữ
Mô hình nuôi tôm siêu thâm canh phát huy hiệu quả ở vùng ngập mặn tỉnh Bạc Liêu. Ảnh: Q. Ngữ

Kết quả là mùa khô năm nay thiệt hại do hạn, mặn không đáng kể. 

Nương theo tự nhiên

Vụ lúa Đông Xuân trúng lớn, thiệt hại do hạn, mặn giảm đáng kể, theo các chuyên gia, nhà khoa học và người dân, đây là kết quả của việc “thuận thiên” trong ứng phó với biến đổi khí hậu.

Sự ra đời Nghị quyết 120 của Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng biến đổi khí hậu là minh chứng cụ thể cho việc chuyển từ thế bị động sang chủ động để dễ thích ứng với biến đổi khí hậu, giúp người dân ứng phó với những biến động bất lợi từ bên ngoài. Sự chủ động được thể hiện thông qua nhận thức, tư duy, đặc biệt là quy hoạch, kế hoạch và chiến lược để thích ứng…

Thu hoạch xong vụ lúa Đông Xuân, anh Phạm Văn Út, người dân ở xã Bình Phú, huyện Càng Long (Trà Vinh) phấn khởi cho biết, vụ lúa năm nay vừa trúng mùa, vừa trúng giá. Với giá lúa tươi gần 7.000 đồng/kg, người dân có lãi nên rất vui.

Nhớ lại vụ Đông Xuân cách đây một năm, anh Út cho biết do xuống giống không tránh thời điểm nước mặn xâm nhập nên lúa bị thiếu nước, vừa bị mặn nên thất mùa. Năm nay, người dân đồng loạt gieo sạ lúa sớm hơn, hệ thống cống ngăn mặn được đầu tư xây dựng và chủ động cập nhật tình hình hạn, mặn nên tránh được thiệt hại.

Không chỉ ở Trà Vinh mà người dân ở tỉnh Bến Tre, Tiền Giang, Sóc Trăng… cũng trúng vụ lúa Đông Xuân vì né được hạn, mặn, giá lúa cao và xuất khẩu ổn định. Theo Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT), vụ lúa Đông Xuân 2020 - 2021 tại các tỉnh, thành vùng Nam Bộ được xuống giống sớm từ tháng 10/2020, diện tích xuống giống ở các địa phương ven biển sớm để né hạn, mặn.

Do ảnh hưởng của khô hạn và xâm nhập mặn diện tích lúa Đông Xuân giảm khoảng 30.000ha. Trong đó, tỉnh Tiền Giang 6.000ha, Trà Vinh 2.000ha, Vĩnh Long giảm 5.000ha do chuyển đổi cây trồng, Kiên Giang giảm 5.000ha, Sóc Trăng giảm 8.000ha và Đồng Tháp gieo muộn 4.000ha chuyển sang vụ Hè Thu.

Theo ông Nguyễn Ngọc Hè, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, địa phương xuống giống vụ lúa Đông Xuân hơn 77 nghìn ha, năng suất đạt 7,6 tấn/ha, các giống lúa chủ yếu đặc sản, thơm, chất lượng cao để phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Người dân thu hoạch năng suất cao so với nhiều năm qua, lợi nhuận của bà con trồng lúa vụ này từ 45% trở lên, việc tiêu thụ có nhiều thuận lợi. Có thể nói vụ lúa Đông Xuân năm nay đạt kết quả tốt nhất…

Thích ứng với tư duy không buông xuôi, người dân chuyển đổi cây trồng, vật nuôi theo hướng “thuận thiên”. Những vụ lúa trên đất nuôi tôm tại tỉnh Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau với giống lúa chịu được hạn mặn đạt năng suất, được bao tiêu đầu ra và tăng thu nhập nhờ tôm, cua, cá.

