Phát triển đồng bằng sông Cửu Long: Hướng biển để tạo đột phá và kết nối ASEAN

GD&TĐ - Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long, hướng tâm hay hướng biển để tạo được bước đột phá phát triển kinh tế vùng và kết nối ASEAN. Báo GD&TĐ đã trò chuyện với ông Lê Quân - Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau.

Thành phố Cà Mau điểm nhấn của liên kết vùng ASEAN (ảnh Thông Sắc)
Thành phố Cà Mau điểm nhấn của liên kết vùng ASEAN (ảnh Thông Sắc)

- Ông đánh giá thế nào về Dự thảo Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu long (ĐBSCL) được đề xuất mới đây?

GS.TS Lê Quân - Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau
GS.TS Lê Quân - Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau

Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mai Lê Quân: Tôi cho rằng có nhiều tiếp cận mới, bước đầu đưa ra được nhiều định hướng chính sách giải quyết các vấn đề lớn về khai thác tiềm năng để phát triển, thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường, liên kết vùng… Cơ bản đã đáp ứng mục tiêu đảm bảo kết cấu hạ tầng.Có tiếp cận chú trọng quyền con người, giải quyết được nhiều vấn đề dân sinh, sinh kế của người dân, nước sạch, môi trường sống và đề cao các giá trị văn hóa miền Tây.

Quy hoạch này khi được phê duyệt sẽ là căn cứ quan trọng để các tỉnh xây dựng quy hoạch cấp tỉnh. Tuy nhiên, dự thảo quy hoạch dường như “hướng tâm” chứ chưa “hướng biển”, kinh tế biển còn được đề cập khá mờ nhất là với các tỉnh thuộc bán đảo Cà Mau.

ĐBSCL không thể phát triển nếu không giữ và thu hút được nhân lực chất lượng cao. Ngoài ra, tiếp cận của bản quy hoạch chưa tạo được nhiều dư địa cho quy hoạch cấp tỉnh, và qua đó sẽ hạn chế phần nào sự năng động của địa phương và khu vực tư nhân...

- Hướng biển sẽ có lợii cho phát triền vùng ĐBSCL nhiều hơn, thưa ông?

Đúng thế, phát triển “hướng biển”, phát triển kinh tế biển của các tỉnh thuộc bán đảo Cà Mau sẽ mở ra được không gian biển.

ĐBSCL phải được coi là khu vực động lực tăng trưởng và được định vị quy hoạch trong tương quan với khu vực Đông Nam Á, Châu Á và quốc tế. Nếu "hướng tâm" và hệ thống cao tốc được hình thành đúng dự kiến " hướng tâm" thì rất “chật” so với tiềm năng của vùng.

Nếu tiếp cận hướng biển, ĐBSCL sẽ có rất nhiều không gian để phát triển. ĐBSCL có vài trăm km bờ biển và một khu vực rộng lớn biển và thềm lục địa để phát triển. Ngoài ra, cần phải "hướng biển" để có hệ thống hạ tầng chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu; tăng cường năng lực quốc phòng... do đó chúng ta cần chủ động hướng ra biển chứ không lùi sâu vào nội địa.  

Một sạp bán hải sản tại TP Cà Mau.
Một sạp bán hải sản tại TP Cà Mau.

Riêng đối với bán đảo Cà Mau, gồm các tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Kiên Giang. Đây là các địa phương có nguồn tài nguyên rừng vô cùng phong phú, vị trí địa lý chiến lược thuận lợi trong giao thương quốc tế, có môi trường sinh thái tốt, có quỹ đất lớn, và rất tiềm năng để phát triển bền vững, tăng trưởng xanh.

Nếu quy hoạch hướng tâm, đây sẽ trở thành các tỉnh “vùng xa”. Nhưng nếu quy hoạch hướng biển, bán đảo Cà Mau có tiềm năng trở thành một “đặc khu” phát triển kinh tế, một cực tăng trưởng của đất nước trong tương lai.

- Hướng biển, cần có cảng nước sâu, quan điểm của ông về vấn đề này thế nào?

Nếu tiếp cận hướng biển, thì ĐBSCL cần nhiều cảng, gồm cả cảng nội địa, cảng nước sâu và cảng quốc tế. Tư vấn nên phân tích và so sánh tất cả các phương án khả thi và đưa các khu vực đủ điều kiện làm cảng vào quy hoạch. Còn thực hiện phát triển cảng nào nên để cho thị trường, nhà đầu tư quyết định.

