Đồng bằng sông Cửu Long: “Đau đầu” tình trạng di dân

GD&TĐ - Di dân đang là vấn đề được các địa phương Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đặc biệt quan tâm. Trong 10 năm gần đây, có hơn 1 triệu người rời bỏ quê hương đến TPHCM, Bình Dương mưu sinh.

Biến đổi khí hậu ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh kế người dân ĐBSCL. Đây cũng là nguyên nhân khiến tình trạng di dân gia tăng.
Biến đổi khí hậu ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh kế người dân ĐBSCL. Đây cũng là nguyên nhân khiến tình trạng di dân gia tăng.

10 năm di dân bằng 1 tỉnh

Sau Tết Nguyên đán, dòng người từ các tỉnh ĐBSCL đổ về TPHCM và Bình Dương khiến nhiều tuyến đường kẹt cứng. Đây là hình ảnh quen thuộc, phản ánh bức tranh di dân ở vùng đồng bằng được cho là trú phú, màu mỡ.

Tại TP Cần Thơ, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp Trường Chính sách Công và Quản lý Fulbright (FSPPM) vừa tổ chức lễ công bố Báo cáo kinh tế thường niên năm 2020 về ĐBSCL. Qua các nghiên cứu, thu thập số liệu từ các chuyên gia cho thấy, vấn đề di dân ở ĐBSCL là đáng báo động.

Số liệu thống kê, số lượng di cư khỏi ĐBSCL trong thập niên vừa qua (2009 - 2019) là gần 1,1 triệu người, lớn hơn dân số của một số tỉnh trong vùng và tương đương với số tăng dân số tự nhiên của cả vùng. So với các vùng khác trong cả nước, ĐBSCL có tỷ lệ nhập cư thấp nhất, trong khi tỷ lệ xuất cư cao nhất. Đây là vùng duy nhất có tỷ lệ tăng dân số bình quân 0,1% trong giai đoạn 2009 - 2019, trong khi cả nước là 1,1%. 

Điều khiến các chuyên gia, lãnh đạo các địa phương quan tâm là số di dân ngày càng nhiều trong khi dân số hầu như không tăng. Cụ thể, dân số vùng ĐBSCL giai đoạn 2009 - 2019 gần như không đổi so với 10 năm trước. Theo kết quả điều tra dân số và nhà ở, dân số vùng ĐBSCL vào thời điểm tháng 4/2019 là 17,3 triệu người, gần như không có sự thay đổi đáng kể nào so với mức 17,2 triệu người vào 10 năm trước.

Không chỉ thể hiện qua các báo cáo, các nghiên cứu, khi về vùng nông thôn ở các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Trà Vinh… sẽ thấy rõ tình hình di dân. Nhiều xóm, ấp chỉ còn lại người già và trẻ em, còn những người trong độ tuổi lao động đều rời quê đi TPHCM, Bình Dương và các tỉnh Đông Nam Bộ để làm công nhân hoặc lao động tự do. 

Gắn bó với làng quê hơn 40 năm, bà Lâm Thị Chuốt, ngụ xã An Phước, huyện Tân Hồng (Đồng Tháp) cho biết: “Ở xóm này, chỉ vui mỗi khi nghỉ Tết, lúc đó con cháu, thanh niên lao động từ TPHCM, Bình Dương trở về. Còn ngày thường rất vắng, chỉ có ông bà già và trẻ nhỏ. Giờ đây, nhiều người không còn tha thiết với ruộng đồng, có người bán đi hoặc cho thuê rồi rời quê đi Bình Dương. Lao động nông thôn giờ tìm cũng khó, không có người làm nên giá thuê lúc nào cũng cao”.

Tại An Giang, đi ngược về hướng biên giới tiếp giáp Campuchia, mùa lũ giờ không còn, người dân hết sinh kế nên nhà nhà, người người kéo nhau đi Bình Dương. Ở tuyến dân cư vượt lũ xã Phú Lộc, thị xã Tân Châu (An Giang) có khoảng 1.000 hộ dân với khoảng 4.000 nhân khẩu. Trong đó khoảng 80% dân số nằm trong độ tuổi lao động nhưng có khoảng 3/4 người trong số đó đã bỏ quê mưu sinh ở TPHCM, Đông Nam Bộ. 