Tại Trà Vinh, nhiều nơi người dân sản xuất nông nghiệp theo hướng thuận thiên nên sống khỏe. Tại Cồn Chim, xã Hòa Minh, huyện Châu Thành (Trà Vinh) 6 tháng nước ngọt người dân trồng lúa, 6 tháng nước mặn nuôi tôm, nuôi cua trên nền ruộng lúa. Mô hình này được người dân địa phương gọi là “Con tôm ôm gốc lúa”.

Biến nguy thành cơ

Chưa đầy 5 năm qua, vùng ĐBSCL đã 2 lần hứng chịu thời tiết cực đoan, hạn hán và xâm nhập mặn khốc liệt. Những đợt thiên tai vừa là thử thách, nhưng cũng vừa là bài học để các địa phương góp thêm kinh nghiệm quý báu từ thực tiễn trong công tác điều hành sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội.

Chia sẻ thực tế về việc “thuận thiên”, Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia độc lập về hệ sinh thái ĐBSCL dẫn chứng cụ thể ở Cồn Chim. Cồn Chim là nơi mà người dân biết thuận theo tự nhiên nên đỡ vất vả.

Vào mùa khô, Cồn Chim vẫn bị xâm nhập mặn, là vùng nước lợ đặc trưng trong hệ sinh thái của ĐBSCL, nhưng người dân vẫn sống phơi phới. Nhờ thuận theo tự nhiên nên thiên nhiên ở đây chưa bị hủy hoại, người dân thì không phải “gồng mình” chống mặn mỗi mùa khô đến.

Trao đổi về vấn đề “thuận thiên” trong ứng phó với biến đổi khí hậu ở ĐBSCL, GS Võ Tòng Xuân cho biết: Nhiều tỉnh trong vùng đã đầu tư giúp cho bà con nông dân làm hệ thống lúa - tôm. Trong mùa mưa thì trồng lúa rất tốt.

Khi ít mưa, nước mặn lên, người nông dân nuôi tôm. Việc này đem lại lợi ích gấp 4 - 5 lần cây lúa. Theo GS Xuân, phong trào chuyển lúa sang trồng cây ăn trái khá nhiều nhưng làm rất lẻ tẻ. Bên cạnh đó, nhiều năm nay, một trong những khó khăn của người nông dân khi chuyển đổi là vấn đề đầu ra.

“Tới đây, tôi nghĩ rằng chúng ta cần định hướng tư duy từng vùng, vùng nào trồng cây gì, nuôi con gì? Từ định hướng đó, chúng ta mới kết hợp nông dân với nông dân thành những hợp tác xã và liên kết với doanh nghiệp…”, GS Võ Tòng Xuân nhấn mạnh.

Theo các nhà khoa học, cơ cấu nông nghiệp đã chuyển dịch tích cực, trước kia xác định các sản phẩm trụ cột của ĐBSCL gồm lúa gạo, thủy sản, trái cây. Gần đây, để thích ứng với biến đổi khí hậu, phải khai thác thế mạnh theo ưu tiên thủy sản, trái cây, lúa gạo...  

Theo Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện, bên cạnh những vấn đề về đầu tư cải thiện đường giao thông, hệ thống logistics, nếu giải quyết đúng vấn đề trọng tâm là chuyển hướng nền nông nghiệp thì sẽ giải quyết được hàng loạt vấn đề của đồng bằng.

Chuyển hướng nông nghiệp không nên chỉ là tái cơ cấu một cách cơ học, thay đổi cây trồng vật nuôi mà nên là một cuộc cách mạng về nông nghiệp mang tính chuyển hóa. Nền nông nghiệp cần chuyển sang hướng giảm thâm canh, tập trung chất lượng, chuỗi giá trị, gia tăng chế biến, cải thiện logistics, đa dạng hóa thị trường.

Phát huy sinh kế khác thay thế cho vụ lúa mùa lũ vùng ngập sâu và vụ lúa mùa khô vùng ven biển, tôn trọng quy luật tự nhiên, xem nước ngọt, mặn, lợ đều là tài nguyên…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