Hướng biển sẽ tạo đột phá cho phát triển kinh tế và kết nối ÁEAN.
Hướng biển sẽ tạo đột phá cho phát triển kinh tế và kết nối ÁEAN.

Với khu vực bán đảo Cà Mau, tôi nhìn nhận vị trí chiến lược của Cảng Trần Đề và Cảng Hòn Khoai rất khác nhau. Cảng Trần Đề ở mặt Biển Đông và giải quyết tốt nhu cầu của nhiều tỉnh, trong đó có cả Cần Thơ. Cảng Hòn Khoai có vị trí chiến lược ở cực Nam, vừa tiếp giáp Biển Đông, vừa nằm ở cửa Vịnh Thái Lan, thuộc Biển Tây. Đây là Cảng quốc tế quan trọng trong tương lai, đối diện với Cảng Sihanoukville (được Campuchia và Trung Quốc đầu tư rất lớn).

Quy hoạch mở là tạo điều kiện cho các nhà đầu tư tiếp cận, chứ không chỉ để đầu tư công. Hiện nay Hòn Khoai đang được nhiều nhà đầu tư trong nước và quốc tế quan tâm. Nếu được đầu tư, Cảng Hòn Khoai trở thành trung tâm phát triển các dịch vụ không chỉ vận tải, mà còn cả du lịch, năng lượng…

SInh viên Trường Đại học Trà Vinh thực hành thí nghiệm.
SInh viên Trường Đại học Trà Vinh thực hành thí nghiệm.

- Vậy hướng biển sẽ tốt nhiều hơn cho tỉnh Cà Mau nói riêng và các tỉnh nằm trong bán đảo Cà Mau nói chung, thưa ông?

Như tôi đã nói ở trên, nếu quy hoạch hướng tâm, Cà Mau nói riêng và Bán đảo Cà Mau nói chung trở thành vùng sâu, vùng xa trong chuỗi giá trị. Trong khi đó, Cà Mau có lợi thế tiềm năng rất lớn về phát triển điện gió gắn với nuôi biển, góp phần chắn sóng, bảo vệ rừng, bảo vệ bờ biển gắn với phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng; phát triển cảng biển gắn với logistic và dịch vụ giải trí… 

Ngoài ra, Cà Mau còn là thủ phủ nuôi tôm của cả nước, đặc biệt là nuôi tôm sinh thái, tôm- rừng, tôm- lúa và còn dư địa phát triển rất lớn; do đó việc đầu tư hoàn chỉnh hạ tầng các vùng nuôi tập trung, ứng dụng khoa học công nghệ, thương mại điện tử sẽ tạo ra đột phá mới.  

Cà Mau và các tỉnh khu vực ĐBSCL sẽ thuận lợi hơn khi tập trung ưu tiên thu hút đầu tư vào các lĩnh vực tạo động lực tăng trưởng gồm giao thông (cao tốc Cần Thơ – Cà Mau, đường ven biển, nâng cấp sân bay Cà Mau), đường thủy nội địa, đường biển (Cảng Hòn Khoai), năng lượng tái tạo (điện gió ven biển và điện LNG…), đầu tư các vùng nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao, đầu tư hạ tầng nghề cá, các đô thị sinh thái nghỉ dưỡng ven biển (Năm Căn, Ngọc Hiển, Sông Đốc). Đây sẽ là những động lực góp phần đưa Cà Mau và các tỉnh nội vùng đột phá, gắn với bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu - Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Quân.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Điều hòa phải bật 24/24 giờ để duy trì nhiệt độ tằm mới phát triển tốt.

Lắp điều hòa cho … tằm

GD&TĐ - Phương pháp nuôi tằm trong phòng lạnh giúp hiệu quả kinh tế tăng gấp 3 lần so với nuôi ngoài điều kiện bình thường.

Ảnh minh họa: INT.

Truyện ngắn: Duyên muộn

GD&TĐ - Năm nay Túc đã ở hàng “băm”. Anh có “thâm niên” hơn 20 năm bươn chải nơi xứ người với nghề bán vé số dạo.