Theo lý giải của bà Nguyễn Thị Hoa, ngụ tại tuyến dân cư vượt lũ xã Phú Lộc, người dân bỏ xứ ra đi do sinh kế không còn như trước. Nhất là mùa lũ giờ đây không còn khiến thu nhập người dân không có. Nhiều người ít ruộng đất nên đành phải rời quê đi làm công nhân. Mỗi tháng thu nhập từ 6 đến 9 triệu đồng, số tiền này khá hơn so với ở quê.

Bỏ quê vì không còn sinh kế 

Theo chuyên gia, số người di cư cao như vậy phản ánh kinh tế vùng ĐBSCL đang suy giảm, kém hấp dẫn hơn vùng Đông Nam Bộ. Điều này dẫn đến dòng người di cư khỏi ĐBSCL để tìm kiếm sinh kế tốt hơn. Đây là một quy luật tất yếu. Bên cạnh đó, vấn đề di cư tại ĐBSCL còn do tác động tiêu cực từ biến đổi khí hậu, xây đập thủy điện từ thượng nguồn đến hoạt động sản xuất, chất lượng cuộc sống và môi trường tại vùng. 

Theo ông Nguyễn Phương Lam, Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Chi nhánh Cần Thơ, người xuất cư chủ yếu là người dân nông thôn. Nguyên nhân do khu vực nông thôn với nhiệm vụ sản xuất nhưng lại chưa được tái đầu tư để người dân được hưởng lợi nên họ đi nơi khác tìm cuộc sống mới. Ngoài ra, nghiên cứu cho thấy tốc độ đô thị hóa ở ĐBSCL hiện nay thấp nhất cả nước, điều kiện sống không tốt bằng những vùng khác... Theo ông Phạm Thiện Nghĩa, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, ĐBSCL là trù phú, lao động nhiều, nhưng tổng hợp lại 10 năm di cư trên 1 triệu người là vấn đề rất buồn...

Hạn hán, xâm nhập mặn, thiếu nước ngọt, ảnh hưởng của các đập nước trên thượng nguồn đang là những yếu tố làm trầm trọng thêm sinh kế và thúc đẩy luồng di dân. Ở chiều khác, lực hút từ sự phát triển của TPHCM và khu vực miền Đông Nam Bộ kéo dân cư ra khỏi vùng ĐBSCL. Trong hiện tại và tương lai gần, ĐBSCL chưa có trục đối xứng để có thể cân bằng làm giảm đà di chuyển dân cư ra khỏi vùng… “Con cháu đều đi Bình Dương kiếm sống chứ ở quê giờ không biết làm gì. Người lớn tuổi ở lại giữ cháu, nhờ con mỗi tháng gửi về 1 - 2 triệu đồng để sống qua ngày”, bà Lê Thị Cẩm Tú, người dân ở tuyến dân cư vượt lũ xã Phú Lộc, thị xã Tân Châu (An Giang) cho biết. 

Theo ông Nguyễn Phương Lam, để giải quyết vấn đề di dân ở ĐBSCL, trước hết cần quy hoạch đầy đủ, tổng thể, tập trung phát triển đô thị, quy hoạch lại ngành hàng để có cơ hội việc làm cho người dân. Kế đến là hạ tầng giao thông, đây cũng là điểm yếu của vùng. Cần có hệ thống giao thông kết nối giữa các địa phương với TPHCM và Đông Nam Bộ. Có trục giao thông tốt, sẽ thu hút đầu tư các doanh nghiệp trong và ngoài nước đến ĐBSCL nhiều hơn, tạo công ăn việc làm nhiều hơn. Vấn đề ảnh hưởng của biến đổi khí hậu rất cần Nhà nước và các địa phương có giải pháp trước mắt và lâu dài; xây dựng chính sách khuyến khích người dân tham gia các hoạt động cộng đồng để có sinh kế bền vững… 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

'Nỗi ám ảnh' của ông Trump

GD&TĐ - Một trong những quốc gia được nhắc nhiều và chịu ảnh hưởng ngay trong ngày nhậm chức của Tổng thống Mỹ Donald Trump là Mexico.