Hiện tượng thời tiết cực đoan hơn, nước biển dâng đe dọa cuộc sống người dân… Đó là những điểm nổi bật của kịch bản biến đổi khí hậu vừa được công bố.
Nhiệt độ các vùng đều tăng
Bộ TN&MT vừa công bố bản cập nhật Kịch bản biến đổi khí hậu và nước biển dâng. So với bản năm 2016, bản cập nhật mới này có nhiều điểm mới về số liệu, phương pháp nghiên cứu. Kịch bản được xây dựng ở ba mức là kịch bản RCP2.6 (thấp), RCP4.5 (trung bình), và RCP8.5 (cao)
Kịch bản biến đổi khí hậu mới được cập nhật trên cơ sở Báo cáo đánh giá lần thứ 5 (AR5) của Ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu năm 2013. Báo cáo đặc biệt về sự ấm lên toàn cầu vượt ngưỡng 1.5 độ C (IPCC, 2018).
Báo cáo đặc biệt về biến đổi khí hậu và đất (IPCC, 2019). Báo cáo đặc biệt về thay đổi đại dương và thay đổi băng quyển (IPCC, 2019). Kế thừa từ Kịch bản biến đổi khí hậu và nước biển dâng cho Việt Nam của Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố năm 2016…
Kịch bản biến đổi khí hậu về nhiệt độ trung bình năm ở tất cả các vùng của Việt Nam đều có xu thế tăng so với thời kỳ cơ sở (1986 - 2005). Mức tăng phụ thuộc vào các kịch bản RCP và vùng khí hậu. Theo kịch bản RCP4.5, nhiệt độ trung bình năm trên toàn quốc vào giữa thế kỷ có mức tăng 1,2÷1,7 độ C.
Đến cuối thế kỷ, có mức tăng 1,6÷2,4 độ C. Nhìn chung, nhiệt độ phía Bắc tăng cao hơn phía Nam. Theo kịch bản RCP8.5, nhiệt độ trung bình năm trên toàn quốc vào giữa thế kỷ có mức tăng 1,7÷2,3 độ C. Đến cuối thế kỷ, có mức tăng 3,2÷4,2 độ C.
Lượng mưa có xu thế tăng ở tất cả các vùng khí hậu. Mưa cực trị có xu thế tăng. Theo kịch bản RCP4.5, lượng mưa năm có xu thế tăng trên phạm vi cả nước, với mức tăng phổ biến 10÷15% vào giữa thế kỷ và 10÷20% vào cuối thế kỷ. Theo kịch bản RCP8.5, vào giữa thế kỷ 21, lượng mưa năm có xu thế tăng phổ biến từ 10÷15% trên hầu hết cả nước.
Ở các trạm đảo, ven biển Đông Bắc lượng mưa có thể tăng từ 20÷30%. Đến cuối thế kỷ, lượng mưa năm có xu thế tăng phổ biến từ 10÷25%, đáng lưu ý là một phần diện tích thuộc Đông Bắc lượng mưa có thể tăng trên 40%.
Biến đổi khí hậu có khả năng làm thay đổi tần suất, cường độ, quy luật hoạt động của các hiện tượng khí hậu cực đoan. Số lượng bão và áp thấp nhiệt đới có xu thế ít biến đổi nhưng có phân bố tập trung hơn vào cuối mùa bão, đây cũng là thời kỳ bão hoạt động chủ yếu ở phía Nam. Bão mạnh đến rất mạnh có xu thế gia tăng.
Số ngày rét đậm, rét hại ở các tỉnh miền núi phía Bắc, Đồng bằng Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ đều giảm. Số ngày nắng nóng (số ngày nhiệt độ cao nhất # 35 độ C) và nắng nóng gay gắt (số ngày nhiệt độ cao nhất # 37 độ C) có xu thế tăng trên phần lớn cả nước, lớn nhất là ở Bắc Trung Bộ, Đồng bằng Bắc Bộ và Nam Bộ.
Gần 80% diện tích Cà Mau và Kiên Giang ngập trong nước
Kịch bản nước biển dâng chỉ xét đến sự thay đổi mực nước biển trung bình do biến đổi khí hậu. Nó không xét đến ảnh hưởng của các yếu tố như nước dâng do bão, gió mùa, thủy triều, quá trình nâng/hạ địa chất và các quá trình khác.
Theo đó, vào cuối thế kỷ, mực nước biển dâng ở khu vực Biển Đông theo kịch bản RCP2.6, mực nước biển dâng khoảng 46cm. Theo kịch bản RCP4.5, mực nước biển dâng khoảng 55cm. Theo kịch bản RCP8.5, mực nước biển dâng khoảng 77cm.
Khu vực giữa Biển Đông (bao gồm cả quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa) có mực nước biển dâng cao hơn đáng kể so với các khu vực khác. Khu vực có mực nước biển dâng thấp nhất là khu vực Vịnh Bắc Bộ và Bắc Biển Đông.
Nếu xét riêng dải ven biển Việt Nam, khu vực ven biển từ Đà Nẵng đến Kiên Giang có mực nước biển dâng cao hơn so với khu vực phía Bắc. Kết quả này phù hợp với xu thế biến đổi mực nước biển được tính theo số liệu thực đo tại các trạm trong quá khứ. Dọc ven biển Việt Nam, mực nước biển dâng có giá trị tăng dần từ Bắc vào Nam.
Nguy cơ ngập vì nước biển dâng do biến đổi khí hậu được xây dựng trên cơ sở tính toán các kịch bản nước biển dâng ở khu vực Biển Đông, ven biển và hải đảo Việt Nam. Các yếu tố làm gia tăng nguy cơ ngập như sự nâng hạ địa chất, thay đổi địa hình, đường bờ, sụt lún do các nguyên nhân chỉ gián tiếp được tính đến thông qua dữ liệu DEM được cập nhật đến năm 2020.
Tuy nhiên, chi tiết sự ảnh hưởng của các yếu tố trên cùng với các công trình giao thông và thủy lợi như đê biển, đê song, đê bao, kè, hệ thống thoát nước chưa được xét đến trong các tính toán nguy cơ ngập của kịch bản cập nhật này.
Nguy cơ ngập vì nước biển dâng do biến đổi khí hậu được tính toán cho các tỉnh có nguy cơ ngập do nước biển dâng, bao gồm 34 tỉnh/thành phố ở vùng đồng bằng và ven biển; các đảo, quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Bản đồ nguy cơ ngập được xây dựng theo các mức ngập từ 10cm đến 100cm với bước cao đều là 10cm.
Nếu mực nước biển dâng 100cm, nguy cơ ngập đối với các tỉnh như sau: Đồng bằng sông Cửu Long là khu vực có nguy cơ ngập cao (47,29% diện tích) Cà Mau và Kiên Giang là tỉnh có nguy cơ ngập cao nhất (tương ứng 79,62% và 75,68% diện tích).
Khoảng 13,20% diện tích Đồng bằng sông Hồng; 1,94% diện tích tỉnh Quảng Ninh có nguy cơ bị ngập. Khoảng 1,53% diện tích các tỉnh ven biển miền Trung từ Thanh Hóa đến Bình Thuận có nguy cơ bị ngập.
Trong đó, tỉnh Thừa Thiên Huế có nguy cơ cao nhất (5,49% diện tích), Bình Thuận là tỉnh có nguy cơ ngập thấp nhất (0,19% diện tích). Khoảng 17,15% diện tích TP Hồ Chí Minh; khoảng 4,84% diện tích Bà Rịa - Vũng Tàu có nguy cơ bị ngập